Nếu năm 2013, tỉnh Điện biên có 510.000 người tham gia BHYT, thì đến hết tháng 6/2018 có 568.033 người tham gia, tỷ lệ bao phủ đạt 98,5%. Để có những kết quả trên đại diện cơ quan BHXH tỉnh Điện Biên cho biết, hiện nay chính sách pháp luật BHYT có những thay đổi đáng kể tạo thuận lợi cho quá trình phát triển mở rộng diện bao phủ BHYT.
Việc mở rộng độ bao phủ BHYT rất có ý nghĩa nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Điều này được thể hiện qua Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2015 với một số quy định mới tác động trực tiếp đến số người tham gia BHYT. Cụ thể Luật đã quy định tham gia BHYT bắt buộc đối với Hộ gia đình với mức đóng giảm dần cho thành viên thứ hai trở đi; thực hiện thông tuyến khám, chữa bệnh theo lộ trình, điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT theo hướng tính đúng, tính đủ... điều đó, giúp cho quyền lợi BHYT của người tham gia ngày càng được bảo đảm.
Bên cạnh đó để thực hiện hiệu quả Luật BHYT, BHXH tỉnh Điện Biên đã tích cực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về BHYT, triển khai tin học hóa trong giám định chi phí KCB BHYT. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh quyết định mức hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình nông- lâm- ngư nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên.
Theo đó ngoài một số nhóm được ngân sách đóng toàn bộ và hỗ trợ đóng như: Hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình… thì nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình - nhóm thuộc diện khó vận động tham gia nhất đã có bước tăng trưởng đáng kể trong 5 năm trở lại đây.
Dù vậy để hướng tới phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT bền vững đối trong các giai đoạn tới là rất khó khăn. Nguyên nhân theo BHXH tỉnh Điện Biên hiện tỷ lệ bao phủ tại tỉnh Điện Biên tuy đạt mức cao nhưng các nhóm chiếm tỷ trọng lớn chủ yếu rơi vào nhóm người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ gia đình cận nghèo…là những nhóm được ngân sách đóng hoặc hỗ trợ mức đóng.
Điều này có nghĩa là khi có thay đổi về chính sách sẽ kéo theo sự biến động về tỷ lệ người tham gia BHYT theo hướng giảm xuống. Bên cạnh đó đối với nhóm BHYT tham gia theo hộ gia đình, trong đó đa phần là lao động phi chính thức, lao động tự do, nông dân với mức thu nhập thấp, không ổn định, khi giải bài toán tăng mức đóng để cân đối quỹ BHYT với lộ trình tăng mệnh giá thẻ BHYT hằng năm sẽ là một thách thức không nhỏ đến việc vận động người dân tham gia BHYT.
Do vậy để tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật BHYT, BHXH tỉnh đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện. Đáng chú ý, sẽ tiếp tục vận dụng các nguồn lực hiện có hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, hộ gia đình nông- lâm- ngư nghiệp có mức sống trung bình và HSSV; mở rộng và đa dạng hóa mạng lưới đại lý thu; đẩy mạnh cải cách TTHC, giao dịch điện tử và nâng cao chất lượng KCB BHYT.
Muốn duy trì ổn định và phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT cần có sự đánh giá và nhận diện đúng đắn về thực trạng trong dài hạn, tiếp tục có được hành lang pháp lý và những chính sách cần thiết để duy trì đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho các nhóm người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ cận nghèo…