Theo dự báo của Cơ quan Khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 7, nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm có khả năng xảy ra.
Thông tin cụ thể về diễn biến khí tượng thủy văn trong tháng 7, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia Trần Thị Chúc cho biết, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện trên Biển Đông ở mức tương đương so với mức trung bình nhiều năm và có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta (trung bình nhiều năm trên Biển Đông 1,6 cơn, đổ bộ vào đất liền là 0,9 cơn).
Nhiệt độ trung bình ở các khu vực trên cả nước phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ có nơi cao hơn 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Nắng nóng có khả năng xảy ra tại khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Huế và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ với cường độ không gay gắt như cùng kỳ năm 2024.
"Trong thời kỳ dự báo khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một số đợt mưa lớn diện rộng. Tại khu vực cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ tiếp tục có nhiều ngày mưa dông, có ngày có mưa to đến rất to, thời điểm mưa tập trung vào chiều tối. Trên phạm vi cả nước tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh" - bà Chúc lưu ý.
Theo khuyến cáo của chuyên gia, bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn trên biển và ảnh hưởng đến các hoạt động cùa tàu thuyền. Hiện tượng mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và dông, lốc, sét có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội.
Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn gây ra, cơ quan khí tượng thủy văn lưu ý người dân cần phải thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố và khu vực…
Trước dự báo có nhiều hình thái thời tiết nguy hiểm, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đề nghị các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn...