Hôm nay (12/10), lễ khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội mang tới nhiều kỳ vọng về một sứ mệnh: “Hiệp hành - Chia sẻ - Phục vụ” của những người Công giáo Việt Nam cùng chí hướng để sống phúc âm giữa lòng dân tộc và đồng hành với dân tộc.
Ủy ban Đoàn kết Công giáo (ĐKCG) Việt Nam được thành lập tháng 11/1983, tiền thân là Ủy ban Liên lạc những người Công giáo yêu nước, yêu hòa bình (gọi tắt là Ủy ban Liên lạc Công giáo toàn quốc) ra đời từ năm 1955. 40 năm qua, với vai trò là một tổ chức xã hội - tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam, Ủy ban ĐKCG Việt Nam đã đoàn kết rộng rãi đồng bào Công giáo Việt Nam trong và ngoài nước, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo theo tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và Huấn từ của Đức Giáo hoàng Benedicto XVI: “Người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.
Từ khi thành lập đến nay, Ủy ban ĐKCG Việt Nam đã trải qua 7 kỳ đại hội. Mỗi một nhiệm kỳ lại đặt ra mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Giáo hội và dân tộc. Nhưng ở giai đoạn nào cũng vậy, nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt của Ủy ban ĐKCG Việt Nam là hiệp thông cùng Giáo hội, đồng hành cùng dân tộc và MTTQ Việt Nam đoàn kết, động viên đồng bào Công giáo tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Trong đó, nổi bật là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” do chính Ủy ban ĐKCG Việt Nam phát động đã mang lại những giá trị sâu sắc, hiệu quả thiết thực về mọi mặt của đời sống, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội, phù hợp với nguyện vọng cũng như nếp sống đạo của người Công giáo.
Những năm qua, triết lý nhân sinh "tốt đời - đẹp đạo” luôn động viên đồng bào các tôn giáo, trong đó có Công giáo đồng lòng xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bởi thế, ở đâu có người Công giáo, ở đó có phong trào thi đua yêu nước, xây dựng quê hương.
Để có được những thành quả ấy, không thể không kể đến sự nỗ lực, dấn thân của các vị linh mục, nam nữ tu sĩ, và bà con giáo dân - những hạt nhân tiên phong trong phong trào thi đua ở các giáo xứ, dòng tu, bản làng, thôn xóm, cho đến mỗi khu dân cư. Tinh thần đó, nói như Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh - Chủ tịch Trung ương Ủy ban ĐKCG Việt Nam là, “người Công giáo sẵn sàng khi Tổ quốc gọi tên mình”.
Điều mà Linh mục Giuse Trần Xuân Mạnh nhắc tới khiến chúng ta cảm thức rằng, Tổ quốc là thiêng liêng, Tổ quốc là bất khả xâm phạm. Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo nhưng Tổ quốc chỉ có một. Vì vậy, dù có tôn giáo hay không theo tôn giáo thì chúng ta chỉ có một nguồn cội, đó là dân tộc Việt Nam. Cho nên với tín đồ tôn giáo, ai cũng muốn làm những điều tốt lành vì đồng bào, đồng đạo của mình, bởi tất cả cùng chung mục đích là đoàn kết dân tộc.
Đoàn kết dân tộc không chỉ tạo nên sức mạnh chung, mà còn là sợi chỉ đỏ thiêng liêng nối mọi con dân Việt Nam không phân biệt thành phần, tôn giáo. Ở đó ai cũng mang trong mình niềm tự hào và trách nhiệm thiêng liêng trong sứ vụ đoàn kết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là công dân, là chức sắc, tín đồ Công giáo, những người tham gia Ủy ban ĐKCG Việt Nam hôm nay ý thức rằng, đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc không chỉ là chủ trương xuyên suốt, mà còn là động lực, là nguồn lực làm nên sự trường tồn của đất nước Việt Nam.
Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi. Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán về chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng - tôn giáo cùng với đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Giáo hội Công giáo Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Vatican đang tiến triển tốt đẹp đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống của đồng bào Công giáo. Đặc biệt trong chuyến thăm Tòa thánh Vatican của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào ngày 27/7/2023, Việt Nam và Vatican đã công bố và thông qua Quy chế Văn phòng đại diện thường trú tại Việt Nam.
Nhân sự kiện quan trọng này, Giáo hoàng Giáo hội Công giáo Hoàn vũ Phanxico đã có thư gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam. Trong thư Đức Giáo hoàng Phanxico nhấn mạnh rằng, dấu ấn cuộc sống của người Công giáo ở trong thế gian là ưu tiên thực thi bác ái, bằng cách sống phúc âm giữa lòng dân tộc và đồng hành với dân tộc.
Đây cũng chính là cơ hội để nhiệm kỳ 2023-2028, Ủy ban ĐKCG Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín của mình thông qua sứ mệnh “Hiệp hành - Chia sẻ - Phục vụ”.