Sáng 26/10, sau khi Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Cảnh sát Cơ động, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; nhấn mạnh tới việc hoàn thiện dự thảo Luật chặt chẽ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo nhiệm vụ với các lực lượng khác.
Tránh chồng chéo, trùng lặp
Theo đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang), xây dựng, ban hành Luật Cảnh sát cơ động nhằm cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng một số lực lượng trong Công an nhân dân.
Bà Hương cho rằng, thực tế lực lượng Cảnh sát cơ động ở Trung ương và địa phương được tổ chức theo đơn vị lực lượng vũ trang chiến đấu tập trung, vị trí đóng quân tại các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Do đó, cần bổ sung quy định cụ thể về phạm vi hoạt động để không xảy ra việc trùng lặp, hoặc chồng chéo phạm vi hoạt động giữa các đơn vị Cảnh sát cơ động hay với các đơn vị khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Bà Hương phân tích: “Đơn cử như một trong những nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động là tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, thực tế trong Công an nhân dân hiện nay, việc tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ được giao cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”.
Mặt khác, theo bà Hương, tại Điều 3 quy định, Cảnh sát cơ động được xác định là lực lượng nòng cốt chuyên trách trong thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự toàn xã hội. Do vậy, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của lực lượng Cảnh sát cơ động đối với nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ để không xảy ra sự chồng chéo, bảo đảm phù hợp về tính chất lực lượng vũ trang chiến đấu của Cảnh sát cơ động cũng như phù hợp về quan điểm xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn vì nhân dân phục vụ.
“Quy định về quyền hạn của Cảnh sát cơ động tại khoản 3, Điều 10 của dự thảo luật là ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động. Hiện nay, theo Nghị định số 36/2008/NĐ-CP, Bộ Quốc phòng là đơn vị được giao chủ trì công tác quản lý tổ bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ. Do vậy, cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Cảnh sát cơ động và lực lượng Quân đội nhằm tránh sự trùng lặp” - bà Hương cho hay.
Tán thành những nội dung trong dự thảo luật, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, trong dự thảo Luật Cảnh sát cơ động còn nhiều nội dung đã được quy định trong Luật Công an nhân dân nên bị trùng lặp và chồng chéo.
Theo quy định của Khoản 2, Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 đã quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh sẽ không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác. Vì vậy, bà Nga đề nghị ban soạn thảo rà soát lại để lược bỏ những nội dung trùng lặp và tập trung sâu vào những quy định đặc thù về Cảnh sát cơ động.
Có được trang bị tàu bay, tàu thuyền?
Liên quan đến việc dự thảo luật quy định Cảnh sát cơ động được trang bị tàu bay, tàu thuyền, ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho rằng, đây là chính sách lớn cần có báo cáo đánh giá tác động cụ thể. Các luật hiện hành đã quy định cụ thể phạm vi hoạt động và quy chế phối hợp của các đơn vị trong Quân đội với Công an. Trong thực tế khi thực hiện nhiệm vụ, Cảnh sát cơ động sử dụng tàu bay, tàu biển không thường xuyên.
Mặt khác, trong các tình huống cụ thể đã có cơ chế để các đơn vị Quân đội hoặc các lực lượng khác phối hợp, huy động phương tiện thiết bị theo quy định của dự thảo luật. Theo ông Thắng, nếu vướng quy định của pháp luật trong huy động, sử dụng thì xem xét, yêu cầu điều chỉnh, bổ sung thay vì nhất thiết phải mua sắm riêng cho lực lượng Cảnh sát cơ động.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, nhiều lực lượng đã có tàu bay, tàu thuyền vậy sao không phối hợp sử dụng khi cần thiết? Quân đội sẽ sẵn sàng hỗ trợ cho lực lượng Công an khi thực hiện nhiệm vụ. Bởi trang bị tàu bay, tàu thuyền là rất tốn kém, trong khi đất nước còn khó khăn.
Tuy nhiên, đại biểu Đặng Hùng Sỹ (đoàn Bình Thuận) lại cho rằng, nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động chủ yếu đảm bảo an ninh trật tự, xử lý bạo loạn, chống khủng bố nên Cảnh sát cơ động cần tiến lên hiện đại và cần bố trí tàu bay, tàu thuyền cho lực lượng này”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ rà soát, chỉnh lý các quy định của dự thảo luật về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, huy động lực lượng về phương tiện, thiết bị, hợp tác quốc tế của Cảnh sát cơ động và các nội dung khác. Đảm bảo chặt chẽ, thống nhất với hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo nhiệm vụ với các lực lượng khác.