Ngày 17/7, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với hai Dự thảo Nghị quyết quan trọng: Nghị quyết quy định chi tiết một số chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của thành phố Hà Nội và Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách về đầu tư, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo của Thủ đô.
Bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội chủ trì hội nghị.
Cụ thể hóa Luật Thủ đô, tháo gỡ điểm nghẽn
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Trần Anh Tuấn đã trình bày tóm tắt nội dung hai dự thảo nghị quyết. Ông nhấn mạnh, việc ban hành các nghị quyết này nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi năm 2024), đồng thời tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, một lĩnh vực vốn được coi là “động lực then chốt” cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết về chính sách đặc thù phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tập trung vào 5 nhóm chính sách quan trọng: cơ chế tuyển chọn, đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ; chuyển giao không bồi hoàn các kết quả nghiên cứu; trao quyền tự chủ cho tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ; cơ chế ưu đãi về tài chính, thuế, phí; và chính sách thu hút, trọng dụng chuyên gia, nhà khoa học. Trong khi đó, Nghị quyết về cơ chế, chính sách hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo gồm 3 nhóm nội dung chính: đầu tư và hỗ trợ vận hành hạ tầng khoa học công nghệ; hỗ trợ chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức, doanh nghiệp và hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô.
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học và thành viên các HĐTV thuộc Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đều đánh giá cao tính cấp thiết và tầm quan trọng của hai dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng để bảo đảm khả năng triển khai thực tiễn, các quy định cần cụ thể, chặt chẽ và có tính định hướng cao. PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm HĐTV về Kinh tế của MTTQ TP Hà Nội nhận định, dự thảo đã cụ thể hóa các quy định tại khoản 1, điểm d khoản 3 và khoản 5 điều 23 của Luật Thủ đô, liên quan đến phương thức khoán, chuyển giao không bồi hoàn và cơ chế tài chính đặc thù. Tuy nhiên, bà cho rằng vẫn cần bổ sung quy trình xác định danh mục nhiệm vụ khoa học trọng điểm, dựa trên các tiêu chí rõ ràng như: tính cấp thiết, liên ngành, khả năng kết nối với doanh nghiệp và ứng dụng ra thị trường. “Chúng ta cần tránh việc xây dựng đề tài một cách hình thức, kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực”, bà An nhấn mạnh.
Ở góc độ pháp lý và thực tiễn triển khai, ông Phạm Ngọc Thảo, Chủ nhiệm HĐTV Dân chủ - Pháp luật cho rằng, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong quản lý và phát triển khoa học công nghệ những năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế về cơ chế phối hợp, chính sách ưu đãi và môi trường sáng tạo. Do đó, việc ban hành các Nghị quyết sẽ tạo đà cho những bước phát triển mới, đồng thời là “đòn bẩy” chính sách cho lĩnh vực được xem là then chốt trong quá trình phát triển Thủ đô.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ dẫn chứng, “Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã khẳng định vai trò trung tâm của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển Thủ đô. Luật Thủ đô năm 2024 đã tháo gỡ nhiều rào cản. Do đó, HĐND TP cần cụ thể hóa các chính sách để luật đi vào cuộc sống, đồng thời phải bảo đảm căn cứ pháp lý vững chắc trong ban hành văn bản quy phạm.”
Cần đánh giá rủi ro, kiểm soát hiệu quả
Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, yếu tố không thể thiếu nếu muốn tạo môi trường đổi mới, sáng tạo thực sự. Ông Mai Đức Thắng, Phó Chủ tịch Hội Hóa học Hà Nội cho rằng, việc chấp nhận rủi ro phải đi kèm với cơ chế kiểm soát, hậu kiểm rõ ràng. “Không thể vì đổi mới mà buông lỏng quản lý, tạo kẽ hở cho tham nhũng, lãng phí,” ông nhấn mạnh.
Theo ông Thắng, cần quy định rõ các tiêu chí rủi ro có thể chấp nhận được; cơ chế giám sát giữa kỳ, hậu kiểm các dự án; trách nhiệm cụ thể của hội đồng khoa học và cơ quan chủ trì. Ngoài ra, cần tổng kết, đánh giá hiệu quả các nhiệm vụ khoa học đã thực hiện trong 10 năm qua, tránh tình trạng “nghiên cứu rồi cất tủ”, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương ghi nhận, các ý kiến đã thể hiện cái tinh thần đồng hành cùng với Mặt trận và TP, tham gia trực tiếp vào những vấn đề quan trọng mang tính đột phá cho sự phát triển của Thủ đô và triển khai cụ thể hóa những nội dung Nghị quyết mới của Trung ương và TP.
Bà Nguyễn Lan Hương cũng đánh giá cao Sở Khoa học và Công nghệ đã tập trung xây dựng và trình TP những nội dung này, đồng thời đề nghị Sở tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thời gian tới. Trong đó, lưu ý phân nhóm, phân lĩnh vực, từ đó xếp thứ tự ưu tiên để thu hút đối tượng tham gia nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo; bổ sung những nội dung về chống lãng phí trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; tránh lợi dụng chính sách để trục lợi.
“Các Sở ngành liên quan phối hợp cùng Mặt trận, cơ quan báo chí truyền thông tăng cường những thông tin, công khai nội dung dự thảo để thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà khoa học và các chuyên gia, người có đam mê với lĩnh vực này. Cùng đó, tăng cường giám sát thực hiện Nghị quyết, trong đó chú trọng giám sát chính đối tượng được thụ hưởng Nghị quyết; phối hợp để nâng cao được tính hiệu quả của công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo”, bà Lan Hương nhấn mạnh.