Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, đến nay Hà Nội đã rất phát triển với nhiều công trình hoành tráng, nhiều khu đô thị mới khang trang, hệ thống đường vành đai hiện đại. Cùng với đề án thành phố bên sông Hồng, Hà Nội còn xây dựng 2 thành phố trực thuộc trong tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Tham vọng lớn phải đi cùng quyết tâm lớn.
Tới nay Hà Nội đã trở thành Thủ đô lớn thứ 17 thế giới với diện tích hơn 3.300km2, dân số hơn 8,5 triệu người. Chưa bao giờ vị thế của Thủ đô lại lớn mạnh đến như vậy.
Tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị
Tuy nhiên, Hà Nội cũng đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Hạ tầng đô thị quá tải do mục tiêu giãn dân các quận nội đô chưa đạt, trong khi dân số thành phố tiếp tục tăng nhanh đang khiến thành phố “nghẹt thở”.
Tình trạng tắc đường vẫn trầm trọng, hễ mưa là ngập. Quá tải tại các bệnh viện, trường học cũng đang là thực tế. Câu chuyện 713 phụ huynh phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) bốc thăm giành suất cho con 3 tuổi vào trường mầm non công lập; phụ huynh xếp hàng thâu đêm suốt sáng để nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 khiến xã hội bức xúc. Chưa kể, sau 12 năm thực hiện quy hoạch chung Thủ đô, 5 đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn vẫn trong tình trạng quy hoạch “treo”, trong khi dân số nội thành ngày một tăng.
Chính vì vậy, trong tờ trình gửi HĐND TP Hà Nội mới đây về điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065, chính quyền thành phố vẫn giữ nguyên định hướng hình thành các đô thị vệ tinh, tuy nhiên đề xuất mô hình “thành phố trong thành phố”, với thành phố phía Bắc và phía Tây trực thuộc Thủ đô.
Theo đó, thành phố phía Bắc sông Hồng rộng 633km2, gồm 3 huyện: Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh, dân số đến năm 2045 khoảng 3,25 triệu người. Hà Nội sẽ khai thác lợi thế sân bay Nội Bài, các khu công nghiệp, tạo dựng hình ảnh đô thị mới, hiện đại gắn với dịch vụ cấp vùng. Còn thành phố phía Tây rộng 251km2, bao trùm 2 đô thị vệ tinh Hòa Lạc và Xuân Mai, phát triển mở rộng ra đến sông Tích và sông Bùi, dân số đến năm 2045 khoảng 1,2 triệu người. Hà Nội phát triển khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo theo hướng hiện đại, sinh thái. Bên cạnh đó, 2 đô thị vệ tinh Sơn Tây, Phú Xuyên và các thị trấn sinh thái, thị trấn khác vẫn thực hiện theo cấu trúc trước đây.
Về điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, mục tiêu là để Hà Nội phát triển thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Sử dụng các công cụ để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho đô thị, đưa người dân ra các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, mô hình “thành phố trực thuộc thành phố”.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, việc xây dựng 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là định hướng lớn, đã được đưa vào Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, xây dựng 2 thành phố trực thuộc Thủ đô trong tương lai là tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội đối với khu vực phía Bắc, phía Đông và phía Tây của thành phố nằm trong nội dung điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Hội tụ đủ các điều kiện để phát triển
Như vậy, sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng sẽ phát triển mô hình “thành phố trong thành phố”. Trên thế giới, đây không phải là mô hình mới. Nhiều thành phố lớn của các nước cũng đã phát triển theo mô hình này và đem lại những thành công, trong đó có Seoul (Hàn Quốc), Manila (Philippines), Tokyo (Nhật Bản). Nhưng làm sao để mô hình “thành phố trong thành phố” tại Thủ đô thực sự phát triển thì đang đặt ra vấn đề cần phải tính toán.
TS Chu Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, thành lập “thành phố trong thành phố” sẽ thúc đẩy sự ra đời và phát triển mạnh mẽ các đô thị vệ tinh bên cạnh các đô thị trung tâm và là nơi tập trung những yếu tố mới về kinh tế, xã hội và khoa học công nghệ.
