Thời gian qua, nhiều tuyến phố Hà Nội bị rào chắn để thi công dự án nhà máy nước thải Yên Xá khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng ảnh hưởng rất lớn tới việc đi lại của người dân.
Loạt phương tiện chôn chân vì rào chắn
Những ngày gần đây, tại tuyến đường Nguyễn Xiển đột ngột mọc lên nhiều vị trí bị rào chắn chiếm 2/3 diện tích lòng đường gây cản trở giao thông nghiêm trọng khiến hàng nghìn người chật vật trong cảnh ùn tắc.
Anh Nguyễn Thế Hưng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: “Từ khi tuyến đường Nguyễn Xiển bị rào chắn mỗi ngày đi qua đây tôi phải mất gần 40 phút tùy theo từng thời điểm. Thật sự, việc đi làm đã rất mệt mỏi tưởng sau 1 ngày làm việc sẽ có khoảng thời gian thoải mái thì lại phải căng mắt di chuyển trên tuyến đường này rất mệt mỏi. Mong rằng, các cơ quan chức năng, chủ đầu tư phải tìm ra phương án xử lý giải quyết ngay tình trạng này”.
Tương tự, chị Nguyễn Thu Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Từ khi rào chắn khiến đường ùn tắc nghiêm trọng, khiến tôi buộc phải lựa chọn một tuyến đường khác xa hơn để di chuyển mỗi khi vào giờ cao điểm”.
Theo tìm hiểu, không chỉ có tuyến đường Nguyễn Xiển bị rào chắn mà tuyến đường Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông), Kim Giang, Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân) cũng lâm vào cảnh tương tự.
Đặc biệt, tại tuyến đường Vũ Trọng Khánh (phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) chỉ dài khoảng 300 m nhưng có đến 9 chiếc “lô cốt” hiện đang “án ngữ”. Song, theo tìm hiểu giấy phép xây dựng, công trình được thi công từ 10/2021 đến hết ngày 28/2/2022, song đã quá thời hạn từ lâu nhưng công trình vẫn chưa dỡ rào.
Chị Nguyễn Thị Mai (Mộ Lao, Hà Đông) cho biết: “Hầu như ngày nào tôi cũng phải di chuyển qua tuyến đường này để đi làm. Hơn 1 năm nay tại tuyến đường bỗng mọc lên hàng loạt “lô cốt” rộng hàng chục mét nằm ngay dưới lòng đường mà chẳng thấy thi công làm việc gì cả”.
Theo chị Mai, việc rào chắn thi công dự án cần có thông báo, hướng dẫn để người dân có thể chủ động tìm phương án di chuyển. Đơn vị thi công cũng cần phải có mặt, hướng dẫn, phân luồng cho các phương tiện xe máy, ô tô trong giờ cao điểm.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đã yêu cầu chủ đầu tư dự án và các nhà thầu nghiêm túc thực hiện cam kết, dỡ bỏ rào chắn tại các vị trí đã thi công xong, đẩy nhanh tiến độ công trình. Tuy nhiên, các “lô cốt” trên đường Vũ Trọng Khánh nhiều ngày qua vẫn tồn tại, mặc cho người dân khổ sở vì ùn tắc giao thông.
Ai sẽ bồi thường cho người dân vì thiệt hại do ùn tắc gây ra?
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng, việc rào chắn để phục vụ thi công các công trình hạ tầng gây cản trở giao thông là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc rào chắn này đơn vị thi công cùng chủ đầu tư phải đảm bảo trật tự an toàn giao thông để việc đi lại của người dân dễ dàng hơn.
“Người dân bức xúc vì ùn tắc một phần, phần khác là bất bình vì bị chủ đầu tư và nhà thầu coi thường”, ông Thắng nhấn mạnh.
Theo ghi nhận của PV các vị trí rào chắn trên đường Nguyễn Xiển, Vũ Trọng Khánh… không thấy bóng dáng của đơn vị thi công tham gia hướng dẫn, phân luồng giao thông, hệ thống cảnh báo rất sơ sài.
Không những vậy, việc xây dựng nhà máy Yên Xá, dự án còn đặt 52 km đường cống ngầm ở các quận, huyện: Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Trì để dẫn nước thải. Do vậy, tới đây không chỉ những tuyến đường nói trên, hàng loạt tuyến đường phố sẽ bị rào chắn để thi công dự án.
Gần nhất, theo tìm hiểu của PV, đơn vị thi công sẽ tiếp tục xin giấy phép rào chắn thi công trên đường Nguyễn Trãi. Đây là tuyến đường Hà Nội đang thực hiện thí điểm tách làn cứng riêng ô tô, xe máy, giao thông thường xuyên quá tải, ùn tắc.
Trước thông tin trên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ phải xin ý kiến Chủ tịch TP Hà Nội trước khi cấp phép, tránh để người tham gia giao thông bức xúc khi đường Nguyễn Trãi là trục chính vào trung tâm TP, giao thông thường đông đúc.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh: “Đã có những quy định yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải chấp hành, không thể viện cớ khó khăn để làm ùn tắc, mất ATGT. Lô cốt bủa vây đường phố thì từng phút, từng giờ, từng ngày, từng tháng… người dân phải chịu cảnh lưu thông trong khó khăn, chật vật. Ai sẽ bồi thường cho người dân vì thiệt hại do ùn tắc gây ra? Đơn vị cấp phép hoàn toàn có thể thu hồi giấy phép nếu nhà thầu không khẩn trương khắc phục. Để tình trạng này xảy ra chủ đầu tư dự án cũng là đơn vị phải chịu trách nhiệm trước TP Hà Nội”.
Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (Hà Nội) có tổng vốn đầu tư hơn 61 triệu Yên Nhật (tương đương hơn 16.293 tỷ đồng). Dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, chiếm tới 85% tổng vốn đầu tư; còn lại là vốn đối ứng của Hà Nội.
Dự án được khởi công ngày 7/10/2016, gồm 4 gói thầu xây lắp chính được tổ chức đấu thầu cạnh tranh quốc tế, gói thầu số 1 xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, công suất 270.000 m3/ngày đêm, gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính, gói thầu số 3 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ, gói thầu số 4 xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và các khu đô thị mới.