Dòng vốn FDI tiếp tục gia tăng

H.Hương 31/10/2023 07:59

Trong 10 tháng qua, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt hơn 25 tỷ USD. Số lượt dự án điều chỉnh vốn duy trì mức tăng so với cùng kỳ, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện có.

Còn nhiều dư địa để thu hút dòng vốn FDI vào trong nước. Ảnh: Quang Vinh.

Trong bối cảnh dòng vốn FDI toàn cầu bị xáo trộn do ảnh hưởng của biến động kinh tế, Việt Nam đã lên kế hoạch ứng phó. Trong đó, các địa phương đã chú trọng hơn trong việc “săn” và “mời” nhà đầu tư bằng cách đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư quảng bá về môi trường đầu tư của từng địa phương.

Số dự án mới tăng 66,1%

Ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban quản lý khu kinh tế TP Hải Phòng cho biết Hải Phòng đã chủ trương “biến nguy thành cơ”, sớm xây dựng chiến lược nắm bắt, đón nhận dòng chuyển dịch vốn từ các nước về Việt Nam. Tiếp đó, ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, thành phố đã thành lập nhiều đoàn xúc tiến đầu tư, mở rộng khai thác cả trong nước và quốc tế. Sau khi tiến hành xúc tiến đầu tư đến Hàn Quốc, Nhật Bản, thành phố đã chuyển hoá các bản ghi nhớ thành hoạt động đầu tư.

Ngày 22/9 vừa qua, Hải Phòng đã tổ chức lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cấp mới cho Dự án nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao Ecovance có tổng vốn đầu tư 500 triệu USD. Đây là Dự án của Tập đoàn SK (lớn thứ hai Hàn Quốc) được triển khai trên diện tích 32.089 m2 thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, dự kiến được khởi công từ tháng 12 năm nay.

Hải Phòng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký điểu chỉnh tăng vốn 237,5 triệu USD cho Dự án sản xuất máy và thiết bị của nhà đầu tư Kyocera Document Solutions Inc. (Nhật Bản); Dự án đầu tư phát triển nhà xưởng xây sẵn BW và chế tạo phụ tùng ô tô của nhà đầu tư CCTY Bearing Company (Trung Quốc) với tổng vốn hơn 100 triệu USD; Dự án Lắp ráp pin Li-ion và Ni-MH của nhà đầu tư Highpower Technology (Singapore) với số vốn 20 triệu USD… cùng một số dự án khác.

Còn tại Quảng Ninh, địa phương này tích cực tổ chức nhiều hội nghị, tham dự trên 10 hội nghị xúc tiến đầu tư, gặp mặt doanh nghiệp (DN) có quy mô lớn với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức quốc tế. Thành quả, địa phương này đã vươn lên dẫn đầu trong việc hút FDI trong tháng 10.

Các dự án mới được Quảng Ninh gọi về trong tháng 10 là Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam tại KCN Cảng biển Hải Hà của Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam, có tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD và dự án Nhà máy Liteon Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư 690 triệu USD.

Trước đó, Quảng Ninh đã tổ chức trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với 2 dự án (Nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh và Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh) của Công ty Foxconn Singapore PTE LTD tại Khu Công nghiệp Sông Khoai (TX Quảng Yên). Cả 2 dự án đều được cấp Giấy chứng nhận đầu tư chỉ trong 12 giờ làm việc, kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng dịch vụ công của tỉnh (rút ngắn thời gian giải quyết 14 ngày làm việc so với quy định).

Trong đó, Dự án nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh có diện tích 6,3ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4.755 tỷ đồng (tương đương 200,24 triệu USD) với mục tiêu hình thành một dự án sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện xe điện. Dự kiến tháng 1/2025, dự án sẽ hoàn thành, đi vào sản xuất chính thức và sẽ mang lại việc làm thường xuyên cho gần 1.200 lao động.

Còn Dự án Nhà máy FMMV Foxconn Quảng Ninh có diện tích 4,1ha, tổng vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng (tương đương 46 triệu USD Mỹ) với mục tiêu sản xuất, gia công linh kiện, khuôn mẫu linh kiện của sản phẩm công nghệ thông tin và sản phẩm truyền thông. Dự kiến tháng 10/2024, dự án sẽ hoàn thành, đi vào hoạt động và sử dụng trên 700 lao động. Dây chuyền công nghệ và máy móc, thiết bị của 2 dự án sử dụng hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, đồng bộ có nguồn gốc Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Như vậy có thể thấy các dự án đầu tư FDI mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư) như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Đồng Nai…

Số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến cuối tháng 10 tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt mức tăng cao nhất kể từ đầu năm, trong đó số dự án đầu tư mới không ngừng tăng cao. Trong đó có 2.608 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 66,1% so với cùng kỳ 2022, tổng vốn đăng ký đạt hơn 15,29 tỷ USD, tăng 54%.

Nhiều doanh nghiệp FDI tiếp tục mở rộng quy mô tại Việt Nam. Ảnh: Anh Nhi.

Nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin vào Việt Nam

Phát biểu tại Diễn đàn đầu tư Việt Nam - OECD năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin vào triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư và vị thế kinh tế Việt Nam.

Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả, triển vọng phát triển kinh tế và nâng hạng tín nhiệm. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã đến tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin vào triển vọng tăng trưởng, môi trường đầu tư và vị thế kinh tế Việt Nam.

Các tập đoàn kinh tế nước ngoài nhìn nhận Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng quốc tế đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại toàn cầu và cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, với chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; linh kiện điện tử, ô tô điện...; sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (như hydrogen), năng lượng tái tạo; trung tâm tài chính, tài chính xanh; công nghệ sinh học, y tế…

Báo cáo chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý 3/2023 được Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố cho thấy: BCI quý 3 đã tăng lên 45,1 điểm cho thấy dấu hiệu tích cực trong nền kinh tế. Các doanh nghiệp châu Âu tin tưởng bối cảnh kinh doanh của Việt Nam đang tươi sáng hơn.

Giám đốc điều hành đơn vị thực hiện báo cáo BCI Decision Lab - Thue Quist Thomasen cũng đã đưa ra bình luận, sau khi vượt qua những thách thức, Việt Nam hiện có dấu hiệu phục hồi. Tăng trưởng FDI cũng mang lại sự lạc quan, củng cố vị thế của Việt Nam như một trung tâm kinh doanh toàn cầu. Các nhà lãnh đạo DN châu Âu giờ đây có thể dự đoán năm tới và lập kế hoạch tốt hơn cho các khoản đầu tư trong tương lai. Đây chính là một sự phát triển tích cực” - ông Thomasen nhìn nhận.

Còn Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam Gabor Fluit nhấn mạnh: “Đã rất rõ ràng, nhóm châu Âu tin tưởng vào Việt Nam. Gần 1/3 thành viên của chúng tôi xếp hạng Việt Nam là một trong 3 địa điểm đầu tư hàng đầu gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về niềm tin của chúng tôi vào mối quan hệ hợp tác này”.

Giới chuyên gia cũng đưa ra cái nhìn lạc quan, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi tăng trưởng trong trung hạn. Sự tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố bao gồm các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là EVFTA, việc triển khai chiến lược “Trung Quốc +1”, xu hướng toàn cầu về dịch chuyển và đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất đến các trung tâm sản xuất có tính cạnh tranh cao tại Đông Nam Á và dòng vốn đầu tư xanh.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt - Viện Nghiên cứu kinh tế chính sách (VEPR), cần tiếp tục cải cách thể chế kinh tế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, thống nhất cho DN. Các giải pháp cải cách bao gồm bảo đảm quyền tài sản, cải cách về điều kiện kinh doanh, sửa đổi các quy định đầu tư, đất đai, xây dựng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách. Trong đó, chú trọng cải cách thị trường tài chính để thu hút nhanh chóng và sử dụng có hiệu quả các vốn. Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ, chúng ta cần có chính sách thu hút và chọn lọc các dự án FDI chất lượng vào các lĩnh vực có giá trị cao và hướng tới phát triển bền vững, kinh tế xanh. Đồng thời, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng nghề và làm chủ công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ… để sẵn sàng thu hút các tập đoàn công nghệ lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dòng vốn FDI tiếp tục gia tăng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO