Chiều 16/7, tại TP HCM, Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức Hội thảo khoa học “40 năm người Công giáo thực hiện Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam (Thư chung 1980) và bài học kinh nghiệm”.
Dự Hội thảo có Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực; đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ; đại diện Ban Dân vận Trung ương tại TP HCM; lãnh đạo Trung ương UBĐKCG Việt Nam. Hội thảo cũng thu hút các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các viện, trường…
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đánh giá, Thư chung 1980 là thông điệp quan trọng của Giáo hội, 40 năm sau nhìn lại vẫn còn nhiều ý nghĩa với đồng bào Công giáo Việt Nam. Qua các cuộc hội thảo đã nói lên các giá trị tốt đẹp, những điều mà Thư chung 1980 đề cập, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại.
Theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, người Công giáo Việt Nam nhận thức rõ hơn con đường đồng hành cùng dân tộc, đất nước. Công giáo có sự phát triển mạnh ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước; nhiều giáo xứ, giáo họ mới được thành lập; nhiều chức sắc được cử đi đào tạo ở các đại chủng viện trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, nhiều chức sắc, người tu hành và giáo dân đã tích cực tham gia vào các tổ chức như Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, Đại biểu Hội đồng nhân dân…
Trong khi đó, có không ít chức sắc nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, công tác từ thiện, nhân đạo, khuyến học, khuyến tài, góp phần tích cực vào phong trào thi đua yêu nước, sống “Tốt đời đẹp đạo”. Xu hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong hoạt động của Công giáo.
Theo Linh mục Trần Xuân Mạnh, Chủ tịch UBĐKCG Việt Nam, ý thức được vai trò của UBĐKCG Việt Nam trong việc định hướng cho phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo Việt Nam trong giai đoạn mới, UBĐKCG Việt Nam mong muốn tìm ra cơ sở lý luận cũng như thực tiễn, định hướng cho phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo làm sao của thích nghi với sự phát triển chung của xã hội vừa phù hợp với đường hướng mục vụ của Giáo hội.