Sau khi được giao đất, chủ đầu tư dự án Khu du lịch Suối Voi (tỉnh Thừa Thiên Huế) chỉ triển khai một số hạng mục. Năm 2022, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh này đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính dự án triển khai chậm tiến độ. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn “án binh bất động”…
Dự án Khu du lịch Suối Voi (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) do Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoa Lư - Huế (gọi tắt là Công ty Hoa Lư - Huế) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.020 tỷ đồng, trên diện tích khoảng 51,79 ha.
Vào năm 2017, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty Hoa Lư - Huế xây dựng dự án Khu du lịch suối Voi. Mục tiêu của dự án sau khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng hứa hẹn sẽ là khu du lịch sinh thái cao cấp, đầy đủ tiện nghi bao gồm khu khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng ẩm thực, dịch vụ vui chơi, giải trí kèm theo các dịch vụ phụ trợ.
Theo đó, giai đoạn 1 của dự án được cấp giấy phép xây dựng vào tháng 12/2020. Chủ đầu tư cam kết đưa giai đoạn 1 của dự án vào hoạt động từ năm 2021, sau đó điều chỉnh vào quý II/2023.
Thế nhưng đến nay, ngoài mặt bằng tại một số khu vực trong khuôn viên dự án được san gạt, xây dựng nhà điều hành, đường giao thông…, khu du lịch suối Voi này hiện vẫn “án binh bất động”. Tại khu vực suối Voi bị đào xới ngổn ngang, xung quanh được vây kín bởi hàng rào tôn. Tại công trường thuộc dự án, nhiều hạng mục đang được thi công dang dở, nhiều vật liệu là sắt thép vứt bỏ giữa trời mưa nắng dẫn đến hoen rỉ nặng.
Liên quan đến việc dự án Khu du lịch Suối Voi triển khai chậm tiến độ, ngày 14/3/2022, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định xử lý vi phạm hành chính dự án. Ngày 28/3/2022, Công ty Hoa Lư - Huế đã nộp tiền xử phạt 70 triệu đồng liên quan đến dự án này.
Được biết, 10 năm trước một số người dân tại xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã khai hoang khu du lịch tự nhiên suối Voi lúc bấy giờ và đưa vào khai thác, thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng. Do đó, Khu du lịch suối Voi là nguồn sinh kế chính của hàng chục hộ dân nơi đây.
Tuy nhiên, kể từ khi suối Voi được cấp chủ trương giao cho Công ty Hoa Lư - Huế thực hiện dự án Khu du lịch suối Voi, những hộ dân tại địa phương không thể kinh doanh, phải chịu ảnh hưởng do dự án này thi công ì ạch, chậm tiến độ nhiều năm.
Ông Trần Sửu (trú tại thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến)- là một trong những hộ dân từng kinh doanh ở suối Voi cho biết, trước đây, gia đình ông buôn bán tại khu vực suối Voi, ngoài những người làm trong nhà thì ông thuê thêm 4 lao động địa phương, với mức lương dao động khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Trừ các khoản chi phí thì mỗi năm gia đình ông thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Thế nhưng, kể từ khi nhường địa điểm kinh doanh cho dự án thì ông Sửu không có công ăn việc làm dẫn đến thất nghiệp kéo dài.
Cũng như hộ gia đình ông Sửu, nhiều hộ dân kinh doanh nơi đây cũng rơi vào cảnh mất đi địa điểm kinh doanh từng đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Từ khi suối Voi được giao cho doanh nghiệp đầu tư, các hộ dân phải kiếm sống bằng nghề khác, cuộc sống vì thế cũng rất khó khăn. Trong khi đó đất giao cho doanh nghiệp lại bị bỏ hoang trong thời gian dài.
Anh Trần Văn Minh (trú tại xã Lộc Tiến) cho biết, anh cũng như người dân địa phương rất mong muốn dự án Khu du lịch Suối Voi sớm được đưa vào hoạt động để thu hút người dân và du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí. “Chúng tôi mong dự án sớm đưa vào hoạt động. Nếu chủ đầu tư dự án không tiếp tục làm nữa thì cơ quan chức năng có thẩm quyền nên sớm thu hồi để giao lại cho người dân hoặc doanh nghiệp khác có năng lực vào đầu tư, khai thác” - anh Minh bày tỏ.
Theo ông Phan Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế), năm 2021, chính quyền địa phương đã tiến hành bàn giao mặt bằng để triển khai, thực hiện dự án. “Việc dự án Khu du lịch Suối Voi chậm tiến độ xã cũng nhiều lần có ý kiến với cơ quan chức năng, kể cả tại những cuộc tiếp xúc cử tri, tuy nhiên dự án đến nay vẫn chậm tiến độ. Địa phương cũng mong muốn dự án sớm được triển khai và đưa vào hoạt động để tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương”- ông Cường nói.
Ông Ngô Văn Phong - Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án, nên đến năm 2020, nhà đầu tư mới được cho thuê khoảng 20ha đất và đến tháng 1/2021 dự án được khởi công.
Về việc dự án chậm tiến độ Ban quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa dự án này vào danh sách các dự án chậm tiến độ cần giám sát đặc biệt.