Du lịch Việt Nam – Bài 2: Cách nào giữ vị thế?

Hoàng Vân 13/05/2023 15:32

Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5, nhiều điểm đến công bố kỷ lục về lượng khách tham quan. Thế nhưng, làm thế nào để giữ vị thế và nắm bắt cơ hội khi mùa du lịch đang đến lại trở thành bài toán khó khiến ngành du lịch đau đầu.

Du lịch Việt Nam cần đề ra chiến lược để giữ chân khách du lịch. Ảnh: Quang Vinh.

Trong cuộc trò chuyện với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Đỗ Văn Minh, Trưởng phòng Quản lý du lịch Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum đã có những chia sẻ thẳng thắn về chiến lược phát triển du lịch, những điểm nghẽn, điểm khó của ngành du lịch của tỉnh nhà và với ngành du lịch của cả nước.

PV:Kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, lượng khách du lịch tại tỉnh Kon Tum được thống kê như thế nào thưa ông?

Ông Đỗ Văn Minh.

Ông Đỗ Văn Minh: Trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, Kon Tum đã có hơn 100 ngàn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm tại các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, nhất là tại khu du lịch sinh thái Măng Đen - Kon Plông và thành phố Kon Tum.

Một số địa phương sau kỳ nghỉ lễ công bố lượng khách đạt đỉnh, kịch bản này có diễn ra tại Kon Tum không thưa ông?

- Cũng tương đồng như các địa phương khác, do thời gian, thời điểm nên lượng khách có phần tăng.

Theo ông lý do xuất phát từ đâu mà lượng khách du lịch lại tăng đột biến vào kỳ nghỉ lễ và trong quý I/2023?

- Theo chúng tôi, có thể có mấy lý do chính sau đây:

Thứ 1, kỳ nghỉ 30-4, 1-5 vừa qua kéo dài 5 ngày nên khách du lịch có thể tính toán, thu xếp cho mình có một chuyến đi du lịch phù hợp theo nhóm bạn bè, gia đình hoặc cơ quan nơi làm việc… để cùng khám phá, trải nghiệm những cảnh đẹp những nét văn hóa của những vùng đất… và là nhu cầu tất yếu của khách du lịch.

Thứ 2, Hạ tầng giao thông những năm qua ở các địa phương đã dần hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đi lại của khách du lịch một cách thuận tiện, khách du lịch có thể chọn lựa cho mình một phương tiện (ô tô cá nhân, phương tiện công cộng, máy bay…) phù hợp nhất theo lộ trình, thời gian dự kiến để đến nơi mình cần đến.

Kon Tum hiện có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch.

Thứ 3, sự vào cuộc của các ngành chức năng, của các cấp chính quyền địa phương đối với hoạt động du lịch, đã tổ chức các sự kiện, các lễ hội… trong kỳ nghĩ lễ thu hút khách du lịch và trong việc đảm bảo các nhu cầu của khách du lịch về các điều kiện ăn nghỉ, an ninh an toàn của khách du lịch, giá cả dịch vụ phù hợp….

Thứ 4, các đơn vị kinh doanh du lịch đã chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, làm mới sản phẩm du lịch để thu hút khách du lịch… tăng tính cạnh tranh.

Thứ 5, đó là sự phát triển của công nghệ số, đáp ứng nhu cầu thông tin quảng bá du lịch của các đơn vị, tổ chức đến với khách du lịch và ngược lại.

Có thể thấy, sau đại dịch Covid-19, du lịch cả nước có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển? Đây phải chăng là tín hiệu tích cực đầy hứng khởi để ngành du lịch Việt Nam mở rộng sự phát triển trong mùa du lịch đang cận kề?

- Đúng như vậy.

Hoa địa lan tại làng du lịch Vi rơ ngheo, huyện Kon plong, Kon Tum.

Việc phát triển và giữ vị thế là 2 câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Theo ông nên làm gì để du lịch có thể giữ vững vị thế khi mùa du lịch đang cận kề?

- Tôi nghĩ cần phát triển du lịch một cách có hệ thống dưới sự quản lý của Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương, không để xảy ra các điểm du lịch, hoạt động du lịch một cách tự phát, rất dễ dẫn đến những hệ lụy và bất cập trong hoạt động du lịch; cần đảm bảo các điều kiện cho việc phát triển du lịch một cách tốt nhất, từ việc di chuyển, ăn nghỉ, nhu cầu tham quan, an ninh an toàn… của khách du lịch, thứ hai là cần chú trọng làm mới sản phẩm du lịch của địa phương trên cơ sở khai thác các giá trị về tự nhiên, văn hóa vùng miền, của từng vùng đất, từng dân tộc… để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo và mang bản sắc riêng; thứ ba cần chú trọng vai trò của người dân, nhất là ở khu vực nông thôn để tạo sự kết nối giữa khách du lịch với người dân địa phương, mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch, giúp cho khách du lịch có những trải nghiệm thú vị nơi mình đến.

Song song đó cũng cần chú ý đến tính bền vững của các hoạt động du lịch, đó là tạo môi trường du lịch thân thiện, không để xảy ra hiện tượng nâng giá dịch vụ bất thường (chặt chém) trong những đợt cao điểm; đảm bảo an ninh an toàn và trợ giúp kịp thời cho khách du lịch khi cần thiết; đảm bảo công tác vệ sinh môi trường cảnh quan.

Ông có thể chia sẻ đôi chút về chiến lược được áp dụng cho ngành du lịch tại Kon Tum trong tương lai?

- Tỉnh ủy Kon Tum đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới, trong đó đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cấp các ngành trong việc phát triển du lịch và có thể tóm tắt trong các nhiệm vụ chính như sau:

Tập trung hoàn thiện công tác quy hoạch phát triển du lịch trong tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, gắn với phát triển vùng Tây Nguyên, khu vực duyên hải miền Trung và cả nước, đồng thời kết nối với các tỉnh nam Lào, đông bắc Campuchia (Khu vực CLV); Tập trung xây dựng hạ tầng dồng bộ, nhất là tại khu du lịch sinh thái Măng Đen - Kon Plông để sớm trở thành Khu du lịch quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

Đồng thời, khai thác một cách hợp lý và hiệu quả các tiềm năng và lợi thế của tỉnh Kon Tum đó là vị trí địa lý nằm ở khu vực ngã ba Đông Dương; là địa phương có độ che phủ rừng cao, có các khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, vườn quốc gia Chư Mom Ray, khu du lịch sinh thái Măng Đen, rừng đặc dụng Đak Uy… và là nơi có tính đa dạng sinh học cao, có nhiều loài động thực vật đặc hữu như Sâm Ngọc Linh, các loài linh trưởng, loài chim quý hiếm…; đồng bào các dân tộc trong tỉnh còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc, có thể khai thác để vừa phát triển du lịch vừa bảo tồn các giá trị văn hóa, phát triển một cách bền vững. Đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa - lịch sử… nhằm phát triển du lịch.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!

[Du lịch Việt Nam - Bài 1: Những dấu hiệu khởi sắc]

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch Việt Nam – Bài 2: Cách nào giữ vị thế?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO