Kinh tế

Dòng vốn tiếp tục “chảy” vào sản xuất

H.Hương 07/07/2025 09:30

Tính đến cuối tháng 6/2025, có khoảng 16,9 triệu tỷ đồng đã được bơm ra nền kinh tế, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên. Nông nghiệp, nông thôn và doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ tiếp tục là hai lĩnh vực có tỉ trọng lớn.

tren(1).jpg
Vốn được đưa đến lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Ảnh: Quang Vinh.

Vốn tín dụng lan tỏa rộng khắp

Số liệu mới nhất cho biết tính đến ngày 26/6, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 16,9 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với cuối năm 2024.

Từ đầu năm đến nay, bên cạnh những yếu tố rất thuận lợi, nền kinh tế cũng đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt.

Theo NHNN, tín dụng hiện chảy mạnh vào các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, tiêu dùng thiết yếu và một phần vào đầu tư hạ tầng, năng lượng xanh - những động lực trọng yếu của phát triển kinh tế. Việc tín dụng tăng mạnh trở lại là biểu hiện rõ nhất của niềm tin thị trường.

Số liệu của NHNN cho biết, cơ cấu tín dụng được đánh giá là phù hợp với cơ cấu của nền kinh tế và đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và DN.

Một số ngành chính như nông, lâm, thủy sản chiếm khoảng 6,37%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 12,84%; ngành xây dựng chiếm 7,53%. Trong xây dựng có cả các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và ngành này được Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh tín dụng. Các ngành dịch vụ khác như bán buôn, bán lẻ chiếm tỷ trọng khoảng 23,74%.

Lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và DN vừa và nhỏ tiếp tục là hai lĩnh vực có tỷ trọng lớn, theo đó nông nghiệp, nông thôn chiếm 23,16%; DN nhỏ và vừa chiếm 17,51%.

Về tốc độ, hai lĩnh vực ưu tiên là công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao tăng trưởng gần gấp đôi so với tốc độ chung. Trong đó lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao tăng 15,69% và DN ứng dụng công nghệ cao là 17,59%.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục giải ngân cho các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, như chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm thủy sản đã tăng quy mô từ 15.000 tỷ lên 100.000 tỷ đồng.

Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng triển khai tích cực.

Một số chương trình khác như cho vay mua nhà ở xã hội hay cho vay đối với người trẻ dưới 35 tuổi cho thuê, mua nhà ở xã hội, chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho các DN đầu tư hạ tầng, sở hữu số... được các tổ chức tín dụng tích cực triển khai.

Giới chuyên gia nhận định, các số liệu khẳng định dòng vốn tín dụng đã lan tỏa rộng khắp các phân khúc DN và các lĩnh vực kinh tế.

Lãi suất đang ở mức thấp

Sự tăng tốc của tín dụng không thể tách rời môi trường lãi suất đang ở vùng hợp lý. Theo báo cáo diễn biến lãi suất mới đây của NHNN, lãi suất cho vay đang duy trì ở mức thấp. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên vẫn giữ khoảng 3,9%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/ năm).

Anh Đ.C.V, chủ một trang trại dưa lưới ở tỉnh Khánh Hòa cho biết, gia đình anh hiện có 3 nhà lưới diện tích hơn 7.000m². Nhờ khoản vay 1,7 tỷ đồng từ Agribank với lãi suất thấp, anh đã đầu tư hệ thống điều hành thông minh có thể kiểm soát tưới tiêu, bón phân, giám sát cây trồng chỉ bằng một chiếc điện thoại.

“Làm nông nghiệp công nghệ cao bắt buộc phải đầu tư bài bản, do đó rất cần nguồn vốn phù hợp. Vụ dưa gần nhất, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi hơn 300 triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận không dễ đạt được nếu chỉ canh tác truyền thống đơn thuần” - anh Đ.C.V chia sẻ.

Việc ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất thấp không chỉ tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn mà còn hỗ trợ cộng đồng DN nói chung và DN xuất khẩu nói riêng tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh khu vực II cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2025, ngành ngân hàng vẫn duy trì mặt bằng lãi suất thấp, tỷ giá ổn định và hệ thống thanh khoản tốt là những nền tảng quan trọng để hỗ trợ cộng đồng DN nói chung và DN xuất khẩu nói riêng.

Ông Lệnh đánh giá, các DN xuất khẩu có vốn vay ngắn hạn, quay vòng nhanh, dòng vốn luân chuyển rất tốt… góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. "Trong thời gian qua, TPHCM có nhiều gói tín dụng chuyên biệt dành cho các DN xuất khẩu đã được triển khai hiệu quả, tiêu biểu như gói 100.000 tỷ đồng hỗ trợ chuỗi cung ứng nông - lâm - thủy sản, đã giải ngân hơn 2.000 tỷ đồng, với dư nợ trên 4.000 tỷ đồng cho hơn 3.000 khách hàng" - ông Lệnh nói.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III năm 2025 của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam do NHNN vừa thực hiện cũng cho thấy, các tổ chức tín dụng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng khởi sắc, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay ổn định trong quý III.

Cụ thể, các tổ chức tín dụng dự báo đến cuối năm 2025, mặt bằng lãi suất sẽ cơ bản ổn định, không thay đổi đáng kể so với cuối năm 2024. Điều này phản ánh nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc duy trì môi trường lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời bảo đảm sự ổn định tài chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dòng vốn tiếp tục “chảy” vào sản xuất