Dự án BOT đường nối cao tốc TPHCM - Trung Lương: Những dấu hiệu bất thường

Nguyên Vũ-Châu Thành 15/09/2023 10:25

Dự án xây dựng tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương theo hình thức BOT (gọi tắt là đường nối cao tốc TPHCM - Trung Lương). Chiều dài tuyến đường này là 2,7 km, với tổng diện tích đất bị giải tỏa 29,2ha với tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng hơn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, số hộ gia đình và doanh nghiệp bị giải tỏa 250 trường hợp.

Đoạn tuyến nối từ đường nối cao tốc TPHCM - Trung Lương vẫn đang dang dở. Ảnh chụp sáng 12/9/2023.

Khởi công rầm rộ rồi... “đắp chiếu”

Ngày 4/5/2015, UBND TPHCM có công văn số 2349 chấp thuận chỉ định Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh (Tập đoàn Yên Khánh) làm Chủ tịch HĐQT là nhà đầu tư theo hình thức BOT. Ngày 13/10/2015, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM ký quyết định số 4577, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư dự án.

Ngày 22/10/2015, Giám đốc Sở GTVT tiếp tục ký văn bản số 4860 gửi UBND TPHCM báo cáo thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng đường nối cao tốc TPHCM - Trung Lương, theo loại hợp đồng BOT; thời gian thực hiện hợp đồng là 19 năm 2 tháng với tổng mức đầu tư là 1.557.518 triệu đồng.

Sau một ngày, ngày 23/10/2015, ông Nguyễn Hữu Tín – lúc đó là Phó Chủ tịch UBND TPHCM ký quyết định số 5386 phê duyệt kết quả chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng đường nối cao tốc TPHCM - Trung Lương (sau này ông Tín đã bị TAND TPHCM tuyên phạt 7 năm tù trong vụ án sai phạm giao đất cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79).

Từ đó, Tập đoàn Yên Khánh tiếp tục thương thảo với Sở GTVT TPHCM; nhà đầu tư tự thu xếp nguồn vốn đầu tư hợp pháp để thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BOT.

Đến tháng 6/2016 dự án đầu tư xây đường nối cao tốc TPHCM - Trung Lương được khởi công rầm rộ. Nhưng sau đó, nhà đầu tư dự án đã không thực hiện đầy đủ, đúng yêu cầu về chất lượng, tiến độ.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nhà đầu tư đã được bàn giao hơn 85% mặt bằng nhưng giá trị xây lắp chỉ đạt khoảng 164,06 tỷ đồng tương đương với 17,97% khối lượng xây lắp. Đến nay, Tập đoàn Yên Khánh và Công ty TNHH MTV đầu tư BOT TPHCM (doanh nghiệp được thành lập để thực hiện dự án) ngừng thi công dự án này. Công trình trọng điểm này rơi vào cảnh “đắp chiếu phơi sương”, còn Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Yên Khánh là ông Đinh Ngọc Hệ và Tổng Giám đốc Tập đoàn là bà Vũ Thị Hoan vướng vào vòng lao lý.

Do quá nhiều bất cập, chậm trễ, ngày 30/6/2022, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản số 2158 gửi các Sở Tư Pháp; Tài nguyên và Môi Trường; Xây Dựng; Kế hoạch và Đầu tư; GTVT; UBND huyện Bình Chánh và Tập đoàn Yên Khánh yêu cầu ngừng thực hiện Dự án xây dựng đường nối cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Tuy nhiên, sau 1 năm kể từ ngày lãnh đạo UBND TPHCM chỉ đạo về việc ngừng dự án, chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư dự án, thì các sở, ngành tham mưu cho UBND thành phố vẫn chưa tìm được giải pháp cụ thể nào.

Mới đây nhất, ngày 11/8/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM có văn bản gửi UBND TPHCM nêu, kiến nghị: UBND TPHCM chỉ đạo Sở GTVT - cơ quan chủ trì đàm phán, đại diện UBND TPHCM ký kết và quản lý hợp đồng BOT số 3233/HĐ.BOT-UBND ngày 25/6/2016; đồng thời là cơ quan thường trực của Nhóm công tác liên ngành thực hiện dự án xây dựng đường nối cao tốc TPHCM - Trung Lương chủ trì nghiên cứu ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với dự án.

Ngày 13/9, đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết đã được lãnh đạo UBND thành phố giao chủ trì giải quyết, đàm phán để chấm dứt hợp đồng về dự án BOT đường nối cao tốc TPHCM - Trung Lương. Sắp tới đây sẽ tổ chức cuộc họp với các sở, nghành liên quan để có hướng giải quyết.

Cơ quan điều tra vào cuộc

Đáng chú ý, trước đó, ngày 18/2/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03, Công an TPHCM) đã có văn bản gửi Sở GTVT đề nghị phối hợp cung cấp tài liệu phục vụ yêu cầu điều tra.

Văn bản nêu rõ: “Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM đang điều tra xác minh vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty CP đầu tư Yên Khánh và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt trong việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Võ Văn Kiệt đoạn nối vào tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương dưới hình thức hợp đồng BOT”.

Tiếp đó, ngày 15/6/2022, PC03 đã có văn bản gửi UBND TPHCM đề nghị chỉ đạo các đơn vị cử giám định viên thực hiện giám định tư pháp, văn bản nêu: “Quá trình điều tra, xác minh, thu thập hồ sơ, tài liệu cho thấy Công ty TNHH SX TM DV Yên Khánh do ông Đinh Ngọc Hệ thành lập, đã không báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán để được chỉ định thầu và ký hợp đồng đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Võ Văn Kiệt đoạn nối vào tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương dưới hình thức hợp đồng BOT; thực hiện các thủ tục để được Ngân hàng Bưu điện Liên Việt giải ngân số tiền hơn 435 tỷ đồng.

Để đảm bảo tiến độ điều tra, giải quyết vụ việc và xử lý sai phạm của các cá nhân theo quy định của pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM kính đề nghị UBND TPHCM quan tâm chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở GTVT sớm cử giám định viên để thực hiện giám định theo quyết định trưng cầu giám định số 262-P04 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM”.

Như vậy có thể thấy, việc xử lý tồn đọng của dự án này là hết sức chậm trễ, có dấu hiệu bất thường. Trong khi tuyến đường nối cao tốc này có vai trò rất quan trọng trong việc giải bài toán kẹt xe của TPHCM, cũng như phát triển kinh tế - xã hội trong vùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án BOT đường nối cao tốc TPHCM - Trung Lương: Những dấu hiệu bất thường