Văn hóa

Du lịch và câu chuyện hậu bão

Phạm Sỹ - Ngọc Anh 20/09/2024 06:34

Từ tháng 9 trở đi là thời điểm nhiều tỉnh miền Bắc bước vào cao điểm du lịch mùa thu. Tuy nhiên, những ngày qua bão số 3 (Yagi) đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương. Cùng với công tác khắc phục hậu quả bão lũ, ngành du lịch một số tỉnh, thành đã chuẩn bị cơ sở vật chất, đảm bảo mọi phương diện để đón khách trở lại…

anh 1 baitren
Du khách di chuyển ra bến của Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long để đi tham quan Vịnh. Ảnh: N.Anh.

Sẵn sàng đón khách

Ngay sau mưa bão, công tác khắc phục hậu quả tại Sa Pa (Lào Cai) đã nhanh chóng được triển khai. Hiện cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông bị ảnh hưởng đã được khắc phục kịp thời, đảm bảo các tuyến đường chính thông suốt và an toàn. Các doanh nghiệp du lịch và cơ sở lưu trú cũng tận dụng thời gian này để nâng cấp điểm đến, cải thiện cảnh quan, nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm cho du khách.

Bà Hoàng Thị Vượng - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sa Pa cho biết, ngay sau khi kiểm soát được thiên tai, thị xã Sa Pa đã chỉ đạo quyết liệt khẩn trương khắc phục sự cố liên quan đến hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng phục vụ du lịch trên địa bàn. Song song đó, thị xã đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp kiểm tra mức độ an toàn của các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ, đặc biệt ở các khu vực vừa nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm.

“Hiện phần lớn các điểm du lịch trên địa bàn đã được khôi phục, phục vụ khách du lịch trở lại. Tuy nhiên đối với điểm du lịch cộng đồng và các khu vực bị sạt lở thì các xã và Phòng Văn hóa - Thông tin đang phối hợp để rà soát mức độ an toàn. Khi thực hiện xong rà soát sẽ công bố danh sách của những cơ sở an toàn đủ điều kiện phục vụ cho khách du lịch. Đối với những cơ sở chưa đủ điều kiện, thị xã sẽ khuyến cáo và phối hợp với chủ cơ sở về việc khắc phục để đáp ứng được tiêu chí và đảm bảo an toàn cho khách du lịch” - bà Vượng cho biết.

Tại Hà Giang, mặc dù tỉnh vẫn mở cửa đón khách, tuy nhiên, thời điểm này lượng khách đến địa phương còn khiêm tốn. Tuyến đường lên Hoàng Su Phì chỉ bị sạt lở cục bộ ở một vài điểm nhỏ, hiện đã thông thoáng. Các điểm du lịch ngắm lúa chín ở Hoàng Su Phì, thảo nguyên Suôi Thầu (huyện Xín Mần) cũng sẵn sàng đón du khách. Tuy nhiên, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo khách du lịch nên cập nhật tình hình thời tiết liên tục; đi qua những cung đường có biển cảnh báo nguy cơ sạt lở cần phải cận trọng.

Những ngày cuối tháng 9 này, trên cánh đồng Mù Cang Chải (Yên Bái), lúa đã bắt đầu chín vàng. Một số tuyến đường bị sạt lở đã kịp thời được xử lý. Các nhà xe cũng bắt đầu nhận đón khách trở lại. Tại khu thác Bản Giốc (Cao Bằng) các hoạt động tham quan du lịch cũng đang diễn ra bình thường…

pham hai quynh

Ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI) cho rằng, sau cơn bão số 3, các địa phương cần rút ra bài học về biện pháp phòng tránh và ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả. Đồng thời, cần phải xem xét lại cách tiếp cận trong việc phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với tình hình thời tiết và khí hậu tại từng vùng, miền.

Để phát triển sản phẩm du lịch thích ứng với thời tiết và khí hậu, theo ông Quỳnh các địa phương cần lưu ý đến việc thiết kế các trải nghiệm du lịch đa dạng và linh hoạt, có khả năng thích ứng với các điều kiện thời tiết khác nhau. Đồng thời, cần đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch để đảm bảo an toàn và tiện nghi cho du khách.

“Để bắt đầu phát triển sản phẩm du lịch thích ứng với thời tiết và khí hậu, các địa phương có thể bắt đầu từ việc nghiên cứu thị trường du lịch để hiểu rõ nhu cầu của du khách và xác định các trải nghiệm du lịch tiềm năng. Đồng thời, cần hợp tác với các chuyên gia và tổ chức nghiên cứu để đưa ra các giải pháp sáng tạo và hiệu quả. Ví dụ như ở miền Tây thì mùa nước nổi chính là điển hình, miễn là đảm bảo an toàn và đáp ứng được tiêu chí phục vụ du khách” - ông Quỳnh chia sẻ.

Quyết tâm giữ kịch bản

Mặc dù chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3, tuy nhiên tỉnh Quảng Ninh vẫn quyết tâm giữ kịch bản đón 19 triệu lượt khách du lịch năm 2024; doanh thu du lịch dự kiến đạt 46.460 tỷ đồng.

Ngay sau khi bão qua, các cơ sở, đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đã chủ động, khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả để sẵn sàng quay trở lại phục vụ du khách.

Mới đây, TP Hạ Long đã triển khai chiến dịch cao điểm 7 ngày đêm khắc phục hậu quả do bão số 3, với sự vào cuộc hưởng ứng, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhân dân và doanh nghiệp. Chiến dịch đã thu gom trên 12.000 tấn rác, cắt tỉa hàng chục nghìn cây xanh...

Cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên biển và hàng trăm nhân viên của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã chung tay tham gia chiến dịch 3 ngày cao điểm làm sạch Vịnh Hạ Long từ ngày 15 - 17/9 để nhanh chóng đưa dịch vụ tham quan Vịnh Hạ Long nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường.

Hiện 315/359 tàu đã trở lại hoạt động. Nhờ có sự chủ động nên đến nay phần lớn các đơn vị kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống đã từng bước khắc phục thiệt hại và mở cửa đón khách đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Bà Nguyễn Huyền Anh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh cho biết: Mặc dù ngành du lịch Quảng Ninh đã phải chịu thiệt hại rất nặng nề sau bão số 3, tuy nhiên với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các cấp, các ngành và sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn tỉnh, đặc biệt là các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch trong việc khắc phục hậu quả sau bão, chúng tôi tin tưởng rằng Quảng Ninh sẽ hiện thực hóa được mục tiêu đón 19 triệu lượt khách trong năm 2024.

Đẩy mạnh truyền thông

PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hậu quả mà cơn bão này để lại phải cần có thời gian khắc phục lâu dài. Năm nay bão về cũng đúng thời điểm các tỉnh miền núi phía Bắc chuẩn bị đón khách du lịch dịp vào thu nên thiệt hại chắc chắn là không nhỏ. Ở góc độ khách hàng, đâu đó vẫn xuất hiện tâm lý e ngại bởi sự ảnh hưởng quá lớn.

“Theo tôi, để có thể khai thác mùa vụ du lịch này, bên cạnh công tác phục hồi cơ sở hạ tầng, vật chất tốt thì công tác dự báo về biến động thời tiết, các tuyến đường… phải được cung cấp từ trước để khách hàng chủ động và có được sự yên tâm khi đưa ra quyết định lựa chọn đi du lịch. Cùng với đó, phải đẩy mạnh công tác truyền thông, mọi thông tin phải minh bạch để du khách yên tâm” - ông Long nói.

Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, ông Lê Công Năng - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Wonder Tour cho biết, để khắc phục hậu quả bão Yagi và chuẩn bị cho mùa du lịch cao điểm từ giờ đến cuối năm, đơn vị đang triển khai nhiều biện pháp quan trọng. Trước hết là phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng cứu hộ để hỗ trợ bà con vùng cô lập, giúp họ tái thiết cuộc sống; thăm hỏi, chia sẻ với các cơ sở kinh doanh du lịch lưu trú, nhà hàng và điểm vui chơi; đồng thời phối hợp tổ chức các chương trình khuyến mãi, ưu đãi nhằm kích cầu du lịch.

Ông Mã Xuân Vinh - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch Saco Travel cho rằng, cùng với việc nỗ lực khôi phục lại cơ sở hạ tầng thì công tác truyền thông phải được đẩy mạnh. Chúng ta phải truyền thông và có những hình thức kích cầu khách du lịch. Những điểm đến cần phải đảm bảo điều kiện để du lịch trải nghiệm và vấn đề an toàn phải đặt lên trên hết, tạo tâm lý thoải mái, yên tâm cho du khách, nhất là du khách nước ngoài khi họ chưa nắm rõ về địa hình.

Dàn hoa hậu khám phá non nước Ninh Bình

box.jpg
Các thí sinh thích thú khi trải nghiệm chèo thuyền tại Ninh Bình.

50 thí sinh tham gia cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Quốc tế 2024 (Miss Cosmo 2024) đã tham gia hành trình khám phá Ninh Bình.

Đoàn Miss Cosmo 2024 đến Ninh Bình trong 5 ngày (từ 16/9 - 20/9) với các hoạt động chào mừng, giao lưu văn hóa, trình diễn thời trang và quảng bá di sản. Các người đẹp đã có những trải nghiệm du lịch đáng nhớ và cơ hội tìm hiểu văn hóa địa phương. Điểm đến đầu tiên của đoàn là quần thể danh thắng Tràng An, Di sản văn hóa - Thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận.

Tại đây, các thí sinh đã có cơ hội khám phá vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ cùng chiều sâu văn hóa, lịch sử của địa danh này bằng thuyền. Tiếp đó, đoàn đã đến thăm đầm Vân Long, nơi các người đẹp tiếp tục được chiêm ngưỡng cảnh quan kỳ vĩ và lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ.

Bên cạnh việc khám phá thiên nhiên, các thí sinh còn được thưởng thức những món ăn đặc sản nổi tiếng của Ninh Bình như cơm cháy và thịt dê núi…

Miss Cosmo 2024 tổ chức hai sự kiện đặc biệt tại Ninh Bình, gồm đêm trình diễn trang phục dân tộc ngày 19/9 và chương trình thời trang Hello Cosmo From Vietnam ngày 20/9.

Sau Ninh Bình, cuộc thi sẽ tiếp tục hành trình tại các địa điểm khác như Bảo Lộc, Long An và kết thúc tại TPHCM. Đêm chung kết diễn ra ngày 5/10/2024. Đại diện Việt Nam tại cuộc thi là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2023 Bùi Thị Xuân Hạnh.

T.H

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch và câu chuyện hậu bão