Hơn 2 năm ròng, trạm thu phí BOT đường tránh Biên Hòa (Đồng Nai) vẫn không di dời các khối bê tông “bít” đường mưu sinh của người dân.
“Cửa hàng của tôi đóng cửa từ 2 năm nay rồi. Trước kia khi chưa có trạm thu phí BOT này thì việc kinh doanh rất thuận lợi. Nhưng từ khi BOT mọc lên, họ làm dải phân cách cứng, chắn hết lối ra vào. Khách muốn xem hàng phải quay đầu hai lần tại trạm. Mất phí là điều đương nhiên. Thử hỏi anh là khách hàng, nếu mỗi lần đi mua hàng mà mất hai lần chi phí để qua trạm thì có bực không?”, ông Trần Đức Bài, ngụ ấp Bàu Cá, xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai - chủ Cửa hàng nông ngư cơ Phát An bức xúc.
Theo ông Bài, không chỉ hộ kinh doanh của ông mà nhiều hộ dân khác ở khu vực phía Đông trạm thu phí BOT đường tránh Biên Hòa do Công ty Cổ phần Đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư cũng bị ảnh hưởng.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, một số cửa hàng vật liệu xây dựng, quán cà phê, quán ăn gần khu vực nói trên cũng trong tình trạng kinh doanh ế ẩm do việc đi lại bị hạn chế. Nếu muốn vào những địa điểm trên để mua bán buộc phải trả phí 2 lần để qua trạm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số hộ dân ở khu vực này đã nhiều lần làm đơn kiến nghị yêu cầu được mở dải phân cách cứng để việc kinh doanh được thuận tiện hơn.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri tại địa phương, người dân cũng đã lên tiếng nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Trước đó, ngày 31/10/2019, các cơ quan chức năng chuyên môn của Trung ương và địa phương đã khảo sát đề xuất ý kiến xử lý dải phân cách cứng giữa trước trạm thu phí Km 1841 + 912, Quốc lộ 1, huyện Trảng Bom.
Theo đó, trong biên bản làm việc Chi cục quản lý đường bộ IV.2; Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai; Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai, UBND huyện Trảng Bom và xã Trung Hòa đều khẳng định “Từ khi đặt trạm thu phí lắp đặt giải phân cách giữa đến nay, các hộ kinh doanh gần khu vực trạm (phía Hà Nội) bị ảnh hưởng rất lớn”; đồng thời “đề nghị xem xét thu hẹp đoạn mở từ Km 1841 + 284 – Km 1841 + 500 và kiến nghị mở dải phân cách giữa từ Km 1841 + 725 – Km 1841 + 758 rộng 33m để đảm bảo an sinh xã hội”.
Cơ quan chuyên môn và chính quyền đều đồng ý gỡ bỏ dải phân cách cứng tạo lối đi cho người dân nhưng vị đại diện đơn vị vận hành, chủ đầu tư trạm thu phí BOT nói trên là Công ty cổ phần đầu tư Đồng Thuận, (công ty con của Công ty CP đầu tư phát triển Cường thuận IDICO) không đồng ý.
Hơn hai năm từ cuộc khảo sát, lấy ý kiến của các bên, dải phân cách cứng vẫn nằm im và cứ thế hàng ngày “bít” dần đường sống của một số hộ dân khu vực trên.
Người dân càng bức xúc hơn khi phía đông trạm bị “bít” bởi hàng trăm mét dải phân cách nhưng cách đó không xa phía tây của trạm, dải phân cách có chiều dài khoảng 100 m được mở để qua lại. Đây chính là lối đi vào văn phòng điều hành trạm thu phí BOT.
Như báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh trước đó, dự án tuyến tránh TP Biên Hòa có chiều dài 12,2 km, điểm đầu giao với Quốc lộ 1A (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom) và điểm cuối giao với Quốc lộ 51 (phường Long Bình, TP Biên Hòa) do Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư. Tháng 7/2014, trạm thu phí BOT tuyến tránh thành phố Biên Hòa chính thức hoạt động để hoàn vốn cho dự án theo hình thức hợp đồng BOT.
Tuy nhiên, thay vì nằm trên đường tránh, trạm thu phí này lại được đặt tại Quốc lộ 1A (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) với lý do hết sức hợp lý là ngoài đường tránh, chủ đầu tư “bằng một cách nào đó” được phép nâng cấp thêm 10 km Quốc lộ (chỉ cải tạo, không mở rộng).
Trong một diễn biến liên quan, sáng nay, 23/2/2022, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ 4 - Tổng cục Ðường bộ Việt Nam xác nhận với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết là sẽ có đoàn liên ngành làm việc lúc 9h tại hiện trường.
Cụ thể ở đây là khu vực đặt dải phân cách cứng Trạm thu phí BOT đường tránh Biên Hòa. Đông đảo phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn Đồng Nai chờ đợi từ sớm để ghi nhận nhưng không thấy có đoàn kiểm tra nào khảo sát. Phóng viên đã gọi cho ông Lê Huy Quang, Phó Chủ tịch xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom (nơi đặt trạm thu phí) để xác nhận lại thông tin làm việc của Đoàn liên ngành thì nhận được câu trả lời là “đã kiểm tra rồi”; “Hiện tại đang làm việc tại nhà điều hành Trạm thu phí BOT”.
Khi phóng viên đặt vấn đề xin dự buổi làm việc thì ông Quang trả lời không phải đơn vị chủ trì nên không quyết định được.