“Để công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy đưa du lịch cất cánh, ngành du lịch Ninh Bình không chỉ tập trung vào lượng khách, doanh thu, mà cần xây dựng bộ đo về chỉ số phát triển du lịch văn hóa, trải nghiệm của du khách, hiệu quả khai thác tài nguyên…”.
Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phan Tâm tại Hội thảo "Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh”, do Báo Tiền Phong và Sở Du lịch Ninh Bình đồng tổ chức, diễn ra sáng 9/5.
Hội thảo với sự tham dự của gần 200 đại biểu, các ý kiến không chỉ nêu bật tình hình mà còn đưa ra nhiều kiến giải phát triển công nghiệp văn hóa, nâng tầm du lịch Ninh Bình.
Cần nhìn văn hóa như một tài nguyên đặc biệt
Ninh Bình là vùng đất cổ, có tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đa dạng với các danh thắng nổi tiếng như Cố đô Hoa Lư, Tràng An, chùa Bái Đính, Vườn quốc gia Cúc Phương... du lịch Ninh Bình có sức hút đặc biệt hấp dẫn với khách du lịch trong và ngoài nước.
Hiện tỉnh có 81 di tích quốc gia. Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An là di sản kép duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, được UNESCO ghi nhận là mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế gắn với bảo tồn di sản.
Dựa trên lợi thế đó, Ninh Bình đã nhập cuộc vào ngành "Công nghiệp không khói" một cách mạnh mẽ.
“Tỉnh đã khai thác hiệu quả tiềm năng di sản văn hóa đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp để phát triển du lịch. Địa phương luôn chú trọng đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, xem du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn” – Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị tỉnh, du lịch Ninh Bình đã trở thành 1 trong 10 điểm đến hàng đầu Việt Nam và được ghi nhận với nhiều giải thưởng danh giá. Quần thể danh thắng Tràng An được bình chọn là "điểm đến có ảnh hưởng trên thế giới".
Năm 2024 Ninh Bình đón trên 8,7 triệu lượt khách, vượt 16% kế hoạch. Doanh thu đạt hơn 9.100 tỷ đồng, tăng trên 40% so với năm 2023.
Tuy nhiên, theo ông Mạnh, du lịch Ninh Bình đón nhiều khách nhưng doanh thu không cao. Điều này khiến tỉnh luôn trăn trở, tìm ra cách nâng tầm du lịch, đặc biệt theo hướng gắn liền với các giá trị văn hóa, di sản.
“Đòn bẩy mềm” để du lịch cất cánh
Chia sẻ về vấn đề này tại Hội thảo, Thứ trưởng Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phan Tâm nhấn mạnh: Câu chuyện của Ninh Bình không phải là địa phương có gì, mà là làm như thế nào để thương hiệu du lịch có sức cạnh tranh, lan tỏa, vươn tầm quốc tế. Chúng ta cần nhìn văn hóa như một tài nguyên đặc biệt, có thể tái tạo, sinh lợi lâu dài, có giá trị kinh tế, tinh thần, tạo giá trị độc đáo cho sản phẩm du lịch.
“Để công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy đưa du lịch cất cánh, địa phương cần tạo chính sách thuận lợi để thu hút kinh tế tư nhân, đồng thời chú trọng chuyển đổi số, số hóa di sản, bảo tàng ảo. Ngành du lịch Ninh Bình không chỉ tập trung đo đếm lượng khách, doanh thu, mà cần xây dựng bộ đo về chỉ số phát triển du lịch văn hóa, trải nghiệm của du khách, hiệu quả khai thác tài nguyên…” – ông Tâm nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch chia sẻ, muốn du lịch “cất cánh”, Ninh Bình cần phải dựa vào “đòn bẩy mềm”, tức là từ sức hấp dẫn của các sản phẩm công nghiệp văn hóa.
Tuy nhiên, muốn định vị được thương hiệu công nghiệp văn hóa địa phương, Ninh Bình cần phải thành điểm đến hàng đầu thu hút du lịch. Quá trình này sẽ thành công nếu các ngành công nghiệp văn hóa, cũng như du lịch tạo được sức lôi cuốn du khách tham gia vào hành trình khám phá những câu chuyện văn hóa in sâu trong ký ức, chạm vào cảm xúc hay bùng nổ về độ hiếu kỳ. Hay giản đơn là sự mộc mạc, tinh tế được chuyển tải trong từng sản phẩm hay dịch vụ công nghiệp văn hóa tại các điểm đến
“Cần xây dựng bản đồ công nghiệp văn hóa tích hợp điểm đến du lịch. Ưu tiên đầu tư cho công nghiệp văn hóa để giải phóng sức sáng tạo, khơi thông nguồn lực trong phát huy thế mạnh giàu có tài nguyên văn hóa, di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, di sản đô thị của Ninh Bình bằng các sản phẩm, dịch vụ có giá trị kinh tế, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng sáng tạo, doanh nghiệp, người dân địa phương”- bà Phương đề xuất.
Di sản cần phải được nuôi dưỡng
Ông Johnathan Baker - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho rằng, vùng đất đặc biệt này không chỉ được tôn vinh vì những giá trị nổi bật toàn cầu mà còn là nơi có cảnh quan vô cùng sống động, có cộng đồng địa phương gắn bó sâu sắc với các tài nguyên tự nhiên và văn hoá. Tuy nhiên, cũng như nhiều Di sản Thế giới khác, Tràng An đang đối mặt với thách thức trong việc cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản.
Vì vậy, theo ông Johnathan Baker, câu hỏi đặt ra là không chỉ là làm thế nào thu hút thêm khách du lịch, mà còn là làm thế nào để du lịch nuôi dưỡng các di sản sống, góp phần nâng cao chất lượng sống của cộng đồng và giữ gìn bản sắc văn hoá của Tràng An. Đầu tư cho văn hoá phải song hành với việc giữ gìn văn hoá.
“Cần phát triển các tuyến du lịch văn hoá theo chủ đề và du lịch nông thôn, nhằm khuyến khích du khách khám phá di sản sống động của Ninh Bình vượt ra ngoài các điểm đến quen thuộc. Thúc đẩy các mô hình hợp tác xã du lịch văn hoá do cộng đồng dẫn dắt, đảm bảo phân chia lợi ích một cách công bằng” - ông John nathan Baker đề xuất đồng thời cho biết, UNESCO cam kết đồng hành cùng lãnh đạo tỉnh và người dân Ninh Bình để hiện thực hoá tầm nhìn về giữ gìn những giá trị quý bàu của Di sản thế giới cho các thế hệ mai sau.
Các ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu hôm sẽ là tư vấn quan trọng để Ninh Bình tiếp tục phát huy các tiềm năng, lợi thế, lan tỏa các giá trị đặc sắc của con người, vùng đất Cố đô Hoa Lư, nâng cao giá trị thương hiệu địa phương, hội nhập sâu vào chuỗi giá trị các ngành du lịch, công nghiệp văn hóa, giải trí trên thế giới.