Để tăng cơ hội trúng tuyển đại học, thí sinh có thể sử dụng phương thức xét tuyển sớm. Tuy nhiên, kết quả trúng tuyển sớm chỉ là tạm thời.
Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2023 đã được Bộ GDĐT chốt phương án giữ ổn định như năm 2022, chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật để không xảy ra tình trạng thí sinh bị nhầm lẫn, sai sót như năm 2022.
Bộ GDĐT cũng sẽ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1 để sinh viên có thể nhập học ngay đầu tháng 9.
Năm nay, bên cạnh xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể sử dụng phương thức xét tuyển sớm tại các trường đại học để tăng cơ hội trúng tuyển.
Xét tuyển sớm là các phương thức tuyển sinh không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các trường đại học thường xét kết quả học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, ưu tiên xét tuyển...
Lưu ý thí sinh về phương thức tuyển sinh này, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GDĐT cho biết, việc xét tuyển sớm vào các trường đại học không đảm bảo các em sẽ trúng tuyển vào trường đó.
Kết quả xét tuyển sớm chỉ là tạm thời và có điều kiện. Kết quả này chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Khi các thí sinh chưa thi tốt nghiệp THPT, các em chưa đủ điều kiện vào học đại học. Như vậy, khi các em thi tốt nghiệp THPT, có điểm, các em vẫn phải đăng kí nguyện vọng lên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GDĐT.
Theo quy định của Bộ GDĐT, sau khi đăng kí xét tuyển sớm vào các trường đại học, thí sinh phải đăng kí trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GDĐT, sắp xếp thứ tự nguyện vọng ưu tiên từ 1 đến hết.
Thí sinh có thể trúng tuyển vào nhiều trường, nhưng chỉ trúng tuyển duy nhất 1 trường. Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ sẽ giúp lọc các thí sinh ảo.
Năm 2022, có một số trường đã vi phạm quy chế gọi thí sinh nhập học khi các em chưa tốt nghiệp THPT; không báo cáo kết quả xét tuyển sớm lên hệ thống chung...
Những nhầm lẫn và sai sót cả chủ quan, khách quan trên đã tạo nên rắc rối đáng tiếc, gây thiệt thòi cho thí sinh và khiến các cơ sở đào tạo mất nhiều thời gian giải quyết, ảnh hưởng đến tiến độ xét tuyển chung trên toàn quốc.
Liên quan tới phương thức xét tuyển sớm, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết, Bộ nhiều lần nhắc các trường về việc có thể thực hiện xét tuyển sớm nhưng không được yêu cầu thí sinh nhập học chính thức. Đồng thời, các trường cũng không được công bố danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức sớm.
Để bảo đảm quyền lợi, cơ hội của thí sinh, việc xét tuyển chính thức phải chờ kết quả tốt nghiệp THPT, lịch nhập học phải theo quy trình chung của Bộ GDĐT.
Theo ông Sơn, khi các trường cho thí sinh nhập học sớm, các em sẽ phân vân xem lựa chọn nhập học theo kết quả này hay chờ kết quả thi tốt nghiệp THPT và các phương thức khác. Vì vậy, nhiều thí sinh có thể bở lỡ những cơ hội khác đáng ra cần ưu tiên hơn.
Hiện, có khoảng gần 100 trường đại học công bố phương án xét tuyển sớm bằng học bạ kết hợp với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Theo thống kê của Bộ GDĐT năm 2022 có gần 400.000 thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm nhưng chỉ 35% thí sinh đặt ngành trúng tuyển sớm ở nguyện vọng 1.
Còn lại 30% đặt ở các nguyện vọng khác (từ nguyện vọng hai trở đi) và 35% không dùng quyền lợi trúng tuyển sớm hoặc không đỗ tốt nghiệp. Điều này cho thấy việc yêu cầu nhập học ngay khi trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm giống như năm trước thì tỷ lệ ảo rất cao.