Dự án thủy điện 9 năm 8 lần đổi phép vẫn chưa xong

Nhật Lam 19/12/2016 08:35

Một dự án thủy điện đã triển khai 9 năm qua nhưng nay vẫn chỉ là những hạng mục sơ sài. Không chỉ thế, dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi lập khống hội đồng quản trị, mua đứt bán đoạn.

Công trình thủy điện Thượng Nhật sau hơn 10 năm phê duyệt
nay đường vào nhà máy còn đang thi công.

Dự án “rùa bò”

Dự án thủy điện Thượng Nhật đầu tư xây dựng tại thôn 2 và thôn 3, xã Thượng Nhật, huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Dự án do Công ty cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam (tên viết tắt là MVC) được Bộ Công thương phê duyệt năm 2005, cấp phép đầu tư vào năm 2007, chính thức khởi công vào ngày 19/5/2008. Dự án thủy điện Thượng Nhật có tổng vốn đầu tư 158,2 tỉ đồng, xây dựng trên diện tích 154 ha với 2 tổ máy công suất 6MW, dự kiến tổ máy số 1 phát điện vào quý 1 năm 2010. Thế nhưng sau khởi công dự án chỉ triển khai vài hạng mục nhỏ lẻ rồi “án binh bất động”, bỏ dở việc đền bù giải phóng mặt bằng.

Tháng 7/2012 sau khi tiến hành đại hội, tái cấu trúc và thay đổi Chủ tịch HĐQT MVC quyết định điều chỉnh mức đầu tư vào thủy điện Thượng Nhật là 341,849 tỉ đồng. HĐQT có 3 cổ đông lớn là Công ty CP thương mại Đức Phương, Công ty sản xuất vật liệu và xây dựng Cosevco 1 (Quảng Bình), Công ty TNHH một thành viên Vạn Tường (Đà Nẵng, thuộc Bộ Quốc phòng) và một số cổ đông nhỏ lẻ. Trong số đó Đức Phương là doanh nghiệp góp vốn lớn nhất với tỉ lệ là 61% (bà Phan Thị Hồng Vân vừa là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của cả 2 công ty Đức Phương và MVC). Sau khi dự án tái khởi động với các hạng mục như thi công đường vào nhà máy, đền bù giải phóng mặt bằng thì năm 2013 dự án lại tiếp tục đình trệ do một số cổ đông gặp khó khăn về tài chính.

Ngụy tạo hội đồng, mua đứt bán đoạn

Năm 2015, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc đẩy mạnh tiến độ đầu tư dự án thủy điện Thượng Nhật, ngày 23/10/2015 HĐQT MVC đã mở họp tại trụ sở công ty ở 270A, Điện Biên Phủ, TP Huế.

Tại cuộc họp, Chủ tịch HĐQT Công ty CPTM Đức Phương, bà Phan Thị Hồng Vân đã mua lại tất cả cổ phần của các cổ đông công ty, trừ cổ phần của Công ty TNHH MTV Vạn Tường – Bộ Quốc Phòng. Tại cuộc họp này, khách mời là ông Hồ Mạnh Việt (38 tuổi, ở TP.Đà Nẵng) đã góp vốn hơn 6 tỉ đồng nên sau đó nắm quyền chi phối công ty.

Sau khi có khuôn dấu, ông Việt ngụy tạo “đại hội đồng cổ đông phiên bất thường” của công ty vào ngày 8-11-2015 tại số 270A Điện Biên Phủ, P.Trường An, TP.Huế với kết quả ông Việt được bầu làm Chủ tịch HĐQT. Ngày 14/3/2016, ông Việt chuyển nhượng cổ phần của mình cho ông Nguyễn Ngọc Trung (40 tuổi, trú ở P.Hoa Lư, TP Pleiku, Gia Lai) và ông Nguyễn Văn Thanh (44 tuổi, trú ở xã Ea Ral, H. Ea H’leo, tỉnh Đăklăk).

Ngày 15/3/2016 ông Việt tiếp tục ngụy tạo “đại hội đồng cổ đông phiên bất thường” kết nạp ông Trung và ông Thanh vào cổ đông mới của MVC. “Đại hội” cũng bầu ông Trung làm Chủ tịch HĐQT và ông Thanh làm Tổng giám đốc MVC. Đến đây “nhiệm kỳ” Chủ tịch HĐQT của ông Việt kết thúc chỉ sau hơn 4 tháng.

Khi biết tên mình nằm trong ban kiểm soát của 2 kì đại hội ngụy tạo báo cáo lên Sở KH-ĐT tỉnh, ông Phan Hồng Trường và bà Võ Thị Thúy Hiền (nhân viên MVC) đã phản ứng dữ dội, đồng thời nói không hề có đại hội nào của MVC tổ chức như đã nêu tại số 270A, Điện Biên Phủ, kể từ sau đại hội ngày 23/10/2015. Thế nhưng hồ sơ hội đồng mới được báo cáo lên Sở KH-ĐT tỉnh, đồng thời để xin thay đổi giấy phép.

Đáng chú ý, kể từ khi đăng kí lần đầu tại Nghệ An (năm 2007), đến nay MVC đã có 8 lần đăng kí thay đổi chứng nhận đăng kí doanh nghiệp. Ngày 10/5/2016 MVC được Sở KH-ĐT tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp lần thứ 8, hoạt động tại địa chỉ 13, Võ Thị Sáu, P.Phú Hội, TP Huế, nhưng đây là địa chỉ khống!? Bởi vào tháng 6/2016 một người dân tên H.Th.Th.H., ở đường Trần Phú, TP Huế đã tìm đến 270A, Điện Biên Phủ để giải quyết công nợ với MVC nhưng đến nơi thì cửa đóng then cài, trụ sở đã chuyển đi đâu không rõ. Vị này gửi đơn đến Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên – Huế tìm hiểu thì Sở có công văn hướng dẫn bà H. tìm về địa chỉ mới của công ty là số 13 Võ Thị Sáu, P.Phú Hội, Huế.

Tuy nhiên đây lại là nơi bán vé tour, vé máy bay kiêm nhà ở của một gia đình, chẳng có hoạt động gì của MVC. Dù cho ngụy tạo, lập khống hội đồng, nhưng vào tháng 5/2016, Bộ Công thương có quyết định điều chỉnh dự án thủy điện Thượng Nhật, trong đó công suất lắp máy nâng lên 7MW. Trên cơ sở này MVC đã thay đổi thiết kế nhiều hạng mục, vị trí nhà máy nên mọi việc gần như khởi động lại từ đầu.

Khi chúng tôi tìm hiểu về dự án này, bà con trong vùng ảnh hưởng của dự án tỏ ra không hài lòng về giá cả đền bù đất đai giải phóng mặt bằng. Chúng tôi cũng đã tìm gặp bà Phan Thị Hông Vân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thương mại Đức Phương – cổ đông lớn của MVC. Bà Vân cho biết trước đây ông Hồ Mạnh Việt là cổ đông góp vốn lớn và để giải quyết các công việc chung của dự án nên bà bàn giao khuôn dấu của MVC cho ông Việt.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa ông Việt chính thức làm Chủ tịch HĐQT công ty, bởi chức danh này phải thông qua một đại hội cổ đông chính thức với sự tham gia đầy đủ các cổ đông. “Xét thấy có dấu hiệu chiếm đoạt vốn, lập khống hội đồng quản trị thao túng công ty, cách nay gần 3 tháng tôi đã làm đơn kêu cứu, tố cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và sở ngành liên quan. Tuy nhiên đến nay đã 2 lần chúng tôi nhận công văn khất hẹn trả lời của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế” – bà Vân nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án thủy điện 9 năm 8 lần đổi phép vẫn chưa xong

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO