Xã hội

Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Dừng lại hay tiếp tục?

Nhóm PV 16/08/2023 09:17

Tọa đàm trực tuyến “Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Dừng lại hay tiếp tục?” được tổ chức vào 9h30 ngày 16/8/2023; tường thuật trực tiếp trên Báo điện tử Đại Đoàn Kết (daidoanket.vn).

Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (viết tắt là Dự án) do Công ty CP sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 14.500 tỷ đồng. Dự án kỳ vọng sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2009, Dự án triển khai rầm rộ để thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ. 2 năm sau, Dự án tạm dừng, chủ đầu tư thu về được 3.000 tấn quặng.

Đến nay, sau 12 năm tạm dừng, Dự án nghìn tỷ chỉ còn... đống hoang tàn. Mùa mưa, hàng nghìn hécta đất sản xuất ngập trong nước lũ, đồng ruộng sình lầy, xói lở. Mùa nắng, đồng khô, cỏ cháy, cát bụi mù mịt. Nguồn nước nhiễm phèn, tụt nước ngầm. Đất ở không được cấp; tài sản đã kiểm đếm nhưng không được đền bù; lao động không có việc làm; hạ tầng không được đầu tư xây dựng… Đó là hàng loạt hệ lụy từ Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê đeo đẳng người dân của 5 xã bãi ngang huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) nhiều năm qua.

Trước thực trạng trên, báo Đại Đoàn Kết đã tổ chức loạt 5 bài có tên "Đã đến lúc chấm dứt Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á?", nhằm phản ánh về thực trạng của mỏ sắt Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê. Loạt bài đã nhận được sự đồng tình, ghi nhận cũng như nhiều ý kiến gợi mở, phân tích của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, nhà khoa học và người dân địa phương.

Để tiếp nối mạch thông tin của loạt bài nêu trên, báo Đại Đoàn Kết tổ chức toạ đàm với chủ đề: Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Dừng lại hay tiếp tục?

Tọa đàm diễn ra dưới sự chủ trì của Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết Lê Anh Đạt.

Với sự tham gia của các khách mời: PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam; PGS.TS Trần Bỉnh Chư - Tổng hội Địa chất Việt Nam; ông Trần Thanh Bình - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn phản biện Kinh tế - Xã hội, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh; ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh); ông Nguyễn Hải Lý - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh); ông Nguyễn Quang Luân - người dân thôn Bắc Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh và TS Phạm Lê Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long (đại diện chủ đầu tư Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê).

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết cho biết, sau quá trình tìm hiểu, ghi nhận đa chiều xung quanh Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (ở 5 xã bãi ngang huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), nhóm PV Báo Đại Đoàn Kết đã thực hiện loạt bài 5 kỳ với chủ đề “Đã đến lúc chấm dứt Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á?”. Loạt bài đăng tải từ ngày 3 đến ngày 7/8/2023.

Loạt bài phản ánh tình trạng hoang tàn của một Dự án lớn, vượt qua tầm quốc gia - Dự án ở mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Mỏ sắt này đã thu hút rất nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đến từ các nước như Nga, Đức, Nhật Bản, Úc, Mỹ… đến tìm hiểu, thăm dò, nghiên cứu. Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh hơn 14.500 tỷ đồng, Chủ đầu tư là Công ty CP Sắt Thạch Khê, ban đầu có 9 cổ đông góp vốn, sau đó chỉ còn lại 5 cổ đông gồm: Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco), Tổng công ty Thép Việt Nam, Công ty TNHH sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (Bitexco) và Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long.

Như chúng ta đã biết, Dự án được phê duyệt vào năm 2008, bắt đầu khai thác, bóc đất tầng phủ, thử nghiệm công nghệ năm 2009. Do còn nhiều bất cập, 2 năm sau (2011), Chính phủ yêu cầu tạm dừng hoạt động Dự án. Đến nay, Dự án đã “treo” suốt 12 năm, để lại nhiều hệ lụy cho người dân vùng Dự án ở 5 xã bãi ngang huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Không những vậy còn tác động rất lớn đến toàn bộ tình hình kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh trật tự, thương mại, du lịch của tỉnh Hà Tĩnh.

Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết phát biểu khai mạc Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Loạt bài 5 kỳ của Báo Đại Đoàn Kết cũng ghi nhận ý kiến phản biện của một số nhà khoa học, bộ, ngành, cơ quan chức năng về báo cáo tiền khả thi, báo cáo kinh tế - kỹ thuật của Dự án và đánh giá tác động của Dự án đến đời sống người dân. Loạt bài cũng ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Tĩnh, gợi mở định hướng phát triển của Hà Tĩnh nếu nhà chức trách quyết định chấm dứt Dự án.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ 5 bài báo không thể chuyển tải hết những vấn đề đặt ra xung quanh Dự án ở mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á. Vì vậy, hôm nay, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Dừng lại hay tiếp tục?”, với sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu có nghiên cứu sâu về Dự án, có đại diện Chủ đầu tư và đại diện cấp ủy, chính quyền, người dân bị ảnh hưởng trực tiếp từ Dự án.

Trên con đường phục vụ bạn đọc, chúng tôi luôn cố gắng để chuyển tới bạn đọc thông điệp chính xác, khách quan nhất. Tọa đàm, trực tuyến, trực tiếp là một phương cách thông tin để đạt được sự khách quan, chính xác một cách hiệu quả nhất. Hôm nay, trước hàng triệu bạn đọc, có đầy đủ những người đại diện liên quan và thậm chí có những người duyên nợ rất sâu nặng với dự án này, chúng tôi với tư cách là cơ quan tổ chức, mong muốn các vị khách mời thẳng thắn, khách quan, thảo luận, thậm chí tranh luận vì mục tiêu chung, để bạn đọc được tiếp nhận thông tin trực tiếp, tự cảm nhận, tự đưa ra những nhận định, kết luận của mình về vấn đề này sau khi đã được cung cấp thông tin đầy đủ, toàn diện. Cũng trên tinh thần đó, chúng tôi mong muốn các nhà quản lý có thêm một kênh thông tin để quyết định chính xác, hợp lòng dân trước một vấn đề hệ trọng mang tầm tầm quốc gia, quốc tế.

Nhà báo Công Khanh: Câu hỏi đầu tiên của buổi tọa đàm xin được dành cho TS. Phạm Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Khai thác khoáng sản Thăng Long. Thành viên sáng lập, thành viên HĐQT Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê, đại diện doanh nghiệp tư nhân duy nhất tham gia Dự án.

Thưa ông, hiện nay dư luận đang có hai luồng ý kiến trái chiều nhau, một luồng cho rằng nên tiếp tục Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, luồng còn lại cho rằng nên dừng Dự án. Xin TS cho biết ý kiến của mình dưới góc độ là chủ đầu tư của Dự án.

Tiến sỹ Phạm Lê Hùng. Ảnh: Quang Vinh.

Tiến sỹ Phạm Lê Hùng: Trước hết khai thác mỏ sắt Thạch Khê để đưa vào luyện kim, nhưng thực tế quá phức tạp. Trải qua gần 60 năm nghiên cứu thì năm 2007 mới đủ điều kiện đưa vào khai thác. Vậy nên, kết luận số 72 của Bộ Chính trị đã nêu rất rõ rằng, về dự án sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh giao cho công ty sắt Thạch Khê, trong đó Tập đoàn Than khoáng sản làm chủ đầu tư để triển khai.

Tiếp theo, do nhiều lý do khác nhau mãi đến năm 2016 mọi thứ hoàn thiện bắt đầu triển khai, Thủ tướng Chính phủ có văn bản gửi các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, UBND tỉnh Hà Tĩnh với nội dung khẩn trương hoàn thành thủ tục, bảo đảm hoàn thành triển khai mỏ sắt Thạch Khê vào quý I/2017.

Ngoài ra, gần đây nhất, Bộ Chính trị cũng có ý kiến đánh giá toàn diện mỏ sắt Thạch Khê, hoàn thành khai thác trước năm 2030. Như vậy về pháp lý dự án thì chưa có văn bản chỉ đạo nào bảo dừng cả. Tôi cũng xin nói thêm, một dự án chỉ dừng triển khai khi xảy ra hai điều. Thứ nhất, chủ đầu tư xin dừng dự án. Thứ hai, trong quá trình triển khai dự án vi phạm nghiệm trọng quy định pháp luật. Ở đây, hai điều nói trên không xảy ra nên tôi cho rằng, không có lý do gì để dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê.

Nhà báo Công Khanh trao đổi với các vị khách mời tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà báo Công Khanh:Kính thưa PGS-TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, cá nhân PGS-TS từng nghiên cứu sâu về Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê, đồng thời Hội Kinh tế môi trường Việt Nam đã có các cuộc hội thảo khoa học, công trình nghiên cứu về Dự án này, qua đó rút ra nhiều nội dung còn thiếu sót của Dự án và đề xuất, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét tổng thể Dự án. Thông qua diễn đàn này, kính mong PGS-TS chia sẻ những vấn đề mà Chủ đầu tư Dự án phải lưu ý, đặc biệt là vấn đề về môi trường?

PGS.TS Lưu Đức Hải. Ảnh: Quang Vinh.

PGS.TS Lê Đức Hải: Với danh nghĩa Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam và tôi cũng xin giới thiệu tôi tốt nghiệp ngành Địa chất năm 1976. Như vậy, cho đến bây giờ là 47 năm tôi làm việc trong lĩnh vực này. Tôi cũng là một trong những người đầu tiên đào tạo hàng vạn cán bộ môi trường của Việt Nam. Cho nên, tôi có đủ điều kiện để vừa đánh giá về địa chất vừa đánh giá về môi trường.

Trước hết, tôi nói rõ rằng, chúng ta cần có cái nhìn tổng quan rằng, mỏ sắt Thạch Khê là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nhưng nếu nhìn chung so với tổng thể các mỏ sắt trên thế giới đã được thăm dò thì mỏ sắt này chỉ chiếm có 0,8%. Chúng ta phải khẳng định điều này để có cái nhìn khách quan.

Khai thác hay không? Câu hỏi này liên quan tới nhiều vấn đề. Tôi lấy ví dụ, chúng ta có khai thác, nếu như giá thành khai thác rẻ hơn chúng ta đi mua. Hiện nay kinh tế thị trường và toàn cầu hoá nếu chúng ta mua được thì có khai thác hay không?

Như chúng ta trồng rau mà giá 50 nghìn/kg mà giá chúng ta mua giá tốt là 35 nghìn thì chúng ta trồng rau làm gì?

Cho nên việc dừng hay không dừng thì trong Hội Kinh tế môi trường Việt Nam đã có quan điểm rõ ràng chưa đủ cơ sở khoa học để tiếp tục và nếu không đủ cơ sở khoa học để tiếp tục thì phải dừng. Còn nếu như Công ty CP Sắt Thạch Khê đủ cung cấp, đủ cơ sở khoa học để đánh giá thì tôi nghĩ rằng việc khai thác sẽ tiếp tục.

Trong trường hợp không đủ cơ sở khoa học, ở đây tôi xin đưa ra một số tính toán, phân tích chi phí lợi ích như sau để thấy có lợi hay không lợi? Sắt khai thác có rẻ hơn sắt đi mua hay không? Đó là điều quan trọng trong thời đại kinh tế thị trường hiện nay chứ chúng ta đừng nói mỏ sắt to chúng ta khai thác. Tôi xin nói, mỏ than Đồng bằng Bắc Bộ theo ước tính là 200 tỷ tấn, nhưng các nhà địa chất cho rằng không nên khai thác vì khai thác thì giá thành sẽ rất cao và để lại hậu quả môi trường vô cùng lớn. Nhưng có những thứ chúng ta nên khai thác… Chỉ có giải quyết vấn đề về môi trường là quan trọng nhất.

Nhà báo Công Khanh:Thưa PGS.TS Lưu Đức Hải, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm, đó là nếu Dự án tiếp tục khai thác sẽ phải đổ thải lấn biển trên diện tích hơn 900 ha, việc đổ thải lấn biển này sẽ tác động như thế nào đến môi trường biển, thưa ông?

PGS.TS Lê Đức Hải. Ảnh: Quang Vinh.

PGS.TS Lê Đức Hải: Tôi xin nói rằng, có lẽ ai đã từng xuống Bãi Cháy (Quảng Ninh) chúng ta thấy rõ, để giải quyết vấn đề xói lở bờ biển thì họ xây mỏ hàn có 50 m ra khỏi bờ biển để cho dòng chảy ấy không mang bùn cát vào biển.

Như vậy việc đổ thải ở đây hơn 900 ha mà đổ cách bờ khoảng 3km, thì hiện nay bờ biển Hà Tĩnh đang bằng phẳng giờ tạo ra mỏ hàn cực lớn thì điều gì sẽ xảy ra.

Trước hết, dòng bùn cát dọc bờ sẽ thay đổi mà dòng bùn cát ảnh hưởng trực tiếp tới hệ sinh thái biển. Nó có thể tạo ra vùng bồi và vùng lở với bờ biển. Đấy là còn chưa nói tới việc đổ thải có thể tạo ra các chất ô nhiễm như các kim loại nặng nằm trong đất đá thải hay tạo ra SO4 có thể gây ra thay đổi môi trường nước biển. Như vậy, chắc chắn rằng sự toàn vẹn của sinh thái biển sẽ hoàn toàn thay đổi. Điều này chúng tôi đã có một bài viết, tôi chỉ nói tóm tắt quan vài ý quan trọng trên.

PGS.TS Trần Bình Chư. Ảnh: Quang Vinh.

PGS.TS Trần Bình Chư – Tổng hội địa chất Việt Nam: Đây là mỏ quặng sắt độc nhất vô nhị trên thế giới nằm ở dưới trầm tích mở rộng, sát mực nước biển mà trên thế giới không một nước nào có. Nga, Ukraina, Brazil, Úc và nhiều nước khác khai thác hàng trăm triệu tấn quặng sắt/ năm nhưng mà trên nền đá vững bền. Ở Việt Nam, mỏ quặng dưới nền trầm tích mở rời, dưới cùng là đá vôi, đá granit... trao đổi thay thế với nhau, có nghĩa là có khe nứt, có lỗ hổng...

Như vậy thân quặng rất phức tạp. Ta tưởng tượng giống như một con sứa, nếu khoan đúng gân sứa thì sẽ phải vào sâu hàng 700 m và lớn hơn... Với mức khoan của ta ở độ sâu 100 m thì làm sao đầy đủ được. Độ sâu thân quặng ở phía Bắc khoảng 14 m, sâu kịch là 706 m. Và tôi là người trực tiếp làm luận án tiến sĩ, tôi đã đọc báo cáo thăm dò chi tiết tổng kết năm 1985 của Liên đoàn Granit, người ta nói, nếu khai thác mỏ này phải báo cáo kinh tế kỹ thuật, tương đương với nghiên cứu tính khả thi, điều kiện địa chất thủy văn bổ sung công trình, và phải lập mô hình lập thể về thân quặng của hang động caster nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn, nguy cơ nước biển, nước sông xâm nhập...

Theo thông số độ sâu cứ xuống 100 m là nhiệt độ tăng 3 độ C, ở dưới mỏ quặng có axit sẽ ăn mòn thiết bị của chúng ta. Tôi đã từng nói, cứ xuống mỗi độ sâu 20 m - 50 m - 100 m chúng ta đều phải xây tường vây để bảo vệ, nếu không có tường bảo vệ thì làm sao mà khai thác được. Với tất cả những đánh giá đó, tôi khẳng định, đây là mỏ quặng duy nhất trên thế giới cực kỳ phức tạp.

Về mỏ quặng này, ta đã có đánh giá từ 1985, nhưng bây giờ là 30 - 40 năm sau rồi, mà vẫn bê nguyên những đánh giá của thời đó để vào khai thác là không ổn. Các tập đoàn, doanh nghiệp tham gia vào nhưng đã đánh giá, nghiên cứu tổng thể, kỹ lưỡng những ảnh hưởng khi khai thác chưa? Đó còn chưa nói mối liên kết giữa nước bề mặt, nước ngầm, nước biển mà chúng ta nghiên cứu chưa đầy đủ...

Nhà báo Công Khanh:Thưa TS. Phạm Lê Hùng, như các nhà khoa học đã phân tích, Dự án vẫn còn nhiều thiếu sót cần phải bổ cứu. Kế hoạch sắp tới của Chủ đầu tư đối với Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê như thế nào, thưa ông?

TS Phạm Lê Hùng. Ảnh: Quang Vinh.

TS Phạm Lê Hùng: Nếu được triển khai thì chúng tôi triển khai nhanh, tôi đặt câu hỏi, công nghệ như thế nào là phù hợp?. Tôi đã đến thăm Ấn Độ, Trung Quốc, Australia và thấy rằng, khu mỏ này thừa sức để làm. So với các nước phát triển khác thì hiện nay, công nghệ khai thác của TKV đã rất phát triển.

Nói về môi trường, cơ sở thực tiễn có thể thấy, mỏ sắt Thạch Khê trải qua 60 năm nghiên cứu, đã khoan 65 nghìn mũi, xét nghiệm 16.500 mẫu đất đá, quặng, khoáng vật, tất cả đều trong ngưỡng cho phép. Có nghĩa là trong mỏ này không chứa vật phẩm gây hại, chỉ đào đất lên, lấy quặng ra rửa sạch, nghiền, tuyển. Vì vậy, thảm hoạ môi trường không thể xảy ra.

Nhìn sang tính vấn đề khoa học của dự án, để dự án đi vào khai thác thì chúng tôi bảo vệ được đề án đánh giá tác động môi trường. Hội đồng bảo vệ đánh giá tác động môi trường gồm các nhà khoa học uy tín. Còn, hội đồng thiết kế kỹ thuật, có 25 nhà khoa học đầu ngành, cộng 10 người thư ký trợ giúp. Vậy nên, kết luận đánh giá tác động môi trường, tác động kỹ thuật đã được Nhà nước thông qua. Như vậy tính khoa học quá chắc chắn. Quan ngại của Hà Tĩnh là nước thải, chúng tôi có 3 hồ thì hồ cuối cùng có thể xả ra môi trường mà không gây ô nhiễm. Còn lấn biển thì, chúng tôi lấn biển nhưng đâu có đổ thải ra biển.

Nhà báo Công Khanh và các khách mời tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà báo Công Khanh:Đến với toạ đàm hôm nay chúng tôi còn mời tới đại diện chính quyền và người dân của huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, để có thể lắng nghe những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của họ.

Trước khi bước sang phần trao đổi với đại diện chính quyền và nhân dân huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh), xin quý vị cùng xem clip mà phóng viên báo Đại Đoàn Kết ghi nhận được để có thể hiểu hơn thực trạng tại địa phương, nơi có dự án mỏ sắt treo hơn chục năm nay.

Nhà báo Công Khanh:Kính thưa quý vị, Ban Tổ chức đã mời ông Nguyễn Quang Luân - người dân thôn Bắc Hải, xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh tới dự buổi tọa đàm với chủ đề Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Dừng lại hay tiếp tục?

Là hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, ông có thể chia sẻ những khó khăn của gia đình ông cũng như người dân địa phương đã phải gánh chịu trong thời gian thực hiện và tạm dừng Dự án?

Ông Nguyễn Quang Luân. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Nguyễn Quang Luân: Với dự án này, việc tiếp tục hay tạm dừng là ý kiến của các nhà khoa học, các cấp Nhà nước, Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, chúng tôi là người dân trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi dự án này. Riêng tại thôn Bắc Hải, trên 1 thập kỉ qua, người dân thôn gặp phải vô vàn khó khăn, từ đất ở, nguồn nước, kinh tế hạ tầng, đến giao thông,…

Về đất sản xuất phát triển kinh tế, riêng thôn tôi có trên 20 ha nằm trên đất 2 vụ, hiện nay bị sạt lở, đất bùn,... nhân dân không thể sản xuất phát triển kinh tế.

Về đất ở, hiện tại ở địa bàn thôn có trên 100 hộ gia đình mong muốn cung cấp đất ở cho nguời dân. Có nhiều hộ gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống, do vậy sinh hoạt hàng ngày vô cùng khó khăn, bất cập. Đến mức, có những cặp vợ chồng phải bỏ nhà ra đi.

Về hạ tầng giao thông, từ đường liên xã đến đường giao thông nông thôn đều xuống cấp. Người dân đã nhiều lần phản ánh đến cấp xã, cấp huyện nói lên những khó khăn, nhưng cũng chỉ được những câu chia sẻ, rồi hứa đề xuất kiến nghị với tỉnh. Đến tận bây giờ vẫn chưa có hồi kết, chưa có sự hỗ trợ nào đến địa phương.

