Quốc tế

Đột phá trong điều trị ung thư

Thanh Đức 04/12/2023 07:14

Đầu tháng 12/2023, truyền thông Trung Quốc loan tin đã phát triển một công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp phát hiện sớm ung thư tuyến tụy - bệnh nan y được coi là "vua của các loại ung thư".

anh-bai-dieu-tri-ung-thu.jpg
Kỹ thuật viên thực hiện liệu pháp di truyền tế bào tại phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học Gracell (Thượng Hải, Trung Quốc). Nguồn: Science et lavie.

Mô hình chẩn đoán sớm do các nhà khoa học AI của Viện DAMO thuộc Tập đoàn Alibaba và các nhà nghiên cứu từ hơn 10 bệnh viện Trung Quốc, bao gồm viện các bệnh về tụy Thượng Hải thực hiện, cho thấy nhiều kết quả hứa hẹn.

Mô hình này kết hợp phương pháp chụp cắt lớp không thuốc phản quang với một thuật toán AI được nhóm nghiên cứu đặt tên là PANDA. Theo công trình đăng trên tạp chí Nature Medicine ngày 27/11, nhóm nghiên cứu cho biết PANDA được huấn luyện dựa trên hơn 3.200 bộ hình ảnh về ung thư tuyến tụy.

Khi thử nghiệm thực tế, khả năng phát hiện các khối u tuyến tụy của mô hình AI nói trên lên tới 92,9%; so với 34,1% của chụp X-quang. Ông Li Ruijiang - chuyên gia tại Trường Y khoa Stanford (Mỹ), đánh giá nghiên cứu trên là bước đi đúng hướng hết sức quan trọng trong chẩn đoán ung thư tuyến tụy.

"Độ chính xác của thuật toán PANDA vượt trội hơn hẳn các phương pháp chẩn đoán hiện nay" - chuyên gia y khoa người Đức Joerg Kleeff và các đồng nghiệp cùng chung nhận định. Tuy nhiên, còn phải nghiên cứu nhiều hơn nữa trước khi ứng dụng rộng rãi phương pháp chẩn đoán bằng AI.

Trong khi đó, một nghiên cứu của Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) cho rằng, tỉ lệ tử vong của ung thư tuyến tụy tăng 0,2% mỗi năm, cứ mỗi 15 năm. Nếu phát hiện sớm có thể giúp bệnh nhân sống thêm khoảng 9,8 năm. Ngược lại, nếu chẩn đoán trễ thì khoảng thời gian này chỉ còn 1,5 năm.

Một trong những lý do chính khiến ung thư tuyến tụy gây tử vong cao là do rất khó phát hiện sớm, hầu như không biểu hiện triệu chứng cho tới khi di căn sang các cơ quan khác - theo bệnh viện Mayo (Mỹ).

Theo ông Li Ruijiang, nếu như phương pháp phát hiện sớm ung thư tuyến tụy có sớm thì ông Steve Jobs người đồng sáng lập và là cựu giám đốc điều hành (CEO) của Apple, biểu tượng của Thung lũng Sillicon, đã không phải ra đi ở tuổi 56.

Trước đó, hồi giữa tháng 6/2023, một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi ông George Hanna - Trưởng khoa Ung thư và phẫu thuật Đại học Hoàng gia London (ICL - Anh), đã thử nghiệm thành công bước đầu một phương pháp tầm soát ung thư thông qua máy phân tích hơi thở Breath Biopsy của Công ty Công nghệ sinh học Owlstone Medical.

Phương pháp này có khả năng phát hiện sớm một số dạng ung thư phổ biến trong hơi thở, từ đó giúp bệnh nhân được can thiệp sớm, điều có thể cải thiện đáng kể kết quả điều trị. Theo ông Billy Boyle, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Owlstone Medical, sàng lọc dựa trên hơi thở là phương pháp không xâm lấn nên có thể ngăn ngừa các vấn đề phát sinh từ xét nghiệm xâm lấn.

"Kiểm tra hơi thở không xâm lấn, dễ hoàn thành và được bệnh nhân chấp nhận rộng rãi. Nếu thử nghiệm hơi thở được phát triển thành công, nó có nhiều tiềm năng ảnh hưởng đến thực hành lâm sàng" - nhóm nghiên cứu của ICL nhận định.

Điều trị ung thư được chẩn đoán sớm khối u có thể nhỏ hơn và không lan sang các bộ phận khác của cơ thể (di căn). Nhưng việc phát hiện sớm một số loại ung thư không dễ dàng vì có rất ít triệu chứng. Nhóm nghiên cứu của ông Hanna đã giám sát một số thử nghiệm lâm sàng quy mô nhỏ trên hàng trăm bệnh nhân và đang tuyển thêm 25.000 tình nguyện viên cho các thử nghiệm quy mô lớn hơn, dự kiến bắt đầu vào năm 2024. Và dự đoán mất khoảng 5 năm nữa trước khi ứng dụng tầm soát ung thư qua hơi thở được chấp nhận trong thực tế.

Theo trang Huffington Post, các kết quả ban đầu cho thấy phương pháp mới giúp phát hiện các khối u ung thư vừa xuất hiện ở thực quản, dạ dày, tuyến tụy, ruột kết (đại tràng) và gan... chiếm tới 20% tổng số ca ung thư trên thế giới.

Tới nay, những nghiên cứu điều trị ung thư đã có những bước tiến dài. Trong đó, rất đáng chú ý là việc điều chế, phát triển vaccine. Hiện vaccine SurVaxM được Công ty Công nghệ sinh học MimiVax (Mỹ) phát triển được cho là có tác dụng tích cực trong việc trì hoãn khối u phát triển. Cụ thể, nó nhắm vào một loại protein được tìm thấy trong các khối u, gọi là survivin. Giám đốc điều hành của MimiVax, ông Michael Ciesielski, cho biết SurVaxM hoạt động bằng cách huấn luyện hệ thống miễn dịch nhắm mục tiêu và tấn công tế bào ung thư.

“Vì vậy, nếu tế bào ung thư xuất hiện trở lại, cơ thể có thể loại bỏ chúng, ngăn chặn khối u mới phát triển” - Ciesielski cho biết. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng dù “đầy hứa hẹn” nhưng cuộc chiến loại bỏ căn bệnh nan y ung thư vẫn đầy cam go.

Nghiên cứu "Symplify" dẫn đầu bởi Đại học Oxford (Anh) đối với xét nghiệm máu Galleri cho phép tìm kiếm dấu hiệu của hơn 50 loại ung thư, từ đó giúp tăng tốc độ chẩn đoán và sàng lọc bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Xét nghiệm này tìm kiếm các đoạn ADN của khối u nhỏ trong máu, cảnh báo các bác sĩ liệu một tín hiệu ung thư đã xuất hiện hay chưa và có thể bắt nguồn từ đâu trong cơ thể. Tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Ung thư lâm sàng Mỹ diễn ra ở Chicago, cho biết xét nghiệm này chỉ ra chính xác 2/3 trường hợp ung thư trong tổng số trên 5.461 người tham gia, vốn được bác sĩ đa khoa chuyển viện vì nghi ngờ ung thư. Xét nghiệm cũng chỉ ra chính xác vị trí khối u đối với 85% trường hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đột phá trong điều trị ung thư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO