Kinh tế

Dư địa lớn cho cà phê Việt

An Bình 23/03/2024 08:45

Năm 2023, mặc dù sản lượng cà phê xuất khẩu giảm 9,6% về lượng, nhưng giá trị tăng 3,1%, đạt gần 4,2 tỷ USD, chiếm hơn 15% thị phần xuất khẩu cà phê toàn cầu. Trong 2 tháng đầu năm 2024, giá cà phê xuất khẩu đạt 3.146USD/tấn, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2023, mang về gần 1,4 tỷ USD. Dự báo năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt 4,6-5 tỷ USD.

anhduoi-7.jpg
Giá cà phê duy trì đà tăng. Ảnh: M.Đăng.

Những con số nói trên là minh chứng rõ nét cho thấy, cơ hội tăng trưởng cho cả doanh nghiệp xuất khẩu cũng như người trồng cà phê là rất lớn. Đáng chú ý, giá cà phê trong nước cũng ghi dấu mức giá cao nhất trong vòng hơn 30 năm qua với hơn 92.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 30% so với cuối năm 2023.

Việt Nam là cường quốc sản xuất và xuất khẩu cà phê trên thế giới; nắm giữ vị trí số 2, chỉ sau Brazil về xuất khẩu cà phê và vị trí số 1 về xuất khẩu cà phê robusta. Cà phê Việt đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, hiện, cà phê của chúng ta xuất khẩu chủ yếu ở dạng thô. Khi sang các thị trường quốc tế lại phải đội nhãn mác của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Điều này làm mất đi giá trị gia tăng của cà phê Việt.

Rõ ràng, chuỗi giá trị cà phê còn nhiều bất cập, cung - cầu, thiếu bền vững. Cho đến nay cả nước mới có khoảng 186.000ha cà phê có giấy chứng nhận, đạt khoảng 26% tổng diện tích. Sản xuất còn tập trung khai thác lợi thế tự nhiên, chú trọng sản lượng, chưa tập trung gia tăng giá trị sáng tạo, thương hiệu, phát triển xanh và bền vững, chưa chú trọng nhiều đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu. Chưa có nhiều mô hình kết hợp giá trị cà phê với du lịch, thời trang, ẩm thực và các ngành công nghiệp sáng tạo.

Việc giá cà phê tăng mạnh thời gian qua được coi là mở ra cơ hội tăng trưởng cho cả nhà sản xuất và DN xuất khẩu. Thế nhưng không nhiều DN và nhà sản xuất nắm bắt được cơ hội, bởi do thiếu thông tin thị trường, theo thói quen cũ đã bán khống hàng trăm nghìn tấn cà phê hoặc găm hàng chờ giá...

Việc lô hàng cà phê nhân xanh hữu cơ đầu tiên của một công ty Việt được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản mới đây là tín hiệu vui, mở ra cơ hội nâng cao giá trị nông sản Việt, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về xuất khẩu bền vững. Cần phải xem cà phê là sản phẩm quốc gia và cần có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia. Cần khai thác phân khúc cà phê đặc sản không xuất khẩu mà thị trường trong nước với 100 triệu dân đang là dư địa hấp dẫn cho cà phê Việt.

Tại một cuộc hội thảo diễn ra ở Tây Nguyên mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đặt ra một câu hỏi hết sức đáng suy nghĩ. Đó là: Tại sao hãng Starbucks đã biến được ly cà phê giá chỉ có 2-3 cent thành sản phẩm cà phê có giá 5-10 USD? Ngoài công nghệ, kỹ nghệ dịch vụ, thương mại, còn có các yếu tố văn hóa, xã hội, trải nghiệm, cảm xúc… mang lại nhiều thú vị cho cà phê.

Rõ ràng, để có thể nâng được giá trị của cà phê – một loại nông sản có lợi thế lớn của Việt Nam, thì rất cần có cách tiếp cận mới. Cần sự tiếp cận tổng thể, sự phối hợp đa ngành và giải quyết liên ngành để cà phê phát triển bền vững. Sự phát triển cũng cần có định hướng, kế hoạch, lộ trình cụ thể để mở rộng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, bao bì đủ điều kiện kết hợp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Có như vậy, cà phê Việt mới khẳng định được vị trí, chỗ đứng của mình một cách vững chắc trên thị trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dư địa lớn cho cà phê Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO