Ngày 8/9, tiếp tục chương trình hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội có quyền ngang nhau
Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) nhiều đại biểu quan tâm khi dự thảo nội quy (sửa đổi) quy định Chủ tịch Quốc hội hoặc Phó chủ tịch Quốc hội được phân công điều hành phiên họp có thể đề nghị Quốc hội quyết định kéo dài thời gian mỗi lần phát biểu của đại biểu Quốc hội là chuyên gia lên không qua 15 phút khi nội dung được thảo luận hoặc giải trình có nhiều vấn đề phức tạp, chuyên môn sâu (thời gian phát biểu cho mỗi đại biểu được quy định là không quá 7 phút).
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) nhất trí với việc quy định chi tiết trình tự, thủ tục tiến hành các phiên họp, nhất là quy định về trách nhiệm của chủ tọa phiên họp quy định tại Điều 15 của dự thảo. Việc chủ tọa phiên họp có quyền chủ động mời đại biểu phát biểu, chất vấn, tranh luận không theo thứ tự đăng ký, có quyền yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng phát biểu, tranh luận hoặc dừng chất vấn nếu nội dung phát biểu, chất vấn không đúng trọng tâm, vượt quá thời gian quy định. Theo ông Thắng, quy định như vậy là phù hợp, bảo đảm phiên họp diễn ra thông suốt, hiệu quả, tăng tính tranh luận, phản biện, đồng thời vẫn bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, nguyên tắc pháp quyền trong hoạt động của Quốc hội. Quy định như vậy cũng tạo sự linh hoạt trong công tác điều hành phiên họp của chủ tọa, đồng thời tạo điều kiện để các đại biểu ở các tỉnh, thành phố đều được phát biểu ý kiến trực tiếp tại phiên họp như một số kỳ họp gần đây được các đại biểu và nhân dân đồng tình đánh giá cao.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn Thái Bình), cần quy định chủ tọa, người được phân công điều hành phiên họp tại kỳ họp yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận nếu đại biểu Quốc hội không phát biểu tranh luận, chất vấn đúng nội dung và sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn. “Vì thực tế trong các kỳ họp một số đại biểu đăng ký tranh luận nhưng khi phát biểu thì lại nêu quan điểm đồng tình với ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước đó hoặc là với các nội dung của tài liệu. Thực chất không phải là tranh luận mà là lách quy định để được ưu tiên phát biểu trước, như một số đại biểu hay nói vui là “chen luận”. Do đó, cần phải quy định theo hướng cụ thể hơn với cả chủ tọa, người điều hành và đại biểu Quốc hội, để bảo đảm việc thực thi các quy định nêu trên được thực hiện nghiêm túc. Chúng ta tường thuật trực tiếp nên nhân dân và cử tri đều hướng đến và theo dõi, bởi vậy thì việc điều hành cũng như là thực hiện theo đúng Nội quy kỳ họp là điều rất cần thiết.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, “tranh luận là ra tranh luận chứ không phải chen luận”. Từ đó ông Hòa đề nghị, chủ tọa phải cương quyết dừng phát biểu đối với những người chen luận. Theo ông Hòa, đại biểu tranh luận khác với việc đọc tài liệu. Do đó, khi có đại biểu “chen luận” cần phải có sự can thiệp ngay của chủ tọa.
Liên quan đến việc chuyên gia là đại biểu Quốc hội được phát biểu 15 phút, ông Hoà cho rằng, đại biểu Quốc hội là ngang nhau. Đã là đại biểu Quốc hội thì chỉ được phát biểu 7 phút. Như vậy mới phù hợp chứ chuyên gia được ưu tiên phát biểu 15 phút là không phù hợp.
Bạo lực gia đình: Trẻ em chưa được chú trọng?
Cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, dự thảo luật chưa thực sự chú trọng đến đối tượng trẻ em, đối tượng dễ bị bạo lực gia đình trong khi trên thực tế hàng năm số lượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình rất lớn.
“Theo thống kê của Tổng đài một 111, trong năm 2021 số trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình chiếm tỷ lệ cao nhất trong số vụ bạo hành trẻ em, chiếm tới 72,84%. Đây mới chỉ là con số thống kê của một tổng đài, con số thực tế tôi tin sẽ lớn hơn rất nhiều” - bà Nga nói và cho rằng những nội dung quy định trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hầu như chỉ hướng đến người lớn, nhiều quy định không phù hợp với đối tượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình.
Bà Nga dẫn chứng: Mục 5 Điều 25 cũng quy định khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc, người bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc. Quy định này tôi thấy cũng không phù hợp nếu đối tượng bị bạo lực gia đình là trẻ em, các em không thể lựa chọn chỗ ở cho mình được. Bởi vậy, Ban soạn thảo cần rà soát kỹ và có những quy định riêng phù hợp hơn với nạn nhân bị bạo lực gia đình là trẻ em, thống nhất với nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình ở Điều 4 là ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là trẻ em, phụ nữ có thai. Bởi lẽ trẻ em là đối tượng đặc biệt yếu thế, khi là nạn nhân bạo lực gia đình không thể kháng cự, không thể kêu cứu.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (đoàn Hải Dương) cũng đề nghị, tách riêng một mục quy định về phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình cho phù hợp với đặc điểm, đặc thù của nhóm đối tượng này. Những nội dung cụ thể cần tách ra ví dụ như về nguyên tắc phòng, chống bạo lực trẻ em trong gia đình, định nghĩa các hành vi bạo lực trẻ em trong gia đình, các biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình đối với trẻ em. Các quy định này sẽ không trùng với quy định của Luật Trẻ em, bởi vì luật này sẽ quy định riêng và cụ thể hóa những nội dung về vấn đề bạo lực trẻ em trong môi trường gia đình, trong khi Luật Trẻ em thì quy định chung cho cả 3 môi trường là gia đình, nhà trường và xã hội.
Quy định 2 mức trong lấy phiếu tín nhiệm
Theo đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng), việc lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp cũng là một vấn đề băn khoăn của cử tri và các vị đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì kiến nghị thực hiện theo 2 mức, đó tín nhiệm và không tín nhiệm, và cần thể hiện rõ trong Nội quy kỳ họp.