Để tiếp tục khai thác mỏ sắt này, tôi tin rằng, đời sống người dân chúng tôi sẽ tiếp tục gặp vô vàn khó khăn, thậm chí khó khăn hơn nữa.

Đại diện người dân thôn Bắc Hải, chúng tôi mong muốn sớm có phương án giải quyết để chúng tôi ổn định cuộc sống. Tốt nhất là dừng hẳn hoạt động của dự án. Nếu dừng lại thì sau khi dừng, chúng tôi đề nghị hoàn trả lại mặt bằng, tạo công ăn việc làm cho người dân tiếp tục phát triển kinh tế.

Nhà báo Công Khanh: Thưa ông Nguyễn Hải Lý - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), xã Thạch Hải là địa phương chịu nặng nề nhất của Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê. Xin ông chia sẻ hệ lụy của Dự án đã ảnh hưởng đến địa phương và trực tiếp là người dân như thế nào? Nguyện vọng của Đảng bộ và Nhân dân xã Thạch Hải đối với Dự án lúc này ra sao?

Ông Nguyễn Hải Lý. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Nguyễn Hải Lý: Kính thưa Quý vị đại biểu, Thạch Hải là 1 trong 5 xã chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Mỏ sắt được đánh giá lớn nhất Đông Nam Á.

Năm 2007, ngay khi có chủ trương thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê thì Đảng bộ và nhân dân chúng tôi hết sức đồng tình với chủ trương của Đảng và nhà nước, tiến hành nhường đất đai tài sản để thực hiện dự án một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên dự án đi vào hoạt động khai thác thì không được như mong muốn ban đầu và đã để lại nhiều hệ lụy đối với đời sống người dân các xã trong vùng mỏ trong đó có xã Thạch Hải chúng tôi.

Hệ lụy thứ nhất đó là: Toàn bộ khối lượng bùn đất của bãi thải mỏ sắt đã sụt lún san lấp hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp, mồ mả, hoa màu cây cối bị vùi lấp dưới chân bãi thải, bà con nhân dân di dời khẩn cấp 1500 ngôi mộ ra khỏi khu vực bãi thải, nhiều ngôi mộ không được tìm thấy.

Thứ 2: Nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Do địa phương không có nguồn nước máy mà sử dụng nguồn nước sinh hoạt ăn uống từ giếng khoan, khi khai thác xuống độ sâu 20-30 m thì bị tụt nguồn nước ngầm, do đó người dân phải khoan lại giếng sâu xuống 15m bị nhiễm phèn, nhiễm sắt rất nặng. Đất sản xuất bị khô cằn thiếu nước, phải bỏ hoang hóa.

Thứ 3: Đất ở của người dân không được cấp đến nay có 228 hộ gia đình có từ 3-4 thế hệ ở trong một nhà nhu cầu các hộ cần được cấp đất để tách hộ, có gia đình 15 người sống trong nhà cấp 4 đời sống rất là khó khăn thiếu thốn.

Thứ 4: cơ sở hạ tầng của địa phương không được đầu tư đồng đồng bộ, đặc biệt hệ thống đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng. Trung tâm hành chính của xã không được đầu tư, cán bộ công chức đang làm việc tạm bợ trong các dãy nhà cấp 4, ẩm thấp.

Thứ 5: Nhân dân không có việc làm, phải đi tìm kiếm việc làm khắp nơi, thu nhập không ổn định, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện 5,13%. Con em học hành không đến nơi đến chốn, thiếu người chăm sóc do bố mẹ phải đi làm ăn.

Tư tưởng của cán bộ đảng viên và nhân dân hiện nay thiếu an tâm, việc dự án kéo dài nhiều năm đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý người dân và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Về nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân rất mong muốn trong điều kiện hiện nay dự án chưa có lộ trình cụ thể, gây quá nhiều hệ lụy cho người dân, mong muốn được Đảng và nhà nước cùng các cơ quan chức năng sớm cho chấm dứt dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê để địa phương ổn định phát triển kinh tế xã hội, khai thác tiềm năng phát triển du lịch biển.

Nhà báo Công Khanh. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà báo Công Khanh: Xin thưa, ông Trần Thanh Bình - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn phản biện Kinh tế - Xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, ông nguyên là Bí thư Huyện ủy ở vùng mỏ, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh và hiện nay là Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn phản biện Kinh tế - Xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, ông thấu hiểu những hệ lụy của Dự án để lại đối với bà con nhân dân vùng mỏ. Ông có ý kiến như thế nào trước câu hỏi: Nên tiếp tục hay chấm dứt Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á?

Ông Trần Thanh Bình. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Trần Thanh Bình: Bãi ngang Thạch Hà là vùng đất có tiềm năng, lợi thế về biển và khai khoáng, với dân số gần 4,5 vạn người, nhưng địa hình bị chia cắt, đất nhiễm mặn bạc màu, nguồn nước thủy lợi không ổn định, sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên nên đời sống và việc làm của dân vô cùng khó khăn, hàng ngàn người phải phiêu bạt mưu sinh trên mọi miền đất nước. Khi dự án triển khai, cơ sở và người dân rất hồ hởi phấn khởi, hi vọng sẽ đổi đời ở vùng đất mà người dân tự nhận mình là “dân tộc biển”.

Nhưng rồi niềm vui chưa đến mà những hệ lụy của việc triển khai dự án chất cao như núi do việc lập dự án chưa đảm bảo đúng lộ trình và các căn cứ khoa học, đặc biệt là chưa khoan thăm dò nước ngầm và hang caster như khuyến cáo của các chuyên gia nước ngoài, những hiểm họa về môi trường đã diễn ra hàng ngày, năng lực tài chính của nhà đầu tư không đảm bảo.

Chính vì thế nên khi còn làm việc, với trách nhiệm là Bí thư Huyện ủy ở vùng mỏ và Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh, là người đã gắn bó, theo dõi suốt quá trình triển khai dự án, tôi đã nhiều lần kiến nghị về quy trình lập dự án và khai thác mỏ, đồng thời đã có bài viết đăng trên Thời báo kinh tế Việt Nam, ngày11/6/2011 và bài đăng 3 kỳ trên Báo Tiền phong, ngày 27 đến 29/10/2022 đã phân tích và làm rõ chính kiến của bản thân. Tôi nghĩ dự án này chẳng khác nào “đứa con đẻ non”, thiếu tháng thiếu ngày. Tôi đề nghị nên dừng hẳn việc thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Nhà báo Công Khanh:Thưa ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh), Huyện Thạch Hà có rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, thương mại - du lịch. Ông có thể nêu những lợi thế đó cho độc giả cùng biết và nếu chấm dứt Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê, địa phương sẽ có định hướng phát triển như thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Khoa. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Nguyễn Văn Khoa: Thạch Hà là huyện bao quanh thành phố Hà Tĩnh với diện tích tự nhiên là 35.391 ha; địa hình chia thành 3 vùng: Đồng bằng (Bắc Hà), bán sơn địa (Tây Nam), ven biển (Biển Ngang). Có hệ thống giao thông thuận lợi với 73,1 km đường Quốc lộ qua địa bàn (gồm: 1A, 1A đoạn tránh thành phố Hà Tĩnh, 15B, 8C); 61,3 km đường huyện; 57,33 km đường liên xã; cùng khoảng 18,27 km tuyến chính và 8,62 km tuyến nhánh đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông đang triển khai xây dựng. Hệ thống sông ngòi khá dày đặc với các tuyến sông chính gồm sông Cày, sông Nghèn, sông Rào Cái, sông Vách Nam và 21 hồ đập lớn, nhỏ.

Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gồm: Vùng Bắc Hà quy hoạch “Khu Công nghiệp và Khu đô thị, dịch vụ VSIP” với quy mô 603 ha và Cụm Công nghiệp Phù Việt với quy mô 39,52 ha; Vùng Tây Nam quy hoạch “Khu thương mại - dịch vụ - du lịch và thể thao phía Tây Nam huyện Thạch Hà” quy mô 220 ha và Khu công nghiệp phía Tây thành phố Hà Tĩnh với quy mô 200 ha, Cụm Công nghiệp Tân Lâm Hương với quy mô 75 ha; Vùng Biển Ngang quy hoạch Khu du lịch biển Văn Trị với quy mô hơn 152 ha, Khu du lịch biển Thạch Hội với quy mô hơn 220 ha và cụm công nghiệp Thạch Khê với quy mô 75 ha. Trên địa bàn huyện có nhiều di tích lịch sử văn hóa với 110 di tích đã được xếp hạng (trong đó có 7 di tích lịch sử cấp quốc gia) và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng.

Hệ thống bãi biển hoang sơ có chiều dài hơn 20 km với nhiều bãi tắm đẹp (Thạch Hải, Thạch Hội, Thạch Trị, Thạch Văn) là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển du lịch biển.

Có tuyến đường QL15B ven biển đi qua giúp kết nối với các địa phương trên tuyến gồm: huyện Nghi Xuân, huyện Lộc Hà, huyện Thạch Hà, huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh.

Có vị trí địa lý cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh khoảng 8km rất thuận tiện cho du khách dừng chân tại Thành phố và di chuyển về các xã Biển Ngang để sử dụng các dịch vụ du lịch biển và du lịch tâm linh.

Hệ thống di tích lịch sử văn hóa phân bố khá dày đặc, có gần 44 di tích được xếp hạng (trong đó có 3 di tích cấp Quốc gia) ; nổi bật là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi, Chùa Quỳnh Viên - nơi phát tích đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.

Sau khi chấm dứt Dự án khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê, huyện Thạch Hà sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng của các xã chịu ảnh hưởng của Dự án cùng với những tiềm năng, lợi thế hiện có để đề xuất tỉnh điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch có liên quan theo hướng phát triển kinh tế biển, thương mại - dịch vụ và du lịch trong vùng (bao gồm Du lịch biển và Du lịch tâm linh); tập trung vào các giải pháp:

Ông Nguyễn Văn Khoa. Ảnh: Quang Vinh.

Lập quy hoạch các phân khu chức năng dọc tuyến bờ biển (Du lịch biển: xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, thể thao,...) kết nối với Khu du lịch biển Xuân Thành (Nghi Xuân); khu du lịch biển Lộc Hà; khu dịch vụ và du lịch biển Văn - Trị, khu du lịch biển Thạch Hội (Thạch Hà); Khu du lịch biển Cẩm Dương, Cẩm Hòa, khu du lịch biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên); khu du lịch biển Kỳ Xuân, Kỳ Ninh và Khu du lịch biển Kỳ Nam (Đèo Con) nhằm khai thác lợi thế của tuyến đường ven biển đã được đầu tư hoàn thành và kết nối với các tỉnh Nghệ An (Biển Cửa Lò), Quảng Bình (Biển Nhật Lệ, hệ thống hang động,...) để kêu gọi, xúc tiến, thu hút các Nhà đầu tư.

Phát triển các làng nghề truyền thống có lợi thế trên địa bàn (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, sản xuất và chế biến các sản phẩm từ hải sản,…). Đẩy mạnh phát triển kinh tế từ nuôi trồng thủy sản theo hướng áp dụng công nghệ cao, nuôi thâm canh nhất là nuôi Tôm; quy hoạch, kêu gọi và đầu tư xây dựng khu chế biến thủy hải sản; phát triển rau quả hữu cơ trên cát.

Xây dựng các tour (tua) tuyến du lịch tại các xã Biển Ngang kết nối với các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh; có thể kể đến, về phía Bắc có Đền Hoàng Mười và Khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du (huyện Nghi Xuân), về phía Nam có Đền thờ Chế Thắng Phu Nhân Nguyễn Thị Bích Châu (thị xã Kỳ Anh).

Việc phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch sẽ đáp ứng nhu cầu cho Nhân dân trên địa bàn, du khách thập phương và đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý, công nhân “tại Khu Kinh tế Vũng Áng (cách vùng Biển Ngang khoảng 85 km), Khu Công nghiệp Bắc Hà (khoảng 20 km), Khu Thương mại - Dich vụ - du lịch và thể thao Tây Nam huyện Thạch Hà (khoảng 25 km) và các Khu, cụm công nghiệp, thương mại - dịch vụ khác trên địa bàn tỉnh”; đồng thời, giúp tạo sinh kế ổn định, lâu dài cho bà con nhân dân.

Nhà báo Công Khanh: Thưa ông Trần Thanh Bình, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn phản biện về kinh tế - xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, với tư cách là Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Kinh tế - Xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, ông suy nghĩ như thế nào về kiến nghị chấm dứt Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê của tỉnh Hà Tĩnh?

Ông Trần Thanh Bình. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Trần Thanh Bình: Tôi rất đồng tình về kiến nghị của tỉnh với Trung ương “chấm dứt dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê”. Đây không chỉ là quan điểm của lãnh đạo địa phương, mà chính là chính kiến của một số nhà khoa học, nhà quản lý mà tôi được tiếp cận, là ý nguyện của người dân và các cơ sở trong vùng mỏ. Tôi nghĩ rằng, việc tiếp tục hay dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê phải trên cơ sở khoa học, đúng lộ trình và đảm bảo sự phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế, văn hóa và bảo vệ môi trường.

Vì sao ư? về cơ sở khoa học, tại sao chưa tiến hành khoan thăm dò địa chất về nước ngầm và thăm dò caster theo khuyến cáo nhiều lần của các chuyên gia nước ngoài đã lập dự án tiền khả thi và dự án khả thi? Đến cuối năm 2011 vẫn chưa thiết kế kỹ thuật và chưa xác định rõ việc khai thác, chế biến, thị trường tiêu thụ đã triển khai bóc đất tầng phủ?

