Chính trị

Đồng Nai: Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Xuân Lộc, giải phóng Long Khánh

Thanh Giang - Mạnh Long 21/04/2025 21:39

Tối ngày 21/4, UBND thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Xuân Lộc, giải phóng Long Khánh (21/4/1975-21/4/2025).

lk.jpg
Cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thành phố Long Khánh diễu hành cùng xe hoa chào mừng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Xuân Lộc, giải phóng Long Khánh (21/4/1975-21/4/2025). Ảnh: M.L

Đây là thắng lợi mở “cánh cửa thép” phía Đông Sài Gòn và là “điểm nhấn” quan trọng, thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Thông qua chương trình sân khấu hóa tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã quay trở lại những ngày tháng hào hùng, làm nên chiến thắng Xuân Lộc, giải phóng Long Khánh (21/4/1975).

Với 12 ngày đêm chiến đấu vô cùng cam go, ác liệt (từ ngày 9- 21/4/1975), quân ta đã đập tan “cánh cửa thép” phía Đông, làm rung chuyển cả hệ thống phòng thủ còn lại của địch ở quanh Sài Gòn, làm suy sụp nhanh tinh thần chiến đấu của quân ngụy. Từ đó mở ra thời cơ chiến lược, quyết định cho quân ta thực hiện thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975.

LK 1
Chương trình sân khấu hóa tái hiện chiến thắng Xuân Lộc- Long Khánh (21/4/1975) được dàn dựng công phu. Ảnh: M.L

Hình ảnh sân khấu hóa cũng tái hiện quyết định lịch sử của Bộ chính trị về việc mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh, nhằm phá vỡ tuyến phòng thủ của địch, mở đường cho đại quân ta tiến quân giải phóng Sài Gòn – Gia Định.

Cùng với sân khấu hóa, chương trình nghệ thuật “Long Khánh – nơi hội tụ và phát triển” cũng đã để lại dấu ấn sâu sắc. Các tiết mục ca múa nhạc được dàn dựng công phu, với các chủ đề về Đảng quang vinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quê hương, đất nước con người Việt Nam, tỉnh Đồng Nai và thành phố Long Khánh.

LK 2
Các tiết mục văn nghệ tại chương trình kỷ niệm. Ảnh: M.L

Trước đó, cán bộ, công chức, viên chức và đông đảo nhân dân thành phố Long Khánh cùng các xe hoa đã diễu hành qua lễ đài chào mừng kỷ niệm 50 năm chiến thắng Xuân Lộc, giải phóng Long Khánh (21/4/1975 – 21/4/2025).

Lãnh đạo UBND thành phố Long Khánh cho biết, những ngày này, địa phương cũng đã tổ chức một số hoạt động ý nghĩa hướng về kỷ niệm 50 năm chiến thắng Xuân Lộc, giải phóng Long Khánh và 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) như dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm; thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tạo không khí vui tươi phấn khởi trong nhân dân.

LK 4
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn tặng hoa cho Mẹ Việt Nam anh hùng. Ảnh: M.L

Cuối tháng 3/1975, sau gần một tháng tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân ta ở miền Nam đã tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 của chính quyền Sài Gòn; đồng thời xóa sổ Quân khu 1 và Quân khu 2 của chúng, góp phần giải phóng toàn bộ 12 tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và toàn bộ Tây Nguyên.

Để bảo vệ những vùng đất còn lại ở phía Nam, quân địch đã tập trung binh lực, tổ chức xây dựng tuyến phòng thủ mới, kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh; trong đó, Xuân Lộc, cách Sài Gòn 60 km về phía Đông Bắc là một trọng điểm, được xem là “cánh cửa thép” bảo vệ nội đô Sài Gòn - Gia Định.

