Ý kiến của các thầy cô giáo về dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Ảnh minh họa.
Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố từ ngày 12/4 tại website: www.moet.gov.vn để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của dư luận xã hội.
Theo các nhà soạn thảo, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông được dự thảo đưa ra là hướng đến hình thành một thế hệ học sinh phát triển với 6 phẩm chất chủ yếu và 10 năng lực cốt lõi, từ đó định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
Ngay sau đó, dự thảo đã nhân được sự quan tâm góp ý của nhiều chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý với những góc nhìn đa chiều. Còn các thầy cô giáo, những người sẽ trực tiếp tạo nên sự thành công cho lần đổi mới này, họ tiếp nhận và nhận định như thế nào về dự thảo? Đại Đoàn kết xin giới thiệu một số ý kiến dưới đây:
Cô giáo Nông Thị Chiến, Trường THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội: Học sinh dễ hoà nhập thành công dân toàn cầu
Tôi đọc dự thảo và thấy rằng, khung chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tương đương với khung chương trình của các nước trên thế giới. Điều này tạo điều kiện cho học sinh đạt được phẩm chất và năng lực theo yêu cầu.
Với khung phẩm chất và năng lực mới, học sinh dễ dàng hòa nhập, trở thành công dân toàn cầu. Các nhóm phẩm chất và năng lực được đề ra rõ ràng, tường minh giúp giáo viên thiết kế hoạt động học tập của bộ môn phù hợp với vùng miền để đạt hiệu quả cao nhất trong học tập và giảng dạy.
Tuy nhiên, cấu trúc chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn bị lệch khi lớp 10 vẫn phải dạy các môn học cơ bản. Điều này có thể gây khó khăn đối với học sinh có nguyện vọng đi du học hoặc học sinh học chương trình song ngữ quốc tế.
Bên cạnh đó, học sinh vẫn chịu áp lực chuyển cấp (lớp 9 vào lớp 10). Cần tăng cường cho học sinh trau dồi các nhóm năng lực theo định hướng nghề nghiệp hoặc tăng cường cho học sinh trải nghiệm các nhóm nghề nghiệp.
Thầy giáo Hoàng Văn Quyền, Giáo viên Tin học trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP Hải Phòng: Sớm định hướng nghề nghiệp cho học sinh
Theo tôi, so với chương trình hiện hành, chương trình mới cho phép học sinh được chọn các môn học phù hợp với sở trường và năng lực của mình từ đó sớm định hướng được nghề nghiệp.
Ngoài ra, chương trình cũng tạo điều kiện để các cơ sở tự chủ hơn trong việc xây dựng chương trình cũng như tổ chức thực hiện theo điều kiện của địa phương.
Điều tôi tâm đắc hơn cả, đây là lần đâu tiên các năng lực về Tin học được mô tả một cách đầy đủ, chi tiết trong chương trình giáo dục phổ thông. Điều này hoàn toàn phù hợp với việc chuẩn bị nguồn lao động chất lượng cao đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra. Trong đó, kỹ năng về công nghệ thông tin được đặc biệt nhấn mạnh.
Là giáo viên dạy trực tiếp môn Tin học, tôi đề xuất, đối với môn Tin học cần có chính sách ưu tiên, hỗ trợ trong việc sửa chữa, duy trì, đầu tư trang thiết bị cho các nhà trường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Cô giáo Trương Hồng Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Miện 2, Hải Dương: Còn một vài điểm khó khi triển khai
Việc hình thành hệ thống các phẩm chất và năng lực cốt lõi trong chương trình mới là một trong những điểm mới nổi bật đã được chương trình giáo dục phổ thông mới xác định rõ.
Nếu trước đây, chúng ta chỉ nói tới việc học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo thì dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới đã nêu rõ phải hình thành, phát triển cho học sinh những năng lực tự chủ, tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác.
