Kinh tế

Đột phá để kinh tế tư nhân trở thành động lực tăng trưởng

H.Vũ 20/03/2025 08:00

Cần những đột phá về thể chế, môi trường kinh doanh để kinh tế tư nhân có thể phát huy tối đa tiềm năng, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng nhất.

Vừa qua, trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: Kinh tế tư nhân phải là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, có trách nhiệm xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, tham gia xây dựng xã hội văn minh, hiện đại và góp phần xây dựng một Việt Nam năng động và hội nhập quốc tế.

Anh bai tren
Dây chuyền sản xuất tại Công ty CP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (Cụm Công nghiệp Nam Đồng, thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Ảnh: Quang Vinh.

Tổng Bí thư cũng nêu rõ: Kinh tế tư nhân cần phấn đấu trở thành lực lượng chủ lực, đi đầu trong ứng dụng công nghệ và đổi mới, sáng tạo, để đạt mục tiêu đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030; ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân có năng lực cạnh tranh toàn cầu, làm chủ công nghệ và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng quốc tế; cùng cả nước xây dựng nên một Việt Nam năng động, độc lập, tự chủ, tự cường và phát triển thịnh vượng.

Để khu vực kinh tế tư nhân có thể thực hiện được sứ mệnh và hiện thực hóa được tầm nhìn đầy khát vọng đó, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, yếu tố quan trọng nhất chính là cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh để kinh tế tư nhân có thể phát huy tối đa tiềm năng, trở thành động lực dẫn dắt nền kinh tế vươn ra thị trường quốc tế.

Theo ông Nguyễn Quang Huân - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Halcom Việt Nam, ĐBQH Đoàn Bình Dương, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về phát triển kinh tế tư nhân đã thể hiện tầm nhìn sâu rộng, là định hướng hoàn toàn đúng đắn bởi nếu không lấy kinh tế tư nhân làm động lực thì Việt Nam không thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Ông Huân nêu rằng, một nền kinh tế cường thịnh không thể chỉ dựa vào khu vực nhà nước hay đầu tư nước ngoài mà phải dựa vào nội lực là khu vực tư nhân vững mạnh, đóng vai trò tiên phong, không có một nước nào phát triển kinh tế đến 2 con số mà lại thiếu đi một nền kinh tế tư nhân hùng hậu. Nếu kinh tế tư nhân bị “trói tay, trói chân” thì không thể đóng góp gì nhiều cho nền kinh tế đất nước và trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Để khu vực kinh tế tư nhân có thể hiện thực hóa được tầm nhìn khát vọng mà Tổng Bí thư chỉ ra, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, cần chính sách khuyến khích các sáng kiến của doanh nghiệp tư nhân về vấn đề thị trường, sản phẩm. Theo đó cần tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo để doanh nghiệp tư nhân góp ý, nêu ý kiến.

“Như Mỹ có diễn đàn, các buổi “điều trần” để cho các doanh nhân đưa ra sáng kiến, Quốc hội ghi nhận và ban hành các chính sách. Đồng thời quan tâm nhiều hơn đến truyền thông để doanh nghiệp tư nhân, doanh nhân bày tỏ ý kiến, nói lên tiếng nói, qua đó các nhà hoạch định chính sách có thể nắm thêm về những tâm tư mà doanh nghiệp tư nhân muốn kiến nghị” - ông Hiếu nói và cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm một tỷ trọng rất lớn với hơn 97% trong tổng số các doanh nghiệp. Do đó cần chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhiều hơn về vốn.

Ông Hiếu cũng cho rằng, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, Blockchain là những phương tiện rất cần thiết để các doanh nghiệp có các sản phẩm sáng tạo và tạo ra môi trường hiện đại. Tuy nhiên hiện nay trong đổi mới sáng tạo thì việc hỗ trợ về tài chính để họ chuyển đổi số, phân phối, bán hàng, sản xuất, nhân sự vẫn còn hạn chế. Vì vậy cần khuyến khích mạnh hơn việc chuyển đổi số đi kèm với các nguồn tài trợ, hỗ trợ về tài chính, bởi hiện nay các doanh nghiệp tư nhân nhỏ đang gặp hạn chế về tài chính để đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số một cách mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, ông Hiếu nhìn nhận rằng, các doanh nghiệp tư nhân lớn là những “con sếu đầu đàn”, là “đầu tàu” có thể kéo cả nền kinh tế, dẫn dắt những doanh nghiệp nhỏ. Nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng có sự cạnh tranh với nhau về mặt thị trường. Do đó, Chính phủ cần có sự hỗ trợ về thị trường. Nền kinh tế, sản xuất kinh doanh thì phải có những doanh nghiệp lớn dẫn dắt thị trường, nên cần có chính sách, tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn ngày càng lớn mạnh hơn nữa để đóng vai trò dẫn dắt.

Thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng luôn có những quan tâm đối với khu vực kinh tế tư nhân. Mới đây, tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất nhiều ý kiến đã được đề xuất với người đứng đầu Chính phủ.

Về thể chế, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành tập trung tháo gỡ điểm nghẽn thể chế để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, lấy nguồn lực nhà nước dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực xã hội. Cắt bỏ toàn bộ các thủ tục rườm rà, dứt khoát bỏ cơ chế xin cho làm nảy sinh tiêu cực; giảm phiền hà, sách nhiễu, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường giám sát, kiểm tra.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân tự tin rằng, với khả năng đóng góp của kinh tế tư nhân chiếm tới 50% GDP, nếu khu vực này tăng trưởng bền vững ở mức 2 con số thì mục tiêu tăng trưởng trên 8% vào năm 2025 và 2 con số vào năm 2026-2030 chắc chắn thành công.

Vì thế, tương tự như đề xuất tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X ông Thân kiến nghị Chính phủ sớm quy định cụ thể đối với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước khi tham gia các dự án trọng điểm quốc gia như: Dự án đường sắt, đường bộ cao tốc và cảng hàng không; có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI theo tỷ lệ nội địa hóa ít nhất là 30%. Đồng thời, Chính phủ cần sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, quy định giảm thuế cho toàn bộ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa để nuôi dưỡng nguồn thu, hỗ trợ tái đầu tư vào sản xuất - kinh doanh.

Trong khi đó, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thương mại, tùy quy mô, dành khoảng từ 5-20 nghìn tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay với lãi suất ưu đãi với các điều kiện cấp tín dụng rõ ràng, cụ thể. Tăng cường đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện từ 30-50%, đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đột phá để kinh tế tư nhân trở thành động lực tăng trưởng