Đổi thay ở một vùng lòng hồ

Việt Sơn 27/09/2017 09:05

Cấm Sơn là một công trình thủy lợi nằm trên địa bàn huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Trước và sau khi xây dựng hồ, nhiều anh em dân tộc ở các địa bàn lân cận đã theo nhau về đây sinh sống, trong đó phải kể đến người Nùng và người Dao. Vốn là vùng nước, núi, lại thuộc địa phận cận kề với các tỉnh như Lạng Sơn, Quảng Ninh nên một thời nghèo đói đã vây hãm người dân. Nhưng nay, cùng với sự đổi thay của đất nước, người dân vùng lòng hồ Cấm Sơn đã vươn lên phát triển kinh tế, làm thay đổi cuộc sống ch

Mô hình nuôi cá của gia đình Lường Văn Nền.

Miền đất chiến địa

Vào Cấm Sơn chỉ có 2 con đường. Một, từ Thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) cắt lên Thị trấn Chũ (quê hương của vải thiều) rồi qua Biên Sơn, Phong Vân, Tân Sơn để vào. Hai, theo Quốc lộ 1, lên Lạng Sơn, đến Chi Lăng rẽ phải, qua chiếc đèo ngoạn mục có tên Quao cũng sẽ sang được. Nhiều năm trước, dù có chọn đường nào cũng gặp những “lộ hành nan”. Sau hành trình này là sự đối mặt với nghèo khó. Những năm trước vào với Cấm Sơn, ngoài những mảnh đời, căn nhà nghèo khó, người ta sẽ chống chếnh với tỷ lệ đói nghèo của xã, có lúc lên đến gần 80%.

Vì nằm ở nơi “lam chướng, nghìn trùng” nên những ngày tiền khởi nghĩa, Cấm Sơn đã có những con người quả cảm và miền đất này nhanh chóng được chọn làm vùng chiến khu. Nhân dân ở đây đã nổi lên phá kho thóc của Nhật ở Đồng Cốc tận thu được tới 100 tấn lương thực để chia cho dân trong vùng và các miền kề cận để cứu đói.

Pháp hất cẳng Nhật, thực hiện chính sách thực dân, đô hộ khắp miền thì nhiều thanh niên quả cảm Cấm Sơn đã vượt nơi “lam sơn, chướng khí” để tìm lên tận Bắc Sơn (Lạng Sơn) để tham gia cuộc Khởi nghĩa nổi tiếng Bắc Sơn. Sau đó, họ lại về Cấm Sơn để mở chiến khu Ba Hòn nổi tiếng của lịch sử tỉnh Bắc Giang. Những người như ông Giáp Thái Bách, Ngô Đình Vận, Vi Văn Lăng, Vi Văn Lẫm, Nông Văn Phẩm, Giáp Văn Kỷ đã mãi mãi đi vào lịch sử cùng với sự vẻ vang.

Đa dạng hóa cây trồng lối thoát nghèo cho dân Cấm Sơn.

Cũng ngày ấy, vì nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt, án ngữ đường lên Lạng Sơn, rồi từ Biển Động, Đồng Cốc, Quý Sơn, lên An Châu, sang Quảng Ninh nên miền quê nghèo này đã được Pháp tận dụng triệt để về lĩnh vực quân sự. Được sự kích động của Pháp, các toán phỉ hung hãn cũng đã đồng loạt nổi lên. Pháp, phỉ đã liên kết, tạo ra một áp lực khiếp đảm với người dân suốt 1 vùng rộng lớn từ An Châu, qua Đồng Cốc, Thanh Hải. Những tên phỉ khét tiếng như Khán Ba, Lý Pút, Chánh Poòng, Tổng Đoàn Long cầm đầu đã gây tội ác, giết hại dân lành không tiếc tay.

Để giữ vững vùng phên dậu, để thông thương các vùng miền đặc biệt quan trọng, kết nối các vùng chiến khu, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Việt Bắc, chiến khu Ba Hòn đã được dựng lên. Dưới sự lãnh đạo của các ông Giáp Thái Bách, Ngô Đình Thông, Vi Văn Lăng, Vi Văn Lẫm… 3 trung đội du kích với vũ khí thô sơ đã được thành lập. Sự mưu trí dũng cảm, với một lòng căm thù giặc sâu sắc, du kích Ba Hòn đã tổ chức được 3.000 ngày đánh giặc, với 53 trận đánh, tiêu diệt 275 tên địch, bắt sống và cảm hóa 53 tên. Bên cạnh đó họ còn cảm hóa được hàng trăm tên thổ phỉ về với cuộc sống đời thường. Nối liền cho 1 vùng rộng lớn cách mạng.

Làm kênh mương tạo thế mạnh để Cấm Sơn có sự bứt phá.

Thức dậy một miền nghèo

Giờ tìm vào Cấm Sơn người ta đã hết mủi lòng trước cảnh nghèo khó của vùng đất chiến khu này. Anh thanh niên bữa nào tôi vừa gặp, mặt cứ buồn rượi về tình cảnh nghèo khó của mình có tên Vi Văn Phong nay đã vui vẻ cùng những mãn nguyện vè sự đổi thay của quê hương mình. Đón chúng tôi trước con đường mới rải nhựa, Phong đã phấn chấn. Phong bảo, cái ngày anh lên, xã có tới gần 80% hộ đói nghèo thì nay chỉ còn trên 50% theo tiêu chí mới thôi. Những con đường tớp túa bùn đất, xẻ chia các xóm thôn với nhau nay đã được “hòa mạng”. Không còn cảnh chân giẫm bùn, tay chèo thuyền để đi nữa.

Có cái gì đã đem lại sự đổi thay đến kỳ diệu ở một xã vùng sâu vùng xa, có tới trên 1.000 hộ, 40% là đồng bào các dân tộc và bị 307triệu m3 nước vây hãm này? Nội lực chẳng ở đâu xa, đó chính là tinh thần đoàn kết và sự vượt khó đi lên của người dân đất này. Phong bảo, thú thực ở miền quê cách mạng nổi tiếng, đi đâu ai cũng biết, nhưng khi nói về phát triển kinh tế thì người Cấm Sơn cảm thấy tủi hổ vô cùng. Chẳng biết kể gì, chỉ biết kể về nghèo đói. Thế là tủi, thế là bực, thế là quyết tâm đi lên.

Cùng với các chủ trương, cùng với sự trợ giúp, người dân Cấm Sơn đã chủ động vào cuộc. Để khắc phục sự cắt sẻ, không thuận lợi về giao thông của 1 xã vùng hồ, đường đã được người dân đưa lên hàng đầu. Kế hoạch và chủ trương được đưa xuống, lại cho cán bộ ngày đêm đi vận động, với phương châm “tự mình cứu mình”, nên chỉ trong vài năm ngắn ngủi, hàng chục km đường giao thông liên thôn đã “hòa mạng” tất cả các xóm thôn. Các thôn xa thẳm như Làng Họa, Chằm Khoa đã được đường “kéo” về gần xã, gần huyện hơn.

Đường xong, dân đi lại thuận tiện, có gì cần bán mua đổi chác là có thể “vù” ra chợ, không còn cảnh tự cung tự cấp vì nước nôi vây hãm nữa thì “chiến dịch” nâng cao sản lượng lương thực cũng được đưa vào. Cán bộ nhiệt tình, dân đồng thuận là những gì Cấm Sơn có và biến thành thế mạnh để phát triển. Hàng nghìn km đường kênh mương, thủy lợi nội đồng đã đồng loạt được khởi công, xóa bỏ câu nói đau đớn ngàn đời “khát trên biển nước” của người dân Cấm Sơn. Hàng trăm ha ruộng 1 vụ nay đã trở thành 2 vụ, tạo điều kiện cho Cấm Sơn đảm bảo về an ninh lương thực cho mình.

Cảnh “hưu hắt nến trám” ngày xưa cũng đã có điện thay thế, điện lưới quốc gia đã được kéo về 100% các hộ gia đình. Nông lâm sản đã không còn là nỗi lo, để có bước đi lên, người dân Cấm Sơn đã mạnh dạn đi vào chăn nuôi các cây con để tăng thêm thế mạnh kinh tế của mình. Từ một xã thuần nông, lác đác vài con gia súc, gia cầm nuôi theo kiểu quảng canh thì nay Cấm Sơn đang tự hào về các mô hình chăn nuôi của mình. Với đàn gia cầm 250 nghìn con, 1.500 con trâu, bò, ong 600 đàn thì hiện nay Cấm Sơn còn mạnh dạn đi vào chăn nuôi các cây con đặc sản như: Dế, rắn, gà vườn…

Tại thôn thôn Mới, nói đến một mô hình kinh tế ai cũng nhắc đến gia đình anh Lường Văn Nền (SN 1981). Theo anh Nền, tháng 6-2015, nhận thấy tiềm năng của lòng hồ Cấm Sơn, anh bỏ công việc nay đây mai đó về quê lập nghiệp với nghề nuôi cá lồng. Để tiết kiệm chi phí và tạo ra sản phẩm an toàn, anh thu gom cỏ cùng các loại ốc, cá tạp của người dân trong thôn xay làm thức ăn cho cá. Mỗi lồng cá cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/lứa. Kết hợp với trồng vải và đánh bắt cá ở lòng hồ, anh Nền dành dụm được chút vốn liếng.

Đầu năm 2017, anh đầu tư hơn 500 triệu đồng nuôi thêm 8 lồng, trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại như máy tạo oxy, nhà bảo quản, máy xay thức ăn cho cá... Vụ này, ngoài nuôi cá nheo, anh nhập thêm các giống cá khác như trắm trắng, trắm đen, chép, trôi... Hằng ngày, vợ chồng anh trồng hoặc thu hoạch cỏ cho trắm trắng; thu gom ốc của người dân trong thôn chế biến thức ăn cho trắm đen... Theo anh Nền, lứa cá này, gia đình mới nhập được hơn một tháng nhưng do nước sạch, chăm sóc tốt nên cá lớn nhanh. Vài tháng nữa, mỗi con cá trắm xuất bán nặng trung bình từ 4-5 kg, với giá 50-60 nghìn đồng/kg, vụ này dự kiến thu về khoảng 100 triệu đồng.

Để có 1 Cấm Sơn như ngày hôm nay, ngoài sự giúp đỡ của chính quyền, tinh thần đồng thuận của dân thì đất này còn mạnh về công tác Đảng. Hiện Đảng viên của xã đã có 150 đồng chí, cái đáng tự hào là nhiều năm nay Cấm Sơn luôn tự hào là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi thay ở một vùng lòng hồ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO