Khai thác tài nguyên khoáng sản (đất) ồ ạt, gây ô nhiễm môi trường; viện cớ xin cải tạo mặt bằng, ban gạt san lấp để tiến hành khai thác đất trái phép đem đi bán là những gì đang diễn ra tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.
Vi phạm chưa xử lý xong… lại tiếp tục cấp phép?
Tháng 6 năm 2019, Công an huyện Tân Phú đã có báo cáo kết quả xác minh điều tra ban đầu về những phản ánh, tố cáo của công dân có liên quan đến Công ty TNHH Minh Minh Đạt, do ông Hoàng Minh Vương làm giám đốc, có địa chỉ tại Khu 5, thị trấn Tân Phú, huyện tân Phú, tỉnh Đồng Nai khẳng định: việc khai thác đất của công ty TNHH Minh Minh Đạt là vi phạm pháp luật trong thời gian dài. Cụ thể đã vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực khoáng sản (đất) quy định tại Điều 44, Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
Cụ thể là tại dự án thi công xây dựng công trình trường mầm non Phú Trung có địa chỉ tại ấp Phú Thắng (xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai) phần đất dôi dư tại hiện trường là rất lớn nhưng cũng không có các thủ tục giấy tờ về khai thác đất, công ty vẫn tổ chức khai thác vá bán cho các xe ben chở đi nơi khác, Công an huyện đã tổ chức kiểm tra và tạm dừng khai thác đất đối với công ty tại vị trí trên.
Đối với dự án đầu tư công trình xây dựng mỏ lộ thiện khai thác vật liệu san lấp tại xã Phú Thanh. Dự án trên hoạt động đã lâu, công ty không nhớ rõ thời gian cụ thể với trữ lượng đất đã làm vật liệu san lấp khoảng 2.500 m3 dùng để bán lẻ và được vận chuyển đến các công trình khác trên địa bàn huyện. Hiện công ty đã tạm ngưng đối với dự án trên để chờ giấy phép khai thác của cơ quan chức năng.
Đây là hai trong số những dự án có vi phạm như báo cáo mà cơ quan Công an đã nêu. Theo tìm hiểu của phóng viên, khi hai dự án này đã bị cơ quan chức năng “tuýt còi”, công ty này vẫn tiến hành khai thác “lai rai” khoảng sản (đất) ở những điểm nhỏ lẻ như: ở ấp Đa Tôn, xã Thanh Sơn (điểm khai thác cách UBND xã Thanh Sơn khoảng mấy trăm mét); mỏ lộ thiện khai thác vật liệu san lấp tại xã Phú Thanh (địa điểm đã bị ngưng khai thác)... Nghiêm trọng hơn, tại khu vực nói trên (đất nông nghiệp), công ty này tiến hành xây dựng một dãy nhà kho, nhà điều hành, trạm trộn bê tông, dây chuyền sản xuất gạch, trong khi nơi này đang chờ giấy phép khai thác của cơ quan chức năng. Từ khi hoạt động đến nay, công ty này đã nhiều lần bị Công an tỉnh Đồng Nai, Phòng TN-MT huyện Tân Phú xử phạt. Tuy nhiên điều mà người dân bức xúc hơn cả, là việc mặc dù đã vào cuộc xác minh nhưng Công an huyện Tân Phú vẫn không làm rõ được quy mô khai thác đất trái phép, thời gian vi phạm của Công ty Minh Minh Đạt. Kỳ lạ hơn nữa là hoạt động này diễn ra công khai, rầm rộ trong suốt thời gian dài nhưng Công an huyện Tân Phú vẫn không nắm bắt được, phải đến khi có đơn của công dân và Công an tỉnh Đồng Nai chỉ đạo, Công an huyện mới tiến hành xác minh, làm rõ.
Khi những vi phạm trên vẫn chưa được xử lý một cách rốt ráo, công ty này tiếp tục được chính quyền huyện Tân Phú “ưu ái” để tiếp tục thực hiện một dự án khác cũng vào dạng “khủng”: Dự án cấp bách xử lý tạm thời sạt lở đất đồi tại ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú. Dự án được thực hiện trong 3 năm, bắt đầu từ năm 2019 (tháng 6/2019 thời điểm mà lực lượng chức năng xử lý vi phạm đối với công ty này).
Xử lý sạt lở nhưng tiềm ẩn nguy cơ sạt lở
Vượt hơn 100 km từ trung tâm thành phố Biên Hoà đến ấp Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú hướng Quốc lộ 20 đi Đà Lạt. Đặc biệt đoạn đường từ chùa Linh Phú nhìn về quả đồi mà công ty Minh Minh Đạt đang thực hiện dự án cấp bách xử lý tạm thời sạt lở đất đồi, nhóm phóng viên chứng kiến cảnh tượng “kinh hoàng”: Quả đồi bị xé nát một mảng lớn y như vừa có một vụ sạt lở đất xảy ra. Tiến gần hơn đến điểm dự án (sát Quốc lộ 20) phóng viên càng cảm nhận được sự rùng rợn của khoảng đất đã được khai thác. Chúng tôi ước, quả đồi nơi có dự án mang cái tên cực hấp dẫn “cấp bách xử lý tạm thời sạt lở đất đồi” này sẽ không đổ ập xuống những nhà dân phía dưới kia.
Quan sát của phóng viên, mỗi ngày có hàng trăm lượt xe chở đất ra vào nơi này. Hai chiếc xe múc liên tục đẩy hàng lên các xe ben. Bụi bay mù mịt khắp một vùng trời, đất cát được xe vận chuyển đi không che chắn, rơi vãi trên mặt đường, gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị tại đoạn tuyến nói trên.
Nhìn những chiếc xe múc hoạt động hết công suất, những chuyến xe chở đất ùn ùn ra vào, liệu chăng nơi này có đang bị doanh nghiệp lợi dụng chính sách chống sạt lở đất đồi để khai thác đất trái phép mang đi bán?
Một người dân ở gần dự án cho biết: “Chúng tôi thật sự không chịu nổi cảnh tượng trên. Xe ra vào thường xuyên tiềm ẩn nguy cơ an toan giao thông, ô nhiễm mỗi trường. Mà họ chở đất đi bán chứ không có chuyện xử lý sạt lở gì đâu. Càng xử lý càng sạt lở. Nhiều khi đi xe qua đây phải chạy cho thật nhanh vì sợ đất cát trên quả đồi kia nó sạt lở ập xuống lúc nào không hay”.
Trò chuyện với những người dân đang sinh sống quanh khu vực trên, ai cũng chung một nỗi sợ “nằm ngủ mà lúc nào cũng nơm nớp lo bị đất đá sạt lở vùi lấp”.
Theo quan sát của phóng viên chúng tôi, khu vực dự án nói trên luôn được canh gác cẩn mật, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Người là không thể đột nhập vào khu vực nói trên. Phía trước khu vực dự án, có một nhóm người thường trực việc canh gác.
Bát nháo khai thác khoáng sản!
Tình hình khai thác khoáng sản tại huyện Tân Phú theo ghi nhận của chúng tôi là hết sức phức tạp. Hàng ngày, một lượng lớn tài nguyên khoáng sản đều đặn được tuồn ra ngoài bằng đủ mọi hình thức. Nhiều con đường bị cày nát do xe chuyên chở chạy liên tục, ô nhiễm môi trường mà đặc biệt là việc thất thoát nguồn tài nguyên trên địa bàn.
Có mặt tại ấp Ngọc Lâm 1, xã Phú Thanh, phóng viên để ghi nhận tình trạng khai thác đất trái phép dưới hình thức xin cải tạo đất. Những hố sâu hoắm với vết múc còn mới, xe cẩu, xe ben hoạt động rầm rộ. Khu vực trên là của hộ ông Phạm Nhật Đông. Theo tìm hiểu, ngày 2/11/2020, ông này làm đơn xin được cải tạo đất trên thửa đất của mình vì nhận thấy đất có chỗ lồi, chỗ lõm cần cải tạo lại để nâng cao hiệu quả kinh tế. Thực tế là xin cải tạo nhưng theo ghi nhận của chúng tôi tại hiện trường, số đất múc ở các hố sâu đã được “tuồn” ra ngoài để tiêu thụ.
Hiện tượng trên còn xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tân Phú. Việc khai thác đất trái phép xảy ra liên tục, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân, trong khi đó chính quyền sở tại đều khẳng định là “kiểm soát” tốt và xử lý nghiêm?
Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Cao Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Phú Thanh khẳng định: không có chuyện khai thác đất đưa ra bên ngoài để đem đi bán. Sau khi xã nhận được đơn của ông Đông cũng đã có văn bản trả lời ông này là xã không có thẩm quyền cấp phép việc trên mà đã tham mưu lên huyện để xử lý. “Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm những ai khai thác đất trái phép, chúng tôi còn lập cả tổ dân phòng, chốt canh bảo vệ không để vi phạm về khai thác khoáng sản”, ông Cao Văn Đại nói.
Sau khi xem những hình ảnh mà phóng viên cung cấp, ông Bùi Văn Hiệu, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thanh cho biết sẽ cử người kiểm tra vấn đề mà phóng viên ghi nhận tại điểm khai thác đất của hộ ông Phạm Nhật Đông.
Liên quan đến vấn đề khu nhà xưởng của công ty Minh Minh Đạt nằm trên địa bàn xã Phú Thanh mà phóng viên đã đề cập ở trên, lãnh đạo địa phương này khẳng định việc xây dựng khi chưa có giấy phép là sai hoàn toàn và cho biết sẽ kiểm tra lại.