Đồng bằng sông Cửu Long: Gia tăng nguy cơ sạt lở

Quốc Trung 04/04/2023 06:12

Không lâu nữa mùa mưa sẽ tới với Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở đã xuất hiện. Mới nhất, ngày 1/4, trên tuyến đường kênh Đốc Phủ Hiền (thuộc ấp Phú Thuận, xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) xảy ra sạt lở khiến 1 căn nhà cấp 4 bị cuốn xuống sông, 10 hộ dân còn lại trên đoạn đường sạt lở bị cô lập hoàn toàn.

Giúp dân di chuyển đồ đạc và kè tạm khu vực sạt lở xã Tân Phú Đông, TP Sa Đéc.

Đoạn đường bị sạt lở ở đường kênh Đốc Phủ Hiền có chiều dài khoảng 80m, toàn bộ phần đường rộng khoảng 5m đã sạt lở hoàn toàn xuống sông. Trong số 11 hộ dân bị ảnh hưởng có khoảng 47 nhân khẩu, trong đó có 1 hộ có 7 nhân khẩu mất nhà hoàn toàn.

Liên tiếp các vụ sạt lở

Điều khiến người dân sinh sống ở khu vực này bất ngờ là trước khi xảy ra sạt lở thì ở đây hoàn toàn không có dấu hiệu gì bất thường. Ông Nguyễn Văn Khanh - người có căn nhà bị sạt lở hoàn toàn kể lại: “Đang ngồi trong nhà, thấy sao nhà nhúc nhích. Tôi chạy ra phía trước thấy đường bị nứt, lún xuống. Sợ quá, mới kêu vợ chạy ra. Cũng may mới thoát ra thì nhà bị cuốn luôn”.

Tuyến kênh Đốc Phủ Hiền có lưu lượng phương tiện giao thông thủy lưu thông nhiều, dòng chảy siết nên sạt lở diễn ra rất nhanh. Hiện ngành chức năng thành phố đã cắt giao thông qua đoạn đường này và triển khai các giải pháp khắc phục tạm thời. Đồng thời, thống kê thiệt hại để có sự hỗ trợ kịp thời cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang cho biết, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 8 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 150m, làm mất hơn 700m2 đất, ước thiệt hại gần 300 triệu đồng. Trên địa bàn huyện Châu Thành của tỉnh hồi cuối tháng 2/2023 cũng vừa xảy ra 2 vụ sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, vụ sạt lở tại bờ kênh Mái Dầm (ấp Đông Lợi A, xã Đông Phước) dài 30m, sâu vào 4m, diện tích mất đất 120m2, chia cắt đường giao thông nông thôn, ước thiệt hại 80 triệu đồng. Vụ sạt lở tại bờ kênh Cái Dầu (ấp Phú Nghĩa, xã Phú Hữu) dài 30m, sâu vào 7m, mất đất 210m2, chia cắt đường giao thông nông thôn, ước thiệt hại gần 45 triệu đồng.

Không chỉ tình trạng sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp, sạt lở đê biển ở ĐBSCL cũng rất đáng báo động. Cuối tháng 2/2023, tuyến đê biển Đông đoạn giáp ranh giữa 2 tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng (thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) xảy ra sạt lở nghiêm trọng. Đoạn sạt lở kéo dài hơn 45m, trong đó có một đoạn đê bị sạt dài 25m, rộng 6m, sâu 1,5m và một đoạn đê bị sạt dài 21m, rộng từ 1 đến 3m và sâu 1m vào chân đê.

Ngành chức năng địa phương nhận định, do triều cường dâng cao kết hợp sóng to, gió mạnh khiến đoạn đê bao sạt lở. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều yêu cầu các cơ quan chức năng huy động ngay lực lượng, phương tiện để xử lý khẩn cấp hạn chế sạt lở, đồng thời triển khai các biện pháp cần thiết khác để đảm bảo an toàn đê điều khu vực này. Ngoài ra, phải khoanh vùng khu vực bị sạt lở, thiết lập hành lang an toàn, lắp đặt biển báo cho khu vực sạt lở ngăn không cho người, phương tiện vào; bố trí lực lượng trực, theo dõi diễn biến hiện trường để kịp thời ứng cứu, xử lý. Yêu cầu UBND TP Bạc Liêu khẩn trương huy động các lực lượng hỗ trợ người dân đắp đất, bao cát ngăn chặn nước biển tràn vào nhà, đồng thời triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng của người dân khu vực bị ảnh hưởng.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, tại các tỉnh đầu nguồn việc gia tăng diện tích đê bao kiên cố để làm lúa 3 vụ khiến dòng chảy lũ thu hẹp không gian chứa, gia tăng lưu tốc ở lòng dẫn cũng khiến tình trạng sạt lở thêm rủi ro. Ở các vùng ven biển việc mở rộng thâm canh nuôi tôm, phá rừng ngập mặn khiến sóng biển, triều cường, lốc xoáy và gió chướng... là những yếu tố làm sạt lở.

Việc khai thác nước ngầm, cả hợp pháp và bất hợp pháp gia tăng cũng làm cho cao độ mặt đất lún sụt nhanh chóng, gây thêm yếu tố sạt lở. Vùng Bán đảo Cà Mau có trên 130.000 giếng khoan ngày đêm hút nước khiến nơi này là điểm nóng lún sụt, trung bình từ 1 - 3 cm/năm.

Giải pháp tạm thời chặn sạt lở ở đê biển Sóc Trăng.

Nhiều dự án triển khai chậm

Mới đây tại cuộc họp Ban Chỉ đạo các dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu diễn ra tại Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố 16 dự án xây dựng đường ven biển, kết nối vùng, đê bao chống sạt lở, hồ trữ nước ngọt, với tổng vốn hơn 94.300 tỷ đồng. Các dự án đã được hai bộ Giao thông vận tải - Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL thống nhất đề xuất. Trong đó, vốn vay nước ngoài hơn 2,8 tỷ USD (tương đương 66.282 tỷ đồng), vốn đối ứng hơn 28.000 tỷ đồng.

Cụ thể một số dự án có mức đầu tư lớn như: Hệ thống đường ven biển dài 415 km đi qua 7 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, với tổng mức đầu tư gần 43.000 tỷ đồng; Hoàn thiện đê bao sông Măng Thít (giai đoạn 2) vốn hơn 4.150 tỷ đồng (Vĩnh Long); Nâng cấp mở rộng quốc lộ 61C, Hậu Giang, dài hơn 37 km (3.888 tỷ đồng)... Dự kiến các dự án được phê duyệt đề xuất vào tháng 6, duyệt chủ trương đầu tư tháng 12; quyết định đầu tư và ký hiệp định tháng 6 và tháng 9/2024.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các dự án này sẽ góp phần hiện thực hóa Quy hoạch vùng ĐBSCL (công bố tháng 6/2022), với mục tiêu tăng cường liên kết vùng, thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời tạo được động lực phát triển cho các địa phương.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, PGS Lê Anh Tuấn cho biết, nhiều năm qua Chính phủ và các bộ, ngành có nhiều dự án với số tiền rất lớn đầu tư cho ĐBSCL. Tuy nhiên việc triển khai lại chậm và chưa đồng bộ. Giải ngân rất chậm, vướng mắc san lấp để thực hiện dự án, cùng đó các vấn đề kỹ thuật cũng gây tranh cãi. Hay như việc tìm quỹ đất để xây dựng hồ chứa nước cũng lại là vấn đề….

Theo ông Tuấn, trước mắt cũng như lâu dài các địa phương trong vùng ĐBSCL phải có bản đồ nguy cơ sạt lở. Việc quản lý sông rạch cần chặt chẽ hơn, không bố trí khu định cư mới gần bờ sông, có phương án giải tỏa các công trình và nhà cửa ven sông để hạn chế sạt lở. Các vùng có nguy cơ sạt lở phải hạn chế tốc độ tàu thuyền và cắm bảng cảnh báo.

“Ngành thủy lợi cần nghiên cứu chỉnh trị sông để có những đề xuất xây dựng công trình ổn định lòng dẫn ở các vị trí xung yếu về kinh tế và dân cư. Các vùng ven biển phải chọn lựa ưu tiên giải pháp trồng rừng ngập mặn, trồng cây giữ đất trước khi tìm kiếm các giải pháp công trình chống sạt lở hay ngăn ngừa hiện tượng sạt lở lan truyền. Các địa phương vùng ngập lũ nên giảm bớt diện tích đê bao cho vụ 3, mở nước đón lũ nhận phù sa, thay vì để dòng lũ xiết hơn về phía hạ lưu, tăng nguy cơ sạt lở” - ông Tuyến nói.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, địa phương đang có 62 điểm sạt lở lớn, nhỏ với chiều dài hơn 2.000 m. Ước tính kinh phí khắc phục là hơn 27,7 tỉ đồng. Còn tại Bến Tre, tỉnh này đã triển khai dự án nâng cấp, gia cố chống sạt lở đê bao cồn Tam Hiệp (xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại). Dự án gồm xây dựng tuyến đê bao với tổng chiều dài khoảng 20,7km, trong đó, gia cố mái phía sông là 7,33km. Thời gian thực hiện kéo dài đến năm 2024. Tổng vốn đầu tư là hơn 325,6 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Gia tăng nguy cơ sạt lở

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO