Giáo dục

Đột phá chính sách để hút người tài vào sư phạm

Vi Cầm 18/11/2024 11:04

Lâu nay tình trạng thiếu giáo viên tưởng chừng đang mở ra những cơ hội cho sinh viên sư phạm, song thực tế lại chưa thuận lợi như mong đợi. Một bộ phận lớn sinh viên sư phạm ra trường vẫn phải đối mặt với cảnh thất nghiệp, phải làm trái ngành hoặc từ bỏ ngành học đã chọn.

bai duoi
Cô trò Trường Tiểu học Nghĩa Dũng (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Vi Cầm.

Câu chuyện thừa thiếu giáo viên suốt thời gian qua không chỉ chuyện của ngành giáo dục, mà đã trở thành mối quan tâm của xã hội. Thừa thiếu giáo viên cục bộ chứng tỏ đào tạo chưa sát nhu cầu thực tiễn; gây lãng phí nguồn nhân lực; đặc biệt ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT) với những mục tiêu cụ thể đã được đặt ra.

Quá trình triển khai đã cho thấy, Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định phương thức đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên từ năm 2020, tuy nhiên thực tế triển khai không đạt hiệu quả.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) qua 3 năm triển khai, tỷ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách. Số địa phương thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu là 23/63 tỉnh, thành phố. Số sinh viên thuộc diện “đào tạo theo nhu cầu xã hội” và được ngân sách nhà nước cấp chiếm tỉ lệ 75,7% so với số sinh viên đăng ký hưởng chính sách và 82,6% so với số sinh viên nhập học. Lý giải tình trạng này, lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, khó khăn, vướng mắc từ việc phân bổ giao kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm.

Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo cần có những chính sách đột phá cho giáo viên và ưu tiên, khuyến khích người giỏi vào sư phạm. Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An đề xuất, ngoài chính sách thu hút những người có tài năng, năng khiếu đặc biệt, nên bổ sung thêm 2 đối tượng tưu tiên. Thứ nhất, những học sinh phổ thông có học lực xuất sắc, đạt học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được ưu tiên tuyển thẳng vào ngành sư phạm để làm nhà giáo. Thứ hai, những sinh viên ĐH tốt nghiệp xuất sắc được giữ lại làm giảng viên tại trường. Đội ngũ này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực ở tất cả cấp, bậc học và hệ thống giáo dục quốc dân.

Cùng đó, ông Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, tại Điều 29 dự thảo Luật Nhà giáo còn chung chung, chưa có đột phá để tạo sức hấp dẫn, chưa đủ sức thuyết phục để thu hút người có trình độ cao, có tài về công tác tại vùng đặc biệt khó khăn. Dự thảo luật mới đề cập đến việc hưởng chính sách ưu tiên về tuyển dụng và chế độ phụ cấp, trợ cấp thu hút nhưng chưa rõ ở mức độ nào hay chế độ lương, đãi ngộ được hưởng như thế nào? Nếu không có chính sách cụ thể, rõ ràng thì việc thu hút nhà giáo như mục tiêu, mong muốn của dự thảo Luật khi đề ra sẽ rất khó thực hiện. Ông Nghĩa đề nghị, dự thảo Luật cần làm rõ như thế nào gọi là người có trình độ cao, có tài năng, người có năng khiếu đặc biệt. Quy định rõ về các đối tượng này sẽ tạo thuận lợi cho việc áp dụng trong thực tiễn.

Điểm mới đáng chú ý của dự thảo Luật Nhà giáo đang được bổ sung hoàn thiện là việc tăng cường chính sách thu hút đối với nhà giáo. Đơn cử như được hưởng phụ cấp và trợ cấp thu hút; bảo đảm chỗ ở tập thể có đủ điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng.

Các chính sách thu hút được lãnh đạo ngành giáo dục kỳ vọng sẽ giúp nhà giáo yên tâm với nghề, nhất là nhà giáo tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà các chính sách hiện hành của nhà nước chưa đáp ứng được.

Cùng với đó, dự thảo Luật Nhà giáo quy định tường minh hơn về các tình huống sử dụng nhà giáo gắn với đặc trưng cấp học và trình độ đào tạo bao gồm: điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp. Các chính sách này, nhất là điều động nhà giáo được kỳ vọng là giải pháp để tháo gỡ vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ trong thời gian vừa qua ở các cấp học mầm non, phổ thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đột phá chính sách để hút người tài vào sư phạm