Tuyến đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên (Metro số 1), TP HCM vừa bị phát hiện sự cố khó hiểu: Gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn bị mất ổn định rời khỏi đá kê gối sau khi đã lắp dầm làm suy giảm chất lượng công trình và an toàn vận hành. Trong khi đó, cũng tại dự án này, chi phí quản lý đã chi vượt nhiều lần so với quy định hiện hành.
Chất lượng công trình có vấn đề
Ngày 4/11, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM (MAUR) đã có văn bản gửi Giám đốc dự án Liên danh NJPT và Giám đốc Dự án Liên danh Sumitomo – CIENCO6 (SCC) thông báo về việc gối cao su sử dụng cho dầm cầu cạn bị mất ổn định, rời khỏi đá kê gối sau khi đã lắp dầm làm suy giảm chất lượng công trình và an toàn vận hành chạy tàu tương lai trong quá trình khai thác thuộc gói thầu số 2, tuyến Metro số 1.
Theo MAUR, việc gối cao su (gối trái theo hướng tuyến từ Bến Thành đi Suối Tiên) sử dụng cho dầm cầu cạn tại vị trí trụ P14-10 thuộc phân đoạn cầu cạn VD14 bị mất ổn định rời khỏi đá kê gối không rõ nguyên nhân làm hư hỏng thanh ray đã lắp đặt bên trên, đồng thời các thanh ray bị nhô lên khỏi các bu lông liên kết với hệ đỡ bên dưới và gây hư hỏng, nứt vỡ bê tông đệm ray tại vị trí VD14.
Sự cố này có nhiều khả năng sẽ làm giảm chất lượng công trình mà có thể gây nứt vỡ cục bộ tại vị trí gối dầm do ứng suất tập trung trong quá trình va đập giữa dầm và đá kê gối.
Bên cạnh đó là việc cả đoạn dầm hoàn thiện đã được lao lắp chịu sự uốn xoắn do việc phân bổ lực không đồng đều bởi gối cao su đã rời khỏi đá kê gối nên khả năng lớn sẽ làm bám đáy thành dầm chữ U bị nứt gây giảm khả năng chịu lực và ảnh hưởng đến tuổi thọ của công trình và nguy cơ mất an toàn chạy tàu tương lai khi tuyến Metro số 1 được đưa vào khai thác sử dụng.
MAUR yêu cầu liên danh SCC có trách nhiệm rà soát toàn bộ chất lượng, vị trí các gối cầu hiện trạng cho tất cả các kết cấu và báo cáo kết quả thực hiện kiểm tra cho MAUR. Sửa chữa, khắc phục các hư hỏng tại vị trí trụ P14-10 hoàn thành trước ngày 30/11.
Rà soát toàn bộ thủ tục kiểm tra, lựa chọn nhà cung cấp, hồ sơ thí nghiệm đầu vào, tần suất thí nghiệm đối với vật liệu gối cao su có đảm bảo tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng…
Liên quan đến sự cố nêu trên, ngày 10/11/2020, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã có công văn yêu cầu MAUR kiểm tra hiện trạng, đánh giá số liệu quan trắc kết cấu trụ P14-10 và các trụ lân cận.
Xác định nguyên nhân xảy ra hiện tượng này; giải pháp xử lý, khắc phục, đánh giá mức độ ảnh hưởng đến an toàn chịu lực và tuổi thọ các kết cấu công trình có liên quan, khẩn trương rà soát lại tình trạng làm việc của toàn bộ gối cầu tại các vị trí kết cấu tương tự trên toàn tuyến.
Chi phí quản lý dự án chi vượt theo quy định
Cuối năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo về hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án xây dựng Metro số 1. Đối với chi phí quản lý dự án tuyến Metro số 1, kiểm toán chỉ rõ: “Chi phí quản lý dự án đến thời điểm 30/9/2018, tổng chi phí quản lý dự án của Metro số 1 được trích theo quy định là 67.840 triệu đồng.
Tuy nhiên, giá trị thực tế chi phí quản lý dự án tại MAUC cho các dự án trong đó có tuyến Metro số 1 là 303.783 triệu đồng vượt so với tỉ lệ quy định của dự án. Nếu thực hiện phân bổ theo tổng mức đầu tư của dự án đang thực hiện thì chi phí quản lý dự án tuyến Metro số 1 vượt giá trị được hưởng theo quy định là 117.884 triệu đồng.
Theo báo cáo của MAUR ngày 10/6/2020 gửi UBND TPHCM, từ tháng 4/2014 đến tháng 12/2019, MAUR đã tạm ứng từ ngân sách TP HCM với số tiền hơn 235 tỷ đồng để chi trả lương, thu nhập tăng thêm. Như vậy, theo Nghị định của Chính phủ và Thông tư của Bộ Xây dựng thì MAUR chi cho chi phí quản lý dự án Metro số 1 vượt 2,1 lần so với quy định.
Ngày 27/8/2020, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã ký văn bản gửi Sở Nội vụ, Sở Tài chính, MAUR, nêu rõ: “Phần khai chi phí quản lý dự án theo quy định đối với từng dự án, lập dự toán thu chi quản lý dự án hàng năm, quyết toán chi phí hoạt động hàng năm.
Làm rõ phạm vi công việc quản lý dự án của Ban Quản lý đường sắt đô thị và nội dung tại các hợp đồng dịch vụ tư vấn, EPC… để làm rõ chi phí quản lý dự án tương ứng, tránh trùng lắp công việc và chi phí trong quá trình tổ chức lập dự toán xây dựng công trình (bao gồm chi phí quản lý dự án).
Giao cho Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Ban Quản lý đường sắt đô thị lập dự toán thu chi quản lý dự án hànng năm, quyết toán chi phí hàng năm”.
Metro số 1 là dự án trọng điểm của quốc gia, do vậy trong quá trình thực hiện, UBND TPHCM tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành chuyên môn rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố kỹ thuật khi nhận định, đồng thời rà soát các hợp đồng, các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng dự án để tránh hệ lụy khó lường có thể xảy ra.