Sau hơn 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia Đông Nam Á đang dần lấy lại “thăng bằng”, thay đổi quan niệm về đại dịch và mở cửa đất nước để phục hồi nền kinh tế, cứu vãn đời sống của nhiều tầng lớp lao động.
Coi Covid-19 là bệnh đặc hữu
Tại Indonesia, khi làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron tại nước này có dấu hiệu đi xuống, chính phủ đã công bố kế hoạch coi Covid-19 là bệnh đặc hữu, đưa đất nước trở về trạng thái "bình thường mới". Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho biết, các cơ quan chức năng cùng chuyên gia y tế, dịch tễ học đang tiếp tục làm việc để hoàn thiện lộ trình chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu.
Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho biết, Chính phủ Indonesia cũng đang lên kế hoạch nới lỏng hơn nữa các hạn chế trong dịp lễ ăn chay Ramadan của người Hồi giáo với 86% dân số Indonesia tham gia và dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 2/4 tới nếu tình hình Covid-19 tiếp tục được cải thiện.
Bên cạnh đó, giờ đây, du khách đến từ 23 quốc gia có thể dễ dàng đi du lịch, nghỉ dưỡng tại đảo Bali sau khi chính phủ Indonesia chấp thuận các đề nghị của ngành du lịch trong nước, nhằm đưa ngành du lịch trở lại hoạt động bình thường. Một chương trình miễn cách ly nhập cảnh đối với du khách nước ngoài được thực hiện bắt đầu từ ngày 7/3. Cùng ngày, dịch vụ cấp thị thực (visa) khi đến cho du khách quốc tế cũng đã được nối lại.
Tại Thái Lan, Bộ Y tế nước này cũng đang chuẩn bị đưa ra một kế hoạch gồm 4 giai đoạn cho thời gian chuyển tiếp đưa Covid-19 từ đại dịch thành bệnh đặc hữu. Người phát ngôn chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết, theo kế hoạch, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan sẽ giảm bớt các biện pháp phòng, chống Covid-19 phù hợp với tình hình để người dân có thể bắt đầu cuộc sống bình thường.
Trong khi đó, tại Campuchia, việc chuyển đổi từ phòng, chống dịch Covid-19 sang coi Covid-19 là bệnh đặc hữu chưa thể thực hiện được khi biến thể Omicron tiếp tục lan rộng trên khắp đất nước Campuchia.
Hiện tại, cuộc chiến chống Covid-19 tại Campuchia vẫn tiếp diễn và chính phủ mong muốn đạt mục tiêu đưa đại dịch thành bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, để đạt được điều này, người dân phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch và tiêm vaccine mũi tăng cường.
Mở cửa đất nước
Tại Philippines, du lịch đóng góp 12,7% trong tổng sản phẩm quốc nội của nước này năm 2019, theo Cơ quan Thống kê Philippines. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã “giáng đòn mạnh” vào lĩnh vực kinh tế quan trọng, buộc nhiều khách sạn và hãng hàng không phải sa thải nhân viên. Gần 1,1 triệu lao động trong ngành du lịch tại nước này đã bị ảnh hưởng.
Ngày 16/3, Cục Xuất nhập cảnh Philippines thông báo bắt đầu từ tháng 3, nước này nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài nhập cảnh đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19. Theo đó, các công dân nước ngoài đến từ những quốc gia và vùng lãnh thổ yêu cầu thị thực cần đảm bảo các giấy tờ cần thiết trước khi đến Philippines.
Đó là chứng nhận tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 (ngoại trừ trẻ dưới 12 tuổi đi cùng với cha mẹ đã được tiêm đủ liều vaccine) và giấy xác nhận tiêm chủng cùng giấy xét nghiệm RT-PCR cho kết quả âm tính trong 48 giờ trước khi khởi hành. Khi nhập cảnh Philippines, các hành khách cũng phải tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày.
Với chính sách mới trên, số hành khách được phép du lịch đến quốc gia Đông Nam Á này tăng lên rõ rệt.
Cũng tương tự, Tổng Giám đốc Cục Nhập cư thuộc Bộ Di trú Malaysia, ông Khairul Dzaimee Daud khẳng định, Malaysia đã sẵn sàng mở cửa trở lại biên giới, đặc biệt là trong việc tiếp nhận du khách nước ngoài.
Ông Khairul cho biết, tất cả các cổng nhập cảnh đã được kích hoạt trở lại và nhân viên làm việc tại các điểm nhập cảnh quốc tế trước đây đã được yêu cầu quay trở lại vị trí. Ngoài ra, Bộ Di trú Malaysia dự kiến sẽ tăng lượng khách du lịch nước ngoài nhập cảnh và sẽ thắt chặt kiểm soát để đảm bảo không có hành vi lạm dụng thẻ căn cước xã hội (thăm thân 3 tháng) và ngăn chặn vấn đề ở quá hạn. Trong quá trình nộp hồ sơ nhập cảnh, du khách phải chứng minh có nơi ở tại Malaysia, có đủ tài chính và hành trình du lịch.
Ảnh hưởng sâu sắc vì đại dịch
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có trụ sở tại Manila (Philippines), khu vực Đông Nam Á đang bắt đầu phục hồi sau hai năm trải qua đại dịch Covid-19 và dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng 5,1% trong năm nay khi gần 60% dân số khu vực đã tiêm chủng đủ liều cơ bản, cho phép nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, dù có những dự báo tích cực hơn cho năm 2022, nhưng ADB vẫn cho rằng tình hình kinh tế của khu vực Đông Nam Á vẫn mong manh và thu nhập nhiều hộ gia đình tiếp tục giảm. Đại dịch Covid-91 đã đẩy 4,7 triệu người ở khu vực Đông Nam Á vào cảnh nghèo đói cùng cực trong năm 2021 khi mà 9,3 triệu người bị mất việc làm.
Ông Asakawa khuyến khích các chính phủ trong khu vực đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh và sáng tạo, đồng thời áp dụng những công nghệ mới để giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo của ADB, tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Nam Á có thể tăng thêm 1,5% nếu đầu tư cho hệ thống y tế đạt khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực.
ADB kêu gọi các chính phủ đầu tư nhiều hơn để tăng cường hệ thống y tế, cải thiện hệ thống giám sát dịch bệnh và ứng phó với các đại dịch tiềm tàng trong tương lai.
Sáng 16/3, sân bay quốc tế Changi của Singapore chứng kiến những hành khách Singapore và nước ngoài đang sinh sống tại Quốc đảo sư tử đầu tiên lên chuyến bay của Vietnam Airlines tới Việt Nam sau quyết định mở cửa trở lại từ ngày 15/3, đồng thời cũng đón những du khách Việt Nam đầu tiên tới Singapore thông qua làn đi lại dành cho người đã tiêm vaccine (VTL). Trước đó, Việt Nam đã chính thức mở cửa cho du khách quốc tế từ ngày 15/3.