Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được đánh giá khó hơn so với năm 2024. Theo dự đoán của giáo viên, điểm chuẩn xét tuyển vào đại học năm nay sẽ có nhiều biến động, thấp hơn năm trước.
Dự đoán điểm chuẩn đại học giảm
Hơn 1,16 triệu thí sinh cả nước đã hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Hiện công tác chấm thi đang được thực hiện.
Dù kỳ thi đã kết thúc nhưng đề thi năm nay vẫn đang nhận sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là đề thi hai môn Toán và Ngữ văn.
Dựa vào độ khó của đề thi năm nay, nhiều ý kiến cho rằng, điểm xét tuyển đại học sẽ có nhiều biến động, giảm so với năm trước.
Em Nguyễn Yến Ly, thí sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (Hà Nội) cho hay: “Đề thi năm nay có nhiều điểm mới, khó hơn so với mọi năm, nhất là môn Toán và Tiếng Anh. Đề thi đa dạng câu hỏi, chúng em phải mất nhiều thời gian để phân tích đề”.
Em Nguyễn Hoàng Anh, thí sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội) dự đoán điểm chuẩn năm nay sẽ giảm đáng kể so với năm trước bởi đề thi năm nay khó và có nhiều điểm mới, khiến học sinh bỡ ngỡ.
Với đề thi năm nay, Tổ tiếng Anh - Hệ thống giáo dục HOCMAI cho rằng, đề thi bám sát thực tiễn, đánh giá đúng năng lực sử dụng ngôn ngữ, tuy nhiên điểm tuyệt đối sẽ không nhiều.
Trao đổi với PV Báo Đại đoàn kết, cô Hoàng Thị Nguyệt Ánh - Tổ trưởng tổ Toán Trường THPT chuyên Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) nhận xét đề thi Toán năm 2025 hoàn toàn khác với đề thi các năm trước đó. Về mặt cấu trúc, đề thi tương tự đề minh họa mà Bộ GDĐT đã công bố. Về mặt nội dung, đề thi thể hiện tinh thần đổi mới. Tinh thần đổi mới này đã được thể hiện đúng tinh thần của chương trình sách giáo khoa 2018. Theo sách giáo khoa, phần lý thuyết đã được gắn với những bài toán thực tế. Phần bài tập cũng là những bài toán vận dụng từ thực tế.
Tương tự, đề thi môn Tiếng Anh năm nay cũng thể hiện rõ nét tinh thần đổi mới, đòi hỏi học sinh phải tư duy khác so với đề thi các năm trước đây.
Với thay đổi này, cô Nguyệt Ánh nhận định: “Số lượng thí sinh đạt điểm cao vẫn nhiều không kém so với năm 2024 tuy nhiên về phổ điểm sẽ có độ phân hóa rộng hơn, chứ không chụm ở đoạn ngắn từ 25-27 điểm. Năm nay có thể phổ điểm trung bình rải rộng lan tới 18-19 điểm. Điều này cũng sẽ làm thay đổi mức độ điểm xét tuyển vào các trường đại học khá nhiều nhất là với khối D01 (Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh), sẽ có biến động giảm ít nhất 2 điểm”.
Việc có một số thông tin về độ khó của đề, theo cô Nguyệt Ánh, cần đợi khi có kết quả chấm thi mới có thể xác định được rõ ràng. Tuy nhiên, cô Ánh cho rằng, đề thi năm nay sẽ là bước đệm để học sinh có tinh thần chuẩn bị tốt hơn cho năm tới.
Bảo đảm quy trình xét tuyển đại học công bằng, minh bạch
Về đề thi năm nay, Bộ GDĐT cho rằng, dù định dạng đề thi và định hướng điều chỉnh công tác ra đề thi đã được công bố từ năm 2023 nhưng do cấu trúc định dạng đề thi mới nên khó tránh khỏi tình trạng giáo viên và học sinh bỡ ngỡ.
Liên quan đến lo ngại phổ điểm thấp sẽ ảnh hưởng tới xét tuyển đại học, PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, từ ngày 16/7, thí sinh sẽ có đủ thông tin để điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Các trường đại học sẽ thực hiện đầy đủ trách nhiệm công bố thông tin theo quy định. Bộ sẽ song hành với các trường để đảm bảo quy trình xét tuyển công bằng, minh bạch, kể cả trong việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ hay quy đổi điểm.
Ông Dũng cũng cho hay, đánh giá về độ khó hay dễ của đề thi cần căn cứ vào kết quả chấm thi, thay vì cảm nhận ban đầu. Từ kết quả thực tế mới phản ánh đúng năng lực học sinh. Đây cũng là cơ sở để các trường tuyển sinh.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng lưu ý Vụ Giáo dục đại học cần tham mưu để công tác xét tuyển đại học bảo đảm phù hợp thực tiễn.
Dự kiến 8h ngày 16/7, Bộ GDĐT sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT. Hiện Bộ đã sẵn sàng đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin để chuẩn bị cho việc công bố kết quả.
Thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng trực tuyến trên Hệ thống của Bộ GDĐT từ ngày 16/7 đến 17h ngày 28/7.