Thời gian tồn tại của mỏ là 52 năm. Những yếu tố tác động về môi trường không thể xem thường, vì vỉa mỏ chỉ cách mép nước biển 300m, cách Trung tâm thành phố 5,5 km, cách sông Ngàn Mọ hơn 2 km. Khai thác quặng ở độ sâu -550m, kéo dài hơn 5 thập kỷ trong điều kiện khí hậu trái đất biến đổi thất thường, lũ lụt, sóng thần...Liệu có đảm bảo an toàn? Một thực tế minh chứng là trận lũ lụt năm 1989 đã cuốn trôi hơn 10 km tuyến đê Hữu Phủ nằm ở phía Tây khu mỏ đi qua 5 xã Bàn, Đỉnh, Khê, Lạc, Tượng Sơn là một minh chứng không thể xem thường. Mỏ khai thác đến độ sâu -550m, đất đổ thành những ngọn núi cao gần 100 m thì sa mạc hóa là điều đã trông thấy, không chỉ dừng lại ở các xã trong khu mỏ mà sẽ ảnh hưởng đến Thành phố Hà Tĩnh và 3 huyện Thạch Hà, Lộc Hà, Cẩm Xuyên.

Công ty đã bóc 12,7 tríệu m3 ở độ sâu -34 m và 3.000 tấn quặng sắt phát lộ ở độ sâu -8 m và -22 m, nhưng các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, bồi thường, tái định cư rất chậm, chất lượng công trình rất kém, một số công trình đã hoang phế. Có 3,7 vạn hộ, 13,5 vạn dân của 24 xã bị ảnh hưởng của khu mỏ. Trong đó, 5 xã với 7.000 hộ, 2,8 vạn dân của 5 xã chịu ảnh hưởng trực tiếp. Việc quy hoạch đổ cát lấn biến và quy hoạch bãi thải ở vùng Quỳnh Viên, phải di dời 500 hộ ở 2 thôn Bắc Hải và Nam Hải là không hợp lý.

Điều người dân và cơ sở rất bức xúc là dự án dang dở, tạm dừng nên địa phương không thể lập quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, hàng chục năm nay không có dự án đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc, đường giao thông, trong nhà 3-4 thế hệ nhưng không được cấp đất ở, tỷ lệ hộ nghèo tăng, các chỉ số phát triển tụt hậu hàng thập kỷ so với các địa phương khác.

Dẫu biết rằng, nguồn vốn đã chi để thực hiện dự án không nhỏ, nếu không có giải pháp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp và các hoạt động khác. Nhưng không thể vì thế mà đánh đổi cuộc sống của hơn 13 vạn dân trong vùng mỏ và sự phát triển bền vững của đất nước.

Đã 16 năm, kể từ ngày khởi công dự án, sau đó có quyết định tạm dừng, tôi nghĩ không khác gì sự “cấm vận”, đã để lại bao hệ lụy, khó khăn cho nhân dân ở miền quê nghèo khó. Người dân và cơ sở mòn mỏi mong chờ Đảng và Nhà nước sớm có những quyết sách đúng đắn và kịp thời vì cuộc sống của người dân và sự phát triển của địa phương.

Nhà báo Công Khanh: Tại tọa đàm này, để cung cấp thêm thông tin tới quý vị độc giả và quý vị khách mời, chúng tôi kính mời quý vị cùng đến với đầu cầu TP HCM để gặp gỡ Giáo sư - Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ, ông là người trực tiếp tham gia nghiên cứu và tiếp cận nhiều tài liệu về Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê từ những ngày đầu, khi chuyên gia Nga đến nghiên cứu đến nay.Hiện Giáo sư – Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ đang ở TP HCM và xin được kết nối với đầu cầu TP HCM.

Nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết. Ảnh: Quang Vinh.

Nhà báo Lê Anh Đạt: Ở đây có thể thấy có 2 quan điểm: Quan điểm của nhà đầu tư và quan điểm của nhà khoa học. Trong toạ đàm trực tuyến hôm nay, có rất nhiều bạn đọc và đại chúng chưa đủ những kiến thức khoa học chuyên sâu về địa chất và môi trường. Tôi mong rằng các nhà khoa học có thể phân tích, tranh luận và trả lời cho bạn đọc một số câu hỏi.

Thứ nhất, việc có thể xảy ra thảm hoạ môi trường hay không?

Thứ hai, về khoa học và công nghệ của nhà đầu tư đưa vào khai thác vừa qua đã đáp ứng chưa?

Thứ ba là tính pháp lí, nhà đầu tư đã thực hiện đúng hay chưa? Rất mong các nhà khoa học sẽ trao đổi, phân tích rõ.

PGS.TS Lưu Đức Hải: Tôi hiểu tâm lý nhà đầu tư rất muốn làm dự án. Trước hết tôi xin trao đổi vấn đề công nghệ hiện đã an toàn chưa? Tôi xin nói rằng, GS Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ đã chỉ rõ trong bài báo mà Báo Đại Đoàn Kết đã đăng trong loạt 5 bài viết, khi đánh giá để thẩm định dự án đấy, các hội đồng bị giấu nhiều thông tin và hội đồng cứ thế… đã qua. Chúng ta không nên truy vấn nhưng hội đồng trong trường hợp thiếu thông tin có thể dẫn tới kết luận sai lầm. Chúng ta đừng nghĩ các hội đồng quốc gia là an toàn.

Tôi chưa nói tới mức độ đánh giá nghiêm túc hay không nghiêm túc nhưng giấu thông tin thì hội đồng quốc gia cũng dẫn tới kết luận sai.

Thứ 2, liên quan tới công nghệ, trường hợp ở Bình Thuận mới khai thác cát có 20 m mà đã sạt cát chết 4 người, việc này báo chí đã đưa tin. Và chúng ta thấy, một bức tường nằm sát biển quanh là nước mà bức tường đó bằng đất sét với cát cao 120 m thì có chịu được ko, nếu sập sẽ thế nào?

Còn vấn đề công nghệ qua bể lọc lắng cơ học thì kim loại nặng lắng cơ học thế nào được. Mà theo báo cáo, có thời điểm khai thác 2 triệu m3/ngày đêm xử lý công nghệ bằng mấy hồ lắng với kim loại nặng sẽ không xử lý như vậy.

Ở hồ nước mà mới đây đoàn khảo sát của chúng tôi lấy mẫu đã công bố trước đó, kim loại nặng gây ra ô nhiễm, vượt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam. Mặt khác những kim loại nặng ở độ sâu có chứa Đồng, Kẽm, Chì,… những kim loại này sẽ gây ra ô nhiễm môi trường. Như vậy phải xử lý, một chuyên gia lâu năm về lĩnh vực môi trường đã tính toán rằng, nếu xử lý hàng tỷ đồng/ngày điện. Phân tích các lợi ích chi phí, liệu chừng ở đây

Chủ trương của Nhà nước là không hi sinh môi trường để đổi lấy phát triển kinh tế. Thế thì chúng ta phải tính toán tất cả lợi ích kinh tế và lợi ích về mặt môi trường. nếu như lợi ích không còn thì có khai thác hay không hay tính tới việc đi mua.

