Động viên tinh thần, cũng nên làm cho sớm

Triết Giang 14/12/2015 09:27

Năm 2015, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (VNDG) đã tổ chức vinh danh cho các nghệ nhân gìn giữ tín ngưỡng thờ Mẫu; các nghệ nhân thực hành và truyền dạy hát Đúm. Như vậy, cùng với danh hiệu do Nhà nước trao tặng (bắt đầu từ năm nay), thì danh hiệu Nghệ nhân dân gian do Hội trao tặng trong vòng hơn 10 năm qua thực sự là nguồn động viên khích lệ về tinh thần, giúp những người tự nguyện giữ lửa di sản thấy ấm lòng. 

Động viên tinh thần, cũng nên làm cho sớm

Trao giải thưởng Văn nghệ dân Việt Nam 2015 cho các tác giả.

Kiên trì bảo tồn văn hóa truyền thống

Cuối tuần qua, Hội VNDG Việt Nam vừa tổ chức trao giải thường niên của Hội, vừa mừng thọ và trao tặng danh hiệu cho các nghệ nhân văn hóa dân gian. Dịp này, 10 hội viên thuộc lĩnh vực thực hành và truyền dạy hát Đúm tại Hải Phòng đã được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Trước đó, trong tháng 9, Hội cũng đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian cho 5 thanh đồng trong lĩnh vực thực hành văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu. Khác với danh hiệu nghệ nhân dân gian của Nhà nước (gồm có danh hiệu NNND và NNƯT), bao năm qua Hội VNDG chỉ trao tặng duy nhất danh hiệu Nghệ nhân dân gian.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam tự hào về những việc mà Hội đã kiên trì làm trong nhiều thập kỷ qua để gìn giữ di sản văn hóa truyền thống. Nhưng điều mà ông băn khoăn nhất là hội không có điều kiện để hỗ trợ về mặt vật chất cho các nghệ nhân. Nghiên cứu văn hóa dân gian đã lâu, ông thấy đa phần cuộc sống của nghệ nhân còn nhiều thiếu thốn.

Ông chia sẻ, trước đây, ngoài phong tặng danh hiệu, Hội còn sử dụng nguồn quỹ Ford (Hoa Kỳ) để hỗ trợ các nghệ nhân bằng cách mời họ về truyền dạy cho lớp trẻ. Tuy nhiên, từ sau năm 2010 đến nay, nguồn tài trợ này không còn nên việc này không thực hiện tiếp được. Vì vậy, Hội chỉ có thể phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, đồng thời phối hợp với các đơn vị tài trợ để tiếp tục tiếp sức cho các Nghệ nhân. Hiện chi hội văn nghệ dân gian ở một số địa phương cũng đã lập quỹ để hỗ trợ thường xuyên cho nghệ nhân.

Đơn cử như Chi hội VNGD tỉnh Gia Lai vẫn duy trì mức hỗ trợ 300.000 đồng/tháng cho các nghệ nhân Sử thi. Dẫu vậy đây chỉ là một trong số ít chi hội địa phương có mức hỗ trợ “tương đối” như vậy. Bởi 300 ngàn đồng/ tháng so với mức sinh hoạt ở nông thôn, vùng núi cũng đã được coi là cao.

Chúng tôi đã nhiều lần đề cập tới việc cần sớm phong tặng danh hiệu cho nghệ nhân dân gian- khi thời gian còn kịp chờ đợi họ. Bởi trong khi chưa có điều kiện để trợ giúp người giữ lửa di sản về mặt vật chất, thì sự động viên tinh thần cũng là những việc làm thực sự ý nghĩa.

Dẫu vậy, cho đến thời điểm này, mới chỉ có một phần nhỏ trong số hơn 600 nghệ nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu NNƯT năm 2015 (theo Quyết định của Chủ tịch nước). Một số địa phương đã sớm tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu NNƯT như Hà Nội, TP HCM, Phú Thọ… Nhiều địa phương khác vẫn đang trong quá trình Sở VHTT&DL tham mưu cho tỉnh kế hoạch tổ chức lễ trao tặng danh hiệu nói trên…

Dựa vào nghệ nhân

Tại lễ trao tặng giải thưởng VNDG Việt Nam 2015, có 57 công trình, nghiên cứu xuất sắc được nhận giải thưởng. Đặc biệt giải Nhất được trao cho công trình “Đặc điểm của thể loại sử thi Chương ở Việt Nam” của tác giả trẻ Phạm Đặng Xuân Hương (Hà Nội). Cùng với đó, nhiều công trình được đánh giá cao bởi sự công phu trong nghiên cứu, tìm tòi của tác giả, nhóm tác giả như “Những phạm trù nghệ thuật dân gian người Việt thời trung đại” của GS.TS Kiều Thu Hoạch, “Kiểu chuyện con vật tinh ranh trong truyện dân gian Việt Nam và thế giới” của Đặng Quốc Minh Dương, “Trò chơi dân gian của một số dân tộc Việt Nam”…

Ông Tô Ngọc Thanh cho biết, việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) Hội đã làm trong hơn 30 năm qua. Theo đó, Nhà nước đã cấp gần 300 tỉ đồng cho Hội VNDG Việt Nam thực hiện việc này. Trong 30 năm, khoảng 1.313 hội viên trên khắp cả nước đã cho ra đời gần 5.000 công trình nghiên cứu. Hội đã in được 1.500 cuốn sách với 2.000 công trình (có cuốn in từ 1 – 3 công trình). Các công trình thuộc các lĩnh vực tri thức và kinh nghiệm đời sống nông nghiệp của người Việt Nam; phong tục dân gian; các nghi lễ vòng đời như cưới xin, sinh đẻ, tang lễ; tín ngưỡng, tôn giáo...

Những tài liệu này sau khi xuất bản sẽ đưa về hệ thống thư viện từ Trung ương đến địa phương, các trường đại học và các viện nghiên cứu. Mỗi công trình như vậy sẽ được tóm tắt bằng tiếng Anh và được đưa lên trang web của Hội, tiện cho người nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa cổ truyền Việt Nam.

Theo ông Tô Ngọc Thanh, trước đây khi chưa được in thành sách, tư liệu, văn hóa dân gian nằm trong trí nhớ của mọi người, nó chưa bao giờ được nghiên cứu và cố định bằng văn bản hóa, nó chỉ truyền từ đời này qua đời khác. Vì vậy tất cả những gì dân ta sáng tạo trong hơn 1.000 năm qua cho đến hôm nay chủ yếu nằm trong đầu óc của nghệ nhân, và thể hiện trong hoạt động văn hóa dân gian còn lại. Chẳng hạn như lễ hội.

Cho đến nay, Hội đã hoàn thành tổng kiểm kê DSVHPVT của 48/54 dân tộc và văn bản hóa những di sản này bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh để gửi tới UNESCO. Tất cả những kết quả nghiên cứu được tư liệu hóa ấy đều nhờ vào nghệ nhân, dựa vào trí nhớ của nghệ nhân mà có.

Vì vậy, có thể làm gì được cho nghệ nhân- dù là động viên tinh thần cũng nên sớm triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Động viên tinh thần, cũng nên làm cho sớm