Khi chỉ còn gần 1 tháng nữa năm 2023 khép lại, thì việc đặt mục tiêu cho năm sau cần sớm đặt ra để có các kịch bản hiện thực hóa.
1.Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã chính thức chọn tỉnh Điện Biên là địa điểm tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2024. Theo Bộ VHTTDL, năm 2024 là năm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; 115 năm thành lập tỉnh Điện Biên; 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (10/10/1949-10/10/2024); 20 năm chia tách, thành lập tỉnh Điện Biên (1/1/2004-1/1/2024) và 270 năm Ngày nghĩa quân Hoàng Công Chất giải phóng Mường Thanh.
Do vậy, việc tổ chức Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 là cần thiết, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, nằm cách Thủ đô Hà Nội 504 km, là nơi hội tụ sinh sống của 19 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục tập quán, văn hóa… tạo thành bức tranh đa sắc màu cho nền văn hóa Điện Biên.
Đặc biệt, Điện Biên là tỉnh giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa - lịch sử. Nổi bật nhất là hệ thống Di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ gồm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ - Mường Phăng; các cứ điểm Him Lam, Bản Kéo, Độc Lập; Các đồi A1, C1, D1, E1 và khu trung tâm tập đoàn cứ điểm của Pháp (Khu hầm Hầm De Castries).
Bên cạnh đó là rất nhiều hang động, nguồn nước khoáng và hồ nước tạo thành nguồn tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú, như: Rừng nguyên sinh Mường Nhé; các hang động tại Pa Thơm (Điện Biên), Thẩm Púa (Tuần Giáo); các suối khoáng nóng Hua Pe, U Va; các hồ Pá Khoang, Pe Luông...
Đây là lợi thế để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với Điện Biên. Vì thế, năm 2024, Điện Biên phấn đấu đón 1,3 triệu lượt khách du lịch; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 2.200 tỉ đồng; tạo phát triển đột phá về du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội những năm tiếp theo.
2.Trong khi đó, tại TPHCM, theo báo cáo của Sở Du lịch TPHCM, năm 2023, khách quốc tế đến thành phố này ước đạt là 5 triệu lượt khách tăng 44,3% so với cùng kỳ năm 2022. Khách du lịch nội địa khoảng 35 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 160.000 tỉ đồng…
Sở Du lịch thành phố cho biết, trong năm 2023, công tác phát triển sản phẩm du lịch tiếp tục được triển khai với điểm nhấn là "mỗi quận, huyện có ít nhất 1 sản phẩm du lịch đặc trưng"; thúc đẩy du lịch văn hóa lịch sử; du lịch đường thủy; du lịch y tế; du lịch MICE; nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực… góp phần gia tăng sức hấp dẫn điểm đến thành phố.
Bên cạnh đó là liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành theo hướng hợp tác đa phương, khai thác lợi thế cạnh tranh của mỗi địa phương góp phần kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao mức chi tiêu của khách du lịch.
Đó là những bước “tạo đà” vững chắc để năm 2024, Sở Du lịch TPHCM đặt mục tiêu phấn đấu đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế và 38 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu du lịch ước đạt 190.000 tỉ đồng.
Trong điều kiện kinh tế, chính trị ổn định, các hoạt động du lịch và các ngành kinh tế, dịch vụ có liên quan được khôi phục, du lịch TPHCM hy vọng sẽ đón được lượng khách lớn từ các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc…
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ngoài tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, TPHCM sẽ phát triển sản phẩm gắn với văn hóa lịch sử, nghệ thuật; du lịch đường thủy nội đô và liên tuyến gắn với các tỉnh, thành; du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái..., hướng tới triển khai chương trình “TPHCM - 100 điều thú vị”. TPHCM còn xác định chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM với 6 vùng và 46 tỉnh, thành trọng tâm là xây dựng, phát triển các sản phẩm liên kết (thời gian lưu trú tối thiểu hai ngày tại thành phố), triển khai ứng dụng công nghệ…
Sở Du lịch TPHCM còn có kế hoạch nâng chất sự kiện thường niên như: Lễ hội Áo dài, Ngày hội Du lịch TPHCM lần thứ 20, lễ hội Sông nước lần 2, Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM lần thứ 18 năm 2024 (ITE HCMC 2024)…
Bên cạnh đó, Sở Du lịch TPHCM nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tối đa lợi thế, tạo điều kiện môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Đồng thời, Sở này đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá du lịch. Ngoài ra, những sản phẩm du lịch phục vụ thị trường khách có khả năng tăng trưởng nhanh, nguồn khách lớn, chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như du lịch MICE, golf, du lịch tàu biển… sẽ được chú trọng, bên cạnh hoàn thiện sản phẩm du lịch của 21 quận huyện và TP Thủ Đức.
3.Từ câu chuyện của tỉnh Điện Biên và TPHCM cho thấy sức bật tiềm năng của các tỉnh, thành đang chờ để bung tỏa. Sau thời gian đóng băng vì dịch bệnh Covid-19, năm 2024 sẽ là thời điểm để các địa phương trong cả nước mở cửa, tăng tốc đón khách du lịch. Chính vì thế, ở thời điểm này, câu chuyện lên kế hoạch, đặt mục tiêu của ngành du lịch đang được nhiều người quan tâm.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, lữ hành cho rằng, cần mạnh mẽ đặt ra những con số “vượt trội” cho mục tiêu đón khách quốc tế năm 2024.
Bởi năm 2023, chúng ta đã phải điều chỉnh mục tiêu từ 8 triệu lên 12-13 triệu khách. Vì thế, năm 2024, ngành du lịch cần đặt ra những con số cao hơn hẳn, chẳng hạn như 17-18 triệu khách.
Đó có thể là những con số lớn, đòi hỏi các tỉnh, thành, các bộ, ngành cùng chung tay, vào cuộc để hiện thực hóa. Đặt con số cao ngay từ đầu năm, cũng là cách để các địa phương ngay từ đầu năm đã phải tăng tốc, chứ không đủng đỉnh và chờ đợi đến hết quý I mới “khởi động”.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel, cần tăng cường sức mạnh của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển du lịch, trước mắt là việc đặt mục tiêu đón khách quốc tế cho năm 2024, không chỉ là vấn đề của việc đặt con số mục tiêu ở mức 12-15 triệu khách, mà nên nỗ lực hướng đến con số cao hơn là 18-20 triệu khách.
“Đặt mục tiêu cao mới có thể mang lại cơ hội đột phá, kèm theo đó là việc xây dựng chính sách và động lực mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch”, ông Kỳ nêu quan điểm.
Vẫn biết, mục tiêu Bộ VHTTDL đặt ra trong Chương trình phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022 - 2026 trình Thủ tướng Chính phủ, là đến năm 2026, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt (tăng 20% so với năm 2025).
Tuy vậy, nếu thấy có cơ hội, có khả năng thì cần tăng tốc, thậm chí bứt tốc, để bù lại thời gian du lịch Việt bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì dịch bệnh vừa qua. Bởi nhìn sang Thái Lan, mục tiêu đón khách du lịch quốc tế năm 2023 của họ là 28 triệu lượt khách, và năm 2024 đặt kế hoạch đón trên 40 triệu khách.
Được biết, thời điểm này nhiều địa phương đã sẵn sàng cho việc đón khách du lịch năm 2024.
Tất nhiên, để có thể đón khách, bản thân các địa phương cũng cần tập trung cải thiện các điểm đến, tạo thêm những sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang “màu cờ sắc áo” của mỗi địa phương, mỗi vùng miền. Có như vậy, mới hấp dẫn được du khách trong và ngoài nước. từ đó, nguồn thu từ du lịch mới tăng.
Trở lại với TPHCM - trọng điểm du lịch chính của Việt Nam bên cạnh Hà Nội, Đà Nẵng cũng như điểm xuất phát của các hành trình khám phá cụm miền Tây Nam Bộ, Phan Thiết, Đà Lạt hoặc mở rộng ra các nước Campuchia, Lào, Thái Lan bằng đường bay, đường bộ, đường sông. Khi chính sách tăng thời gian lưu trú đối với khách quốc tế thật sự phát huy hiệu quả, dự báo từ đầu tháng 12/2023, lượng khách quốc tế đến TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục tăng.
Tại Hội nghị trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ chủ đề “Phát triển du lịch nhanh, bền vững", lãnh đạo TPHCM đã có 4 đề xuất với Chính phủ và các bộ ngành.
Thứ nhất, TPHCM đề xuất Chính phủ chấp thuận gia hạn thời gian thi hành Nghị định 94 năm 2021 của Chính phủ về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết ngày 31/12/2024.
Thứ hai, các bộ ngành tiếp tục nghiên cứu tham mưu Chính phủ mở rộng danh sách các quốc gia miễn thị thực, rút gọn quy trình cấp thị thực để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Thứ ba, TPHCM đề nghị Bộ VHTTDL phối hợp Bộ Ngoại giao xây dựng các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tại các nước để mở rộng thị phần ở thị trường trọng điểm, xúc tiến các thị trường tiềm năng. Bộ VHTTDL phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu tham mưu cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hoạt động xúc tiến quảng bá, triển khai hoạt động của Quỹ xúc tiến du lịch quốc gia.
Ngoài ra, TPHCM đề nghị Bộ VHTTDL đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch, hệ thống dữ liệu dùng chung về du lịch, cũng như xây dựng điểm đến an toàn cho du khách. Thứ tư, cần triển khai nhanh quy hoạch du lịch Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.