Vấn đề nữa tôi xin nói thêm là phải nói rõ các anh khai thác quặng sắt hay cát bởi theo báo cáo gần 300 triệu m3 cát nằm ở trên, thấp nhất tương đương 15 nghìn tỷ, chỉ cần khai thác số lượng cát đấy là đủ vốn đầu tư. Trong khi đó, cát không đưa vào hạch toán.

Tôi cho rằng bài toán phân tích lợi ích kinh tế với lợi ích môi trường với mỏ sắt Thạch Khê chúng tôi đòi hỏi cần làm rõ, minh bạch. Còn việc dừng hay không dừng khai thác cần có cơ sở khoa học. Nếu không bổ sung cơ sở khoa học thì chắc chắn việc này nên dừng.

PGS.TS Trần Bình Chư. Ảnh: Quang Vinh.

PGS.TS Trần Bình Chư: Với góc nhìn của nhà khoa học, tôi muốn nói rằng, nếu khai thác dự án, với độ sâu âm 600 – 700 m, một mũi khoan sâu như thế thì phải có biện pháp chống sập. Phải xây tường vây độ dày 3-5 m mới có thể chống được, điều này chúng ta có làm được không? Làm được thì mới khai thác. Cát, đất sét, đặc biệt thân quặng nằm dưới đá vôi, lỗ hổng khe nứt nếu không đánh giá đầy đủ lỡ xảy ra sự cố môi trường, sập hầm mỏ, nước tràn... thì ai sẽ chịu trách nhiệm, không nước nào khai thác kiểu như chúng ta. Mình chưa nghiên cứu đầy đủ thì hãy thận trọng.

Ông Phạm Lê Hùng. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Phạm Lê Hùng: Nhân danh chủ đầu tư, tôi gửi tới người dân Thạch Khê lời chia sẻ. Tuy nhiên tôi cũng phải nói lại rằng, hiện nay chúng tôi cũng rất khó khăn nuôi bộ máy, nên xin lỗi đồng bào không thể ủng hộ đồng bào thêm được.

Tôi nhớ lại, trước năm 2013 khi dự án được triển khai là làm ào ào, thuế nộp đầy đủ, nhưng năm 2013 sau khi có việc dừng cơ cấu lại cổ đông thì dự án mất thêm một thời gian. Rồi sau đó, năm 2016 khi có sự cố môi trường biển do Formosa gây ra thì Hà Tĩnh lại đề nghị dừng. Việc dự án tạm dừng thì chúng tôi cũng rất khó khăn, tôi nói thế này để các vị hiểu, hiện nay trong nhóm cổ đông chỉ có ½ người có thực lực không vay ngân hàng, còn lại nhiều người vay ngân hàng để làm dự án thì rất khó khăn. Việc triển khai dự án tiếp hay không tiếp, nếu được triển khai thì tôi hứa rằng nhân dân sẽ được tái định cư ngay. Nhưng nếu dừng thì ít nhất 3,5 năm nữa để giải quyết các vấn đề của dự án. Tôi cũng nghe bộ Tài chính nói rồi hiện nay không lấy đâu tiền. Nên dừng thì dân còn khổ nữa.

PGS.TS Lưu Đức Hải nêu ý kiến tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

PGS.TS Lưu Đức Hải: Vì anh Hùng có nói tới Hội đồng quốc gia, nên tôi xin nhắc lại, không phải lúc nào Hội đồng quốc qua cũng đúng tuyệt đối.

Hiện nay có những tập đoàn mua quặng, cả mỏ mà mỏ sắt Thạch Khê có 0,7% kẽm. Mà các công nghệ luyện thép thông thường chưa chấp nhận kể cả Formusa. Rõ ràng, quặng chứa kẽm chảy rất nhanh nhưng có thể khắc phục được bằng công nghệ nhưng bài toán kinh tế tôi đã nói nếu chúng ta tính tất cả chi phí việc khai thác đắt hơn đi mua. Thế nên chúng tôi đề nghị cung cấp thông tin như: nước ngầm, công trình chống sạt lở, không có công nghệ xử lý nước thải chứ kim loại nặng… để tính toán. Nếu tính đủ chi phí thì giá thành là bao nhiêu? Tôi nêu một ví dụ về một tập đoàn thép của Nhật đã thuê 1 công ty của Úc đánh giá lại công nghệ mà tôi có hồ sơ trong tay và kết luận rằng thông tin như mỏ sắt Thạch Khê không đủ khai thác và phải làm lại từ đầu.

Ông Nguyễn Văn Khoa. Ảnh: Quang Vinh.

Ông Nguyễn Văn Khoa: TS Phạm Lê Hùng có nói, Chủ đầu tư có trách nhiệm với cộng đồng, nhưng tôi xin thưa, 12 năm dừng Dự án, Công ty CP Sắt Thạch Khê bỏ qua trách nhiệm đối với đời sống của bà con nhân dân cũng như chính quyền địa phương. Cả người dân và chính quyền hết sức khổ sở trong sản xuất, sinh hoạt và điều hành cơ sở.

Khi người dân không được cấp đất ở, có những hộ có đến 15 người ở trong một ngôi nhà cấp 4, vệ sinh chỉ được một chỗ sẽ khó khăn như thế nào. Có gia đình cơi nới cái chòi ra để ở. Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương phát hiện phải yêu cầu người dân phải tháo dỡ.

Khi phải tháo dỡ, người dân khóc, chính quyền địa phương khóc. Những năm vừa qua, gần như Công ty CP Sắt Thạch Khê đứng ngoài cuộc tất cả các ngày hội, lễ, Tết của người dân. Có rất nhiều ngày lễ trong năm nhưng chưa bao giờ người dân nhận được một gói quà hay một lời động viên nào từ mỏ sắt Thạch Khê.

Tôi thấy phía Công ty Sắt Thạch Khê phát biểu rất chủ quan, khẳng định không có vấn đề gì về môi trường. Chúng tôi không phải nhà khoa học nên không dám bàn cãi về vấn đề khoa học nhưng như Formosa đấy, làm rất đầy đủ mà vẫn xảy ra sự cố môi trường.

Khi sự cố môi trường, Formosa sẵn sàng bỏ ra 500 triệu USD để đền bù cho người dân. Nhìn lại Công ty Sắt Thạch Khê thì như thế nào? Những năm qua, bờ moong mỏ đắp bờ bao bằng cát, đến mùa mưa lũ bị vỡ bờ bao. Năm nào chúng tôi cũng đề xuất Công ty hỗ trợ gia cố bờ bao nhưng Công ty không tham gia, chính quyền địa phương phải bỏ kinh phí ra để gia cố bờ bao moong mỏ.

Cụ thể như tháng 12/2022, mưa lũ làm xói lở bờ bao, vùi lấp 50 ha đất hoa màu của người dân, chúng tôi mời Công ty Sắt Thạch Khê ra nhưng không có ai ra, chính quyền phải bỏ kinh phí gia cố bờ bao, hỗ trợ người dân.

Thử hỏi, nếu khai thác mỏ sắt Thạch Khê mà xảy ra sự cố môi trường thì ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm? Liệu Công ty Sắt Thạch Khê bỏ ra hay là chính quyền, Nhà nước ta phải bỏ ra để đền bù, hỗ trợ người dân? Một lần nữa, chúng tôi tha thiết đề nghị, nếu Dự án chưa đủ điều kiện thì chấm dứt, để lại cho con cháu mai sau.

Sau khi nghe ông Phạm Lê Hùng trao đổi, phía Chủ đầu tư - Công ty CP Sắt Thạch Khê có nói sẽ làm hệ thống kè 3.000 tỷ đồng nhưng trong báo cáo chúng tôi nghiên cứu thì trong tổng mức đầu tư hơn 14.500 tỷ đồng của Dự án chưa có chi phí làm kè. Trong báo cáo nói rằng “có thể làm”.

Thứ hai, quá trình khai thác sẽ có 10 triệu tấn cát sẽ phải bốc xúc, vận chuyển đi nhưng trong phương án không nói đến chuyện xây cảng và đưa cát lên tàu để vận chuyển bằng cái gì.

Mặt khác, trong các báo cáo của Chủ đầu tư chỉ có khoan thăm dò đến độ sâu -145 m chứ không có số liệu về khoan đến độ sâu -550 m. Hơn nữa, Chủ đầu tư xin dừng Dự án để hoàn thiện hồ sơ, bổ sung vốn nhưng từ năm 2011 đến nay Công ty CP Sắt Thạch Khê vẫn chưa làm được.

Anh Hùng có nói đến chuyện “rất chia sẻ với người dân”, tôi nghĩ không phải các anh chia sẻ mà các anh phải xin lỗi người dân trong vùng mỏ.

Nhà báo Lê Anh Đạt phát biểu kết thúc Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, nhà báo Lê Anh Đạt, Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết cho rằng, về mặt thông tin ban đầu, toạ đàm đặt ra đã cơ bản đạt được, những gì cần nói, những người tham gia diễn đàn cũng đã trao đổi, trả lời.

Ở đây, rất dễ nhận ra 3 luồng ý kiến, một là ý kiến của chủ đầu tư về quyết tâm thực hiện dự án. Thứ hai là ý kiến của những nhà khoa học, trong đó, GS - Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ cũng đã nói rất sâu sắc và đầy đủ về dự án mỏ sắt Thạch Khê. Các nhà khoa học ở đầu cầu toạ đàm tại Hà Nội cũng đã phân tích rõ ràng, đầy đủ.

Với tư cách của những người tổ chức, người làm truyền thông, chúng tôi rất tin tưởng thông tin, ý kiến của những nhà khoa học đưa ra tại Tọa đàm. Chúng ta nói trước truyền thông, trước nhân dân, trách nhiệm với nhân dân. Các chuyên gia với nhiều năm nghiên cứu, nhiều năm kinh nghiệm, trách nhiệm về những điều chúng ta nói, nói về những vấn đề người dân muốn nghe, muốn giải thích.

Về phía Hà Tĩnh, với tư cách là cơ quan đại diện cho tiếng nói của người dân, cơ quan MTTQ Việt Nam cũng đã có tiếng nói phản biện và nêu quan điểm rất rõ ràng.

Về phía nhân dân và chính quyền, cũng đã có ý kiến sâu sát về tình hình thực tế.

Cơ bản, tôi thấy rằng, ngoài chủ đầu tư thì từ chính quyền địa phương, người dân, MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, các nhà khoa học đều có những băn khoăn và mong muốn dự án cần được nghiên cứu thật kĩ. Tôi hiểu được ý kiến của chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh và người dân là không dùng từ “tạm dừng” nữa. Bởi “tạm dừng” nghĩa là tiếp tục “treo” cuộc sống của người dân, sinh kế của người dân, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của người dân. Chúng tôi với tư cách tiếp cận góc nhìn từ phía người dân đều cảm thấy vấn đề này vô cũng trăn trở.

Đề nghị cơ quan chức năng, những người tham gia vào việc hoạch định chính sách cần phải để ý đến đời sống của người dân trước mắt và lâu dài. 16 năm trời, người dân bị ảnh hưởng mọi mặt từ kinh tế, gia đình, đất ở,… đều diễn ra trong hoàn cảnh bị “treo”.

Có lẽ đúng như ý kiến của đại diện MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã nói: “Sức chịu đựng của người dân đến giới hạn”. Và đến bây giờ chúng ta phải quyết định rõ ràng, còn thế nào và phương án ra sao thì các cơ quan chức năng sẽ có câu trả lời cho câu hỏi mà toạ đàm đã đặt ra.

Sắp tới, Báo Đại Đoàn Kết sẽ tiếp tục trên hành trình đồng hành cùng câu chuyện mỏ sắt Thạch Khê, đồng hành cùng cuộc sống của người dân đang sống “treo” trên dự án.

Qua toạ đàm này, chúng tôi cũng muốn khẳng định, cách làm báo của chúng tôi là công khai, minh bạch, trung thực và trực tiếp nhất có thể. Để từ góc độ của người dân, chính quyền, chuyên gia, độc giả xem chương trình đều có cho mình câu trả lời.

Toạ đàm hôm nay, chúng tôi vẫn tuân thủ nguyên tắc đó từ đầu đến cuối chương trình: Có người nói, có người phản biện, người nói có người nghe và trao đổi không chỉ một lần mà trao đổi nhiều lần.

Đây là vấn đề lớn của xã hội với sự tin tưởng ý kiến của các nhà khoa học, có tiếng nói của chính quyền, người dân, của nhà đầu tư,… dù được tổ chức dưới quy mô toạ đàm của một tờ báo nhưng cũng mang hình hài đầy đủ của một diễn đàn với đầy đủ đại diện của các bên liên quan.

Nhà báo Lê Anh Đạt cùng các vị khách mời tại Tọa đàm. Ảnh: Quang Vinh.

Cuối cùng, chúng tôi dành lại phần kết luận dừng lại hay tiếp tục dự án mỏ sắt Thạch Khê cho cơ quan chức năng. Mục đích của toạ đàm hôm nay cũng chỉ thực hiện tiếng nói của báo chí. Báo chí không kết luận, không làm thay cơ quan chức năng, không giải quyết thay những vấn đề của địa phương. Báo chí nêu thông tin, truyền thông điệp đầy đủ, trọn vẹn, khách quan các nhà hoạch định chính sách đưa ra chính sách hợp bối cảnh và đặc biệt là hợp với lòng dân.

Trên hành trình thông tin với bạn đọc, chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng bạn đọc với những sự kiện, vấn đề nóng bỏng, dân sinh, luôn tiếp cận từ phía bạn đọc, nhân dân để giải quyết vấn đề, mang lại lợi ích cho nhân dân. Tôi xin trân trọng cảm ơn!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á: Dừng lại hay tiếp tục?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO