Ứng viên chính thức ra tranh cử Tổng thống của đảng Cộng hòa, Donald Trump, trong ngày cuối của đại hội đảng đã cố gắng vãn hồi trật tự nội bộ nhằm tập trung toàn bộ sức mạnh để đánh bại bà Hillary Clinton. Đây là cũng là dịp mà tỷ phú đưa ra quan điểm gây tranh cãi liên quan tới việc bảo vệ các đồng minh NATO.
Donald Trump (trái) cùng phó tướng Mike Pence xuất hiện
trong địa hội đảng Cộng hòa đêm 20/7. (Nguồn: NYT).
Loại bỏ chướng ngại
Bài phát biểu của Trump khép lại đại hội đảng Cộng hòa kéo dài 4 ngày tại Cleveland, trong đó phơi bày những chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng liên quan tới chính ứng viên sẽ đại diện cho họ ra tranh cử Tổng thống trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 8/11 tới. Sự chia rẽ thể hiện rõ nhất khi Thượng nghị sỹ Texas Ted Cruz thúc giục cử tri “bỏ phiếu theo lương tâm” và khẳng định ông không ủng hộ Donald Trump.
Tuy nhiên, nỗ lực cuối cùng nhằm hất cẳng Donald Trump của Ted Cruz đã nhận phải một làn sóng phản ứng từ những người ủng hộ nhà Trump bên dưới, khiến cho vợ ông, bà Heidi Cruz buộc phải rời khỏi dưới sự hỗ trợ của đội bảo vệ.
“Tôi cho rằng đó là một màn trình diễn tệ hại” - Thống đốc bang New Jerrsey Chris Christie, nói về bài phát biểu của ông Cruz.
Chưa nói tới bài phát biểu trên, thì đại hội đảng Cộng hòa lần này cũng có đầy các tình huống bê bối - trong đó gồm việc vợ ông Trump đưa ra bài phát biểu được cho là đạo văn Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, hay tình trạng hỗn loạn trong ngày đầu đại hội do cãi vã giữa hai phe ủng hộ và phản đối Donald Trump gây nên.
Là người cuối cùng có bài phát biểu trong hàng loạt các sự kiện marathon kéo dài 4 ngày tại Cleveland, Donald Trump đã có được cơ hội lớn nhất của mình để đoàn kết vô số các nhân tố trong nội bộ đảng của mình để cùng chung sức chống lại đối thủ thuộc đảng Dân chủ - bà Hillary Clinton.
Bài phát biểu này là cơ hội tốt nhất để củng cố uy thế của Trump. Ông này đã thu hút được hàng triệu cử tri bằng việc cam kết sẽ thắt chặt các đạo luật về nhập cư của Mỹ và tái đàm phán lại các thỏa thuận thương mại quốc tế. Tuy nhiên điều đó là chưa đủ, bởi tỷ phú 70 tuổi này còn cần phải lấy lại sức bật trong các cuộc thăm dò dư luận sau đại hội đảng để có thể đuổi kịp bà Clinton - người cũng sẽ tham dự đại hội đảng Dân chủ tổ chức ở Philadelphia trong tuần tới.
Tiếp tục gây bão
Ngay trước khi đại hội đảng Cộng hòa khép lại, Donald Trump tiếp tục chia sẻ với báo giới một số quan điểm của mình về các chính sách ngoại giao mà ông vạch ra cho nước Mỹ. Trong một phát biểu gây nhiều tranh cãi trong hôm 21/7, Trump nói rằng có khả năng sẽ không bảo vệ các nước đồng minh NATO nếu như các nước này không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của họ.
“Nếu được quyết định, tôi sẽ ưu tiên bảo vệ nước Mỹ trước vì chúng ta có thể điều quân từ Mỹ đến bất kỳ nơi nào vào bất kỳ thời điểm nào nếu thấy cần thiết và chi phí cho việc này cũng nhẹ hơn rất nhiều so với việc đưa quân đồn trú khắp nơi” - Donald Trump nói với tờ New York Times.
Tờ New York Times cho hay, ông Trump còn nhắc lại quan điểm cứng rắn của mình rằng ông sẽ buộc các nước đồng minh phải chia sẻ gánh nặng về chi phí quân sự mà Mỹ đã phải mang vác trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Khi được hỏi về các hoạt động của Nga khiến cho các nước Baltics lo ngại, Trump nói rằng nếu Nga tấn công các nước này, ông sẽ cân nhắc và chỉ hỗ trợ cho họ nếu như các nước này “thực hiện đầy đủ cam kết với chúng ta”. “Nếu các nước này thực hiện đầy đủ cam kết với chúng ta, câu trả lời là có”, Trump nói.
Trump, người đã nhắc lại cam kết sẽ thúc đẩy khẩu hiệu “Nước Mỹ là trên hết” trong bài phát biểu cuối cùng, nói rằng các đồng minh cần phải điều chỉnh hướng tiếp cận của họ. “Tôi muốn tiếp tục các thỏa thuận hiện tại”, ông nói, “nhưng chỉ khi các đồng minh ngừng tận dụng sự hào phóng của nước Mỹ”.
Phát ngôn này của Trump đã lập tức vấp phải sự chỉ trích từ phía chiến dịch tranh cử của ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton, trong đó nói rằng họ sẽ cho mọi người thấy rằng ông Trump “là không phù hợp về mặt tích cách và chưa hề chuẩn bị để trở thành lãnh đạo của chúng ta”.
Phát ngôn cũng vấp phải phản ứng của Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves, người nói trên trang Twitter cá nhân của mình rằng quốc gia gồm 1,3 triệu dân của ông đã thực hiện đầy đủ các cam kết của mình với NATO.
“Estonia là 1 trong số 5 đồng minh của NATO ở châu Âu đã đáp ứng được cam kết đóng góp 2% chi phí quốc phòng” - ông Ilves nói, thêm rằng Estonia đã “chiến đấu không ngừng” trong các chiến dịch của NATO ở Afghnistan.