Các Dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng đã được công bố để lấy ý kiến cán bộ, nhân dân. Chính phủ cũng đã có Định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 gắn liền với nhiệm kỳ 5 năm tới. Vậy định hướng và giải pháp nào để phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta phát triển nhanh hơn? Ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã trao đổi với ĐĐK về vấn đề này.
PV: Thưa ông, Dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trình Đại hội XIII của Đảng đã chính thức được công bố để lấy ý kiến toàn dân. Cá nhân ông có cảm nhận như thế nào khi tiếp nhận các văn kiện?
Ông Đỗ Văn Sinh: Cá nhân tôi tiếp nhận với sự hồ hởi, phấn khởi khi thực hiện trách nhiệm của ĐBQH để cho ý kiến, thảo luận, qua đó thể hiện ý chí nguyện vọng của nhân dân trong đón nhận chủ trương chính sách sẽ thực hiện trong thời kỳ mới.
Tôi mong những đóng góp của ĐBQH cho văn kiện sẽ tạo những nền tảng quan trọng, tốt nhất để xây dựng đất nước phát triển vững chắc cho nhiệm kỳ tới. Theo tôi, quan trọng nhất hiện nay là phải xây dựng được hệ thống chính trị một cách vững chắc, tinh gọn, trên cơ sở đó mới có đội ngũ cán bộ hết lòng phục vụ nhân dân.
Và điều quan trọng là có định hướng đúng để phát triển kinh tế- xã hội trong thời kỳ kỷ nguyên mới với tốc độ phát triển tốt hơn, nhanh hơn và bền vững.
Văn kiện đã đưa ra những định hướng lớn về phát triển kinh tế- xã hội trong nhiệm kỳ tới. Và bản thân Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ ra 11 định hướng lớn đối với Chính phủ để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Vậy theo ông làm sao để thực hiện được?
-Tôi cho rằng quan trọng nhất là có 3 đột phá chiến lược của Đại hội trước, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Một là thể chế. Từ khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực, toàn bộ hệ thống chính trị làm thể chế. Quốc hội ban hành nhiều luật, đặc biệt là trong năm vừa qua để có hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ.
Đến nay về cơ bản đã cố gắng khắc phục được sự chồng chéo, có hệ thống pháp luật cởi mở hơn. Dù trong thời gian qua Chính phủ rất quyết tâm, quyết liệt nhưng còn nhiều hệ thống văn bản pháp luật đang còn nợ.
Việc chậm ban hành văn bản pháp luật khiến chính sách không đi vào cuộc sống. Bên cạnh đó, cải cách hành chính dù đã được cải thiện nhưng đâu đó vẫn còn những sự kêu ca của người dân và doanh nghiệp. Cho nên vấn đề này cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Thứ hai là chất lượng nguồn nhân lực trong cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các lực lượng lao động khác vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhiều nghiên cứu chưa có đột phá, dẫn đến ứng dụng khoa học công nghệ chưa chất lượng.
Do đó năng suất lao động của ta còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Đây đang là điểm nghẽn, nếu không “gỡ” được sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thứ ba là kết cấu hạ tầng đang thiếu rất nhiều, đặc biệt là kết cấu hạ tầng về mặt giao thông để phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, hạ tầng năng lượng dù trong thời gian qua đã làm tốt nhưng cân đối trong phát triển nguồn năng lượng và truyền tải cũng rất nhiều bất cập.
Rồi hạ tầng về công nghệ thông tin, ai cũng đề cập đến công nghệ 4.0 nhưng nhiều năm nay chúng ta chưa có Cơ sở dữ liệu quốc gia. Mã định danh công dân được xác định từ Luật Cư trú năm 2009, đến nay đã 11 năm nhưng vẫn đang làm, trong khi đây là vấn đề cốt lõi của 4.0, sẽ kết nối như thế nào nếu không có cơ sở dữ liệu quốc gia?
Hiện các doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước đã đổ tiền vào nhưng do manh mún, không kết nối được với nhau. Đó là một sự lãng phí. Vì vậy nếu không có sự quyết liệt, chúng ta sẽ rất khó khăn. Tôi cho rằng cần nhìn nhận một cách thẳng thắn, đánh giá đúng chúng ta đang đứng ở đâu, tại sao đang đứng như vậy và có những đột phá gì thì trong tương lai?
Hiện nay vấn đề thể chế chúng ta vẫn đang hoàn thiện. Song vấn đề quan trọng vẫn là chất lượng nguồn nhân lực và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào để tạo nên những bước đột phá trong phát triển.
Làm sao để nước ta sớm trở thành nước công nghiệp, phải chăng là cần khơi thông nguồn lực để đất nước tiến nhanh và xa hơn, thưa ông?
Muốn trở thành nước công nghiệp, trước tiên công nghiệp chế biến, chế tạo phải nắm được công nghệ. Làm chủ công nghệ để tự phục vụ mình tuy nhiên hiện nay chúng ta đang đi theo chuỗi phụ trợ mà còn vất vả.
Tôi nói ví dụ ô tô chủ yếu là lắp ráp, vừa qua khi Vinfast vào mới chuyển giao được. Còn các công nghiệp khác đa số là gia công, chế biến phụ trợ lắp ráp.
Chúng ta vẫn phụ thuộc vào FDI cho nên muốn công nghiệp hóa nhanh, ta phải làm chủ được công nghệ, phải có sản phẩm công nghệ Made in Việt Nam. Quyết tâm thôi chưa đủ mà phải hành động và đi vào công nghệ. Nếu không có công nghệ, ta vẫn mãi chỉ là người đi sau.
Trân trọng cảm ơn ông!