Bên cạnh đó cũng xác định các năng lực chuyên môn để phát triển theo khả năng, nhu cầu học tập của mỗi cá nhân học sinh.
Theo quan điểm cá nhân tôi, ngoài những năng lực cơ bản thì giao tiếp và hợp tác để giải quyết vấn đề là những năng lực cần thiết trong xu thế hội nhập hiện nay, không chỉ trong nhà trường mà còn rất cần thiết đối với xã hội.
Ngoài các môn học truyền thống trước đây, dự thảo chương trình đã đưa vào một số môn học mới, hoàn toàn phù hợp với xu thế cũng như tăng cường hiểu biết mang tính toàn diện cho học sinh. Các môn học này được chia thành các môn bắt buộc và tự chọn bắt buộc (bắt buộc chọn một số môn trong các môn được chương trình quy định) là hợp lý và có tính khả thi.
Tuy nhiên, việc xuất hiện các môn học/hoạt động giáo dục mới như: “Hoạt động nghệ thuật”, “Giáo dục kinh tế và pháp luật”, “Khoa học máy tính”, “Âm nhạc”, “Mỹ thuật”,… thời gian đầu có thể sẽ gây khó khăn cho một số đơn vị trong quá trình thực hiện.
Nhưng do dự thảo chương trình quy định những môn học này chỉ triển khai khi học sinh có nhu cầu và nhà trường có điều kiện đáp ứng; các môn tự chọn như “Tiếng dân tộc” dành riêng cho học sinh dân tộc thiểu số, “Ngoại ngữ 2” chỉ dành cho những học sinh có nhu cầu nên tôi nghĩ, quá trình triển khai sẽ có sự linh động nhất định
Thầy giáo Dương Trọng Phong, Chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Bắc Giang: Đổi mới chương trình phải có đầu tư cơ sở vật chất tương ứng
Chương trình giáo dục phổ thông mới đã chú trọng tới việc phát triển các “kỹ năng mềm”cho học sinh như giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, hợp tác, ra quyết định, lựa chọn ngành nghề cho tương lai… thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và giáo dục hướng nghiệp.
Việc định hướng rõ về phương pháp giáo dục, lấy hoạt động học của người học làm trung tâm, thông qua các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực cũng là điểm mới đáng ghi nhận của dự thảo. Ở cấp THCS có sự liên môn, tích hợp cao, như môn khoa học tự nhiên, phù hợp với việc giải quyết các vấn đề thực tiễn diễn ra trong thế giới tự nhiên.
Một điểm mới theo tôi rất nhân văn trong dự thảo được thể hiện trong khâu kiểm tra, đánh giá. Nếu trước đây chủ yếu đánh giá học sinh thông qua các bài kiểm tra (kiểm tra miệng, 15 phút, 1 tiết, học kì) thì nay việc kiểm tra đánh giá có thể thông qua các bài viết, dự án học tập, sản phẩm học tập của học sinh… Đặc biệt là chú trọng đánh giá trên lớp, đánh giá quá trình, vì sự tiến bộ của học sinh, không so sánh học sinh này với học sinh khác mà chỉ so sánh sự cố gắng, sự tiến bộ của chính học sinh đó trong quá trình học tập, rèn luyện.
Tiếp cận với quá trình đổi mới, từ nhiều năm nay, cán bộ quản lý và giáo viên chúng tôi đã được tham gia nhiều khóa tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực như dạy học theo chủ đề liên môn, tích hợp; xây dựng và tổ chức dạy học theo chủ đề; hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Tôi cho rằng, đây là tiền đề quan trọng để đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu khi chương trình triển khai trong thực tiễn.
Tuy nhiên, để triển khai đầy đủ và hiệu quả chương trình mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho giáo viên và học sinh trong việc áp dụng công nghệ thông tin, cũng như tiếp cận với các thiết bị dạy học hiện đại trên thế giới, việc quan tâm đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất cho các nhà trường là rất cần thiết.