Tại đây, địch bố trí một lực lượng mạnh, bao gồm Sư đoàn 18, một số tiểu đoàn bảo an và cảnh sát phòng ngự trong công sự kiên cố. Về phía ta, Xuân Lộc có tầm quan trọng đặc biệt, ảnh hưởng lớn tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, trực tiếp nhất là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Quán triệt tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng…

Sau khi bàn bạc và đi đến thống nhất, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định chọn phương án tiến công trực diện vào đội hình phòng ngự của Sư đoàn 18 đóng tại thị xã Xuân Lộc. Ngày 9/4/1975, ta đồng loạt tiến công địch trên các hướng, mở màn Chiến dịch Xuân Lộc. Mặc dù bị địch phản kích dữ dội nhưng ngay trong ngày đầu, các lực lượng của ta đã làm chủ 1/2 thị xã, toàn bộ khu hành chính tiểu khu, đưa được 3 tiểu đoàn vào bên trong, thực hiện chia cắt đường 1 khu vực ngã ba Dầu Giây - đèo Mẹ Bồng Con.

LK 6
Xe tăng số hiệu 714 của Trung đoàn 165, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 mở màn chiến dịch giải phóng Xuân Lộc - Long Khánh được đặt tại vị trí trang trọng trong Khu di tích Tượng đài Chiến thắng Long Khánh. Ảnh: M.L

Đến ngày 12/4/1975, địch tăng cường thêm gần như toàn bộ lực lượng chủ lực. Sự biến động lớn về tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch tại Xuân Lộc đã khiến chiến sự tại đây trở nên hết sức căng thẳng, quyết liệt.

Qua 3 ngày chiến đấu, mặc dù quân ta đã chiếm được một số mục tiêu, diệt một bộ phận sinh lực địch và giữ được một số địa bàn quan trọng nhưng vẫn chưa đạt được những kết quả như mong muốn, tạo thế chủ động, buộc phải có phương án thay thế. Do đó, ngày 13/4/1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định ngừng tiến công, chuyển từ phương án tiến công trực diện sang đánh bao vây, chia cắt, mỗi sư đoàn chỉ để lại một tiểu đoàn kiềm chế, nghi binh địch, còn đại bộ phận lực lượng lui về tuyến sau để củng cố, cơ động theo phương án mới.

LK 5
Khu di tích Tượng đài Chiến thắng Long Khánh. Ảnh: M.L

Với việc thay đổi chiến thuật, địch đã hoàn toàn bất ngờ và cùng thời gian này, Cánh quân Duyên hải đã đập tan “lá chắn thép” Phan Rang, giải phóng Phan Thiết, Hàm Tân; đồng thời, tiến vào khu vực Rừng Lá, uy hiếp trực tiếp Xuân Lộc. Trong khi đó, tại khu vực Xuân Lộc, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 của ta tiếp tục tiến công, đánh bại các chiến đoàn 43 và 48, tiêu hao nặng Lữ đoàn 1 dù của địch. Phát huy thắng lợi của các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương và du kích nhanh chóng tiêu diệt, bức hàng, bức rút hệ thống đồn bốt địch ở dọc các trục giao thông và vùng ven thị xã.

Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng hòa ra lệnh rút quân khỏi Xuân Lộc để bảo toàn lực lượng. Để khỏi bị truy diệt, ngày 20/4/1975, địch huy động hàng chục khẩu pháo đặt ở các căn cứ Nước Trong, Trảng Bom bắn hàng trăm quả đạn vào trận địa Quân đoàn 4 đang chốt giữ để nghi binh thu hút sự chú ý của ta; đồng thời, lợi dụng trời mưa lớn, toàn bộ quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy về Bà Rịa - Vũng Tàu theo hướng Quốc lộ 2. Mặc dù Bộ Tư lệnh Chiến dịch đã triển khai phương án truy kích địch nhưng ta cũng chỉ kịp chặn đánh được bộ phận đi sau cùng và bắt sống tỉnh trưởng Long Khánh.

Ngày 21/4/1975, Chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được hoàn toàn giải phóng. Ngay sau khi “cánh cửa thép” Xuân Lộc bị đập tan, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố từ chức và hai ngày sau đó thì trốn chạy khỏi Sài Gòn. Mặt trận hướng Đông được khai thông, các cánh quân giải phóng rầm rập tiến về Sài Gòn, xông thẳng vào sào huyệt cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng Nai: Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Xuân Lộc, giải phóng Long Khánh