Thời gian qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các Bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, các chính sách dân tộc được triển khai đồng bộ, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.
Việc xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn tỉnh là bước đột phá quan trọng, nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của đông bảo bà con là người DTTS. Theo đó, để triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, Ban Dân tộc tỉnh Yên Bái đã chủ động phối hợp các sở, ngành liên quan trình HĐND, UBND tỉnh ban hành 4 nghị quyết, 8 quyết định, nhiều kế hoạch và các văn bản của các sở, ngành hướng dẫn triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ đồng bào DTTS.
Đặc biệt, để thực hiện hiệu quả Dự án 1 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS và miền núi, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã thực hiện hỗ trợ và hoàn thành 788/829 nhà cho hộ nghèo hoàn thành và đưa vào sử dụng 15/23 công trình nước sinh hoạt tập trung. Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đặc biệt, mới đây, Ủy ban Dân tộc đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Yên Bái nhằm đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình MTQG năm 2024, công tác dân tộc và tình hình hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của UBND tỉnh Yên Bái, kế hoạch vốn thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến trên 5.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dự kiến huy động các nguồn vốn khác để lồng ghép, thực hiện các chương trình MTQG là 18.744 tỷ đồng. Kế hoạch vốn đã giao giai đoạn 2021-2024 là trên 3.600 tỷ đồng, bằng 71% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Qua buổi làm việc được biết, năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh còn 12,14%, giảm bình quân 4,93% so với năm 2022, vượt 1,93% so với mục tiêu của chương trình. Trong đó, huyện Mù Cang Chải giảm 9,83%, huyện Trạm Tấu giảm 6,95%. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa 3.954 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó từ Chương trình MTQG 1719 đã hỗ trợ làm mới 1.172 nhà ở cho hộ nghèo và đầu tư 220 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đối với các chương trình tín dụng, năm 2023 và đến 31/7/2024, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn với lũy kế doanh số cho vay trên 2.400 tỷ đồng, đã giúp cho gần 44.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận để sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, cải thiện thu nhập, giải quyết nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.
Chia sẻ hiệu quả sử dụng các Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh, ông Trần Xuân Thủy, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái cho biết, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh đã bám sát các nhiệm vụ trọng tâm, đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc. Tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Tập trung công tác nắm tình hình nhân dân, tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chế độ chính sách theo quy định, nhất là thực hiện hiệu quả Dự án 1 về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt trong đồng bào DTTS và miền núi. Từ đó, góp phần hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án triển khai trong vùng đồng bào DTTS, trọng tâm là các Chương trình MTQG tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh thực hiện, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng, chuyển đổi số trên các lĩnh vực nên đời sống bà con vùng đồng bào DTTS ngày càng được nâng lên.