Thông tin từ UBND huyện Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) cho biết, khi kiểm tra hiện trường hồ Sông Mây có số lượng cá chết nhiều (hơn 100 tấn) nguyên nhân là do mực nước trong hồ xuống thấp, cùng nắng nóng kéo dài, không có mưa, mật độ cá dày đặc nên cá thiếu oxy... dẫn tới chết hàng loạt.
Theo ông Lê Minh Tấn - Đội trưởng Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây thuộc Phòng Tham mưu - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai cho biết: Hiện tượng cá chết tại hồ Sông Mây đã bắt đầu diễn ra khoảng 1 tuần trước nhưng chết hàng loạt bắt đầu từ ngày 28/4/2024, vì lượng nước trong hồ xuống thấp. Lượng nước bổ sung vào hồ hằng năm là từ các suối tự nhiên xung quanh và nước mưa tự nhiên.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình hạn hán, nắng nóng và không có mưa trên địa bàn Đồng Nai khiến cho lượng nước bổ sung vào hồ Sông Mây không có, vì vậy hiện tượng cá chết có thể là do mực nước trong hồ xuống thấp, cùng với thời tiết nắng nóng kéo dài, không có mưa và nguồn nước bổ sung thường xuyên, mật độ cá dày đặc nên cá thiếu ôxy dẫn đến chết hàng loạt.
Hiện nay, Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây đang tiến hành thu gom xác cá chết và tập kết tại các bể bê tông bên cạnh hồ Sông Mây (các bể này trước đây được dùng để chứa thức ăn cho cá nuôi trong hồ Sông Mây) để ủ làm phân hữu cơ (có rắc vôi xử lý mùi hôi).
Từ ngày 19/4/2024, Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây đã liên lạc với Trạm Quản lý Khai thác công trình thủy lợi đề nghị ngừng hoạt động xả nước từ hồ Sông Mây ra bên ngoài để giữ lại lượng nước trong hồ, hạn chế thiệt hại cho đơn vị.
Tuy nhiên, Trạm Quản lý Khai thác công trình thủy lợi vẫn tiếp tục xả nước trong hồ ra các suối tự nhiên xung quanh.
Theo Báo cáo của UBND huyện Trảng Bom, hiện nay hồ Sông Mây do Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây thuộc Phòng Tham mưu - Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai quản lý và tiến hành nuôi trồng thủy sản là cá các loại; số lượng nuôi trồng khoảng hơn 100 tấn cá các loại.
Đơn vị có trách nhiệm điều tiết mực nước lòng hồ Sông Mây là Trạm Quản lý Khai thác công trình thủy lợi Biên Hòa - Thống Nhất - Vĩnh Cửu - Trảng Bom thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai.
Còn trên bờ hồ, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Đồng Nai đang thực hiện Dự án cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây do Liên doanh Công ty TNHH Tư vấn kỹ thuật xây dựng Đồng Nai, Công ty TNHH xây lắp Trường An và Công ty Cổ phần Công nghệ sinh thái Việt là đơn vị thi công thực hiện dự án.
UBND huyện Trảng Bom đã tiến hành làm việc với ông Nguyễn Hưng - Trạm trưởng Trạm Quản lý Khai thác công trình thủy lợi Biên Hòa - Thống Nhất - Vĩnh Cửu - Trảng Bom. Thông tin ông Hưng cung cấp cho biết: Trong thời gian vừa qua, Trạm xả nước tại hồ Sông Mây để phục vụ cho tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản khu vực huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu và hiện tại hồ Sông Mây đang trong quá trình thi công Dự án cải tạo, sửa chữa hồ (bắt đầu từ đầu tháng 01/2024) nên mực nước giảm nhiều so với các năm trước vào cùng thời điểm; để đảm bảo tiến độ thi công dự án, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai đã có văn bản gửi địa phương và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đồng Nai khuyến cáo về việc nuôi trồng thủy sản trong thời gian đơn vị thi công dự án.
Ông Hưng cho biết sẽ cung cấp các tài liệu có liên quan cho Công an huyện để làm rõ các nội dung trên.
Đồng thời, Trạm đề nghị Đội nuôi trồng thủy sản hồ Sông Mây khẩn trương thực hiện việc thu gom cá chết trong hồ để đảm bảo môi trường nguồn nước phục vụ cho việc tưới tiêu cho nông dân sau này.
Liên quan tới vụ việc, theo đánh giá của UBND huyện Trảng Bom, Trạm Quản lý Khai thác công trình thủy lợi Biên Hòa - Thống Nhất Vĩnh Cửu - Trảng Bom là đơn vị chịu trách nhiệm điều tiết mực nước hồ Sông Mây, trong thời gian qua đã xả nước tại hồ Sông Mây để phục vụ cho tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản khu vực 2 huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu; đồng thời phục vụ việc thi công dự án cải tạo, sửa chữa hồ Sông Mây làm mực nước giảm nhiều so với các năm trước vào cùng thời điểm, có thể là nguyên nhân dẫn đến việc trong hồ thiếu ôxy nên cá chết hàng loạt.
UBND huyện Trảng Bom đang xác minh làm rõ để xử lý theo quy định.