Ông Hùng nêu quan điểm, sự tập trung dân cư cao ở đô thị là xu hướng diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Ở khu vực châu Á, các siêu đô thị như Tokyo (Nhật Bản), Jakarta (Indonesia), Thượng Hải (Trung Quốc) đều phát triển các đô thị vệ tinh nhằm hút bớt áp lực phát triển cho khu vực lõi. Hà Nội với tính chất là thành phố lớn, quá trình đô thị hóa đã đạt tới điểm bão hòa về không gian có thể phát triển sẵn có, buộc vấn đề kiểm soát đô thị hóa và giải tỏa áp lực cho các đô thị trung tâm là nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội cấp bách. Vì vậy để kiểm soát đô thị hóa và giãn cách dân cư đô thị cần phải tổ chức lại hợp lý các đơn vị hành chính trên cơ sở nắm bắt các quy luật phát triển, phân hóa của đô thị. Việc thành lập “thành phố trong thành phố” tại Thủ đô sẽ nhằm giải tỏa áp lực dân cư, phát triển kinh tế, dịch vụ và các hoạt động khác.
Trong khi đó, theo ông Trần Ngọc Vinh - nguyên Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, “thành phố trong thành phố” cần tính đến yếu tố các đơn vị hành chính nhập lại thành thành phố đã thực sự trở thành những đô thị hay chưa, hay vẫn “lốm đốm” chỗ phường, chỗ xã.
Ông Vinh chỉ ra rằng, thực tế hiện nay có nhiều khu vực đã lên thành quận nhưng phường thì vẫn như xã do cơ sở vật chất hạ tầng chưa đáp ứng đầy đủ. Vì thế “thành phố trong thành phố” cần đáp ứng đủ các tiêu chí đô thị gồm: dân số, trình độ người dân, hạ tầng cơ sở, và năng lực trình độ quản lý của cán bộ. “Tất cả phải đảm bảo điều kiện để nó thực sự phải trở thành “thành phố trong thành phố”. Tức là các yếu tố để sáp nhập Đông Anh, Sóc Sơn và Mê Linh phải đáp ứng các yêu cầu chứ không phải “lốm đốm” như xôi đỗ. Khi 3 nơi trên đáp ứng được yêu cầu đô thị thì mới sáp nhập để trở thành “thành phố trong thành phố”. Tương tự, thì Hòa Lạc và Xuân Mai cũng phải đáp ứng các yêu cầu về đô thị, trình độ năng lực quản lý của cán bộ” - ông Vinh nói.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, năm 2016 Trung ương đã cho phép mô hình “thành phố trong thành phố”, vấn đề trên đã nằm trong định hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội. Do đó bây giờ cần phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại quy mô, từ vấn đề nguồn lực cho tới kết nối hệ thống giao thông, phân bổ dân số để quyết định.
Ông Nghiêm cũng phân tích rằng, tỷ lệ đất nông nghiệp tại huyện Mê Linh, Sóc Sơn còn khá lớn. Huyện Sóc Sơn có diện tích đất nông nghiệp chiếm 60% tổng diện tích đất tự nhiên, có cả đất rừng phòng hộ, nên lao động phi nông nghiệp chỉ đạt khoảng 40%, không thể đạt theo tiêu chuẩn cấp đô thị.
Thực hiện mô hình “thành phố trong thành phố” sẽ thuận lợi, tạo động lực, song cần có lộ trình thích hợp; nhưng cần đặt mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu đô thị hóa lên trên hết. Bên cạnh đó, Hà Nội cần học tập từ kinh nghiệm của TP Thủ Đức thuộc TPHCM để nhìn ra định hướng phát triển 2 thành phố trong tương lai, các thành phố mới cần có chính sách phát triển kinh tế tạo sức hút từ việc làm, tạo ra nơi ở mới tốt hơn cho người dân thì mới giảm tải cho nội đô.
Trong tờ trình gửi HĐND TP Hà Nội mới đây về điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065, chính quyền thành phố vẫn giữ nguyên định hướng hình thành các đô thị vệ tinh, tuy nhiên đề xuất mô hình “thành phố trong thành phố”, với thành phố phía Bắc và phía Tây trực thuộc Thủ đô.
Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, đầu tiên phải quan tâm tới yếu tố đô thị, bởi đã trở thành “thành phố trong thành phố” thì tiêu chuẩn khác so với quận. Thứ hai, cần chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các đơn vị hành chính sáp nhập thành thành phố như Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh, Hòa Lạc, Xuân Mai, đặc biệt là tỷ lệ cơ cấu người dân làm phi nông nghiệp. Khi đạt tiêu chí mới được thành lập quận. Để đạt được thành lập quận thì phải đáp ứng đủ 19 tiêu chí. Khi đủ các tiêu chuẩn điều kiện thì mới sáp nhập để trở thành “thành phố trong thành phố”. Thứ ba, cần quan tâm tới sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ tại đây một cách tương xứng phù hợp với vị trí, chức năng nhiệm vụ của “thành phố trong thành phố”.