Cổ phục Việt là một trong những nét văn hóa của dân tộc. Hiện nay ở Việt Nam đã và đang có một số tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm phát huy giá trị, lan tỏa giá trị cổ phục Việt nói riêng và văn hóa truyền thống dân tộc nói chung tới công chúng trong và ngoài nước.
Dấu ấn của người trẻ
Với sự phát triển của đời sống văn hóa nói chung và ngành công nghiệp thời trang nói riêng, trong những năm qua đã “đánh dấu” sự ra đời của những dự án bảo tồn, quảng bá và phát huy cổ phục Việt. Về cơ bản, đại đa số các dự án cổ phục Việt được thực hiện bởi những người trẻ tuổi có đam mê và khát khao gìn giữ, phát huy giá trị, lan tỏa văn hóa truyền thống dân tộc tới công chúng trong và ngoài nước.
Có thể kể đến như Công ty Ỷ Vân Hiên được sáng lập bởi doanh nhân Nguyễn Đức Lộc cùng những bạn trẻ đam mê văn hóa truyền thống Việt Nam. Sau một thời gian vận hành, Ỷ Vân Hiên đã tạo được những dấu ấn như nghiên cứu phỏng dựng những bộ cổ phục qua các triều đại và ứng dụng một cách hiệu quả thông qua các bộ phim truyền hình như “Rồng rắn lên mây”, “Phượng khấu”… dự án chèo “Huyền thoại Gò Rồng Ấp”…
Ngoài ra còn có thể kể đến Vietnam Center với chuỗi dự án “Dệt nên triều đại”, phát huy giá trị cổ phục Việt. Bên cạnh đó là một số thương hiệu quen thuộc đối với những người yêu thích và thường quan tâm các hoạt động liên quan đến thiết kế và may cổ phục Việt như Đông Phong Cổ Phục, Thủy Trung Nguyệt… và cũng có thể kể đến hai tổ chức phi chính phủ hoạt động theo hướng nghiên cứu sâu về văn hóa cổ phong và thực hiện các dự án nhằm bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị cổ phục Việt là Đại Việt Cổ Phong và Đại Việt Phong Hoa.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Thanh Mai (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho rằng, các tổ chức đã có những nhìn nhận thực tế và hướng đi đúng đắn về việc bảo tồn và quảng bá giá trị văn hóa nước nhà nói chung và cổ phục Việt nói riêng. Ngày càng xuất hiện nhiều những tổ chức hoạt động trên lĩnh vực liên quan đến cổ phong và cổ phục, mỗi tổ chức lại có phong cách làm việc riêng: Người thì phỏng dựng, người thì thương mại hóa, người thì bàn luận trong nước, người thì hướng ra quốc tế...
“Nhờ vào sự trưởng thành không ngừng của từng tổ chức, sự đúc rút kinh nghiệm từ các dự án cũ trong quá khứ, ý thức liên kết giữa các tổ chức với nhau mà những dự án cổ phục Việt có xu hướng lớn hơn về quy mô và chuyên nghiệp hơn về cách thức hoạt động dự án” - TS Mai nhận định.
Tìm hướng phát triển bền vững
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công ban đầu trong công tác bảo tồn và quảng bá cổ phục còn nhiều điều chưa thể thực hiện và nhiều vấn đề cần được giải quyết. Bởi có một thực tế, các dự án đều được thực hiện bằng số vốn tự chi trả và kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, công tác quảng bá lan tỏa giá trị cổ phục chưa thực sự được làm quá tốt. Cổ phục Việt mới chỉ tiếp cận được với một bộ phận, vẫn còn nhiều người không hiểu mà giá thấp vai trò và tác dụng của cổ phục Việt và cũng có nhiều người coi đây không phải chuyện của mình.
Còn một điều nữa, để có thể sở hữu một bộ cổ phục Việt theo ý muốn là điều khá khó khăn do giá thành quá cao. Được biết tùy theo phân khúc thực hiện, thiết kế và chất liệu sử dụng mà giá một bộ trang phục chuẩn có giá giao động từ vài triệu đến vài trăm triệu. Giá thuê một bộ cổ phục rơi vào khoảng vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, một cái giá khá là đắt đỏ.
Bền bỉ xây dựng thương hiệu Ỷ Vân Hiên từ năm 2018, nhà sáng lập Nguyễn Đức Lộc bày tỏ, tri thức về cổ phục Việt ở thời điểm hiện tại nhìn chung là mơ hồ và khó hiểu, đồng thời việc thiếu nhân lực chất lượng trong lĩnh vực này cũng là vấn đề cần quan tâm. Tuy nói trang phục phỏng dựng của các thời kì khác nhau, song, sự khác nhau chưa thực sự rõ ràng. Vẫn còn nhiều những tranh cãi trong quá trình thực hiện các nghiên cứu, phỏng dựng. Nhiều cuộc tranh luận đã diễn ra kịch liệt trên các diễn đàn xoay quanh vấn đề đúng hoặc sai của một chi tiết hay cả một mẫu áo. Một số người cho rằng đồng tiền lợi nhuận sẽ tác động và làm lệch lạc những giá trị văn hóa thực sự trong cổ phục. Những người khác, đặc biệt là những chủ doanh nghiệp lại cảm thấy thương mại hóa là tất yếu, là phương pháp để có thể bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa thành công.
Ngoài ra tranh cãi về vấn đề cách tân cổ phục Việt vẫn luôn là điểm nóng. Có những người luôn quan điểm trang phục truyền thống nên được giữ một cách nguyên vẹn, cách tân sẽ làm mất đi đặc điểm riêng biệt, dễ bị nhầm lẫn, pha tạp với trang phục nước khác. Nhưng cũng có những người cảm thấy không cách tân thì khó lòng phát huy được giá trị cổ phục trong thời điểm hiện tại, vì mỗi thời kì không hề giống nhau..
Có thể nói, để cổ phục “sống” trong thời hiện đại thì việc chuyên nghiệp hóa là điều tất yếu. Nhưng làm sao để chuyên nghiệp hóa khi mà hầu hết các tổ chức đều mới ở điểm xuất phát là những doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ lẻ? Đây là vấn đề không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, càng không thể giải quyết nếu người đứng đầu không có những kiến thức về quản trị và lại thiếu hụt hiểu biết văn hóa truyền thống dân tộc.
Đại Việt Cổ Phong có lẽ là hội nhóm về cổ phục đầu tiên được thành lập vào năm 2014. Nhóm gồm những người yêu thích văn hóa truyền thống, thích trang phục cổ của Việt Nam, đã thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng đến hoa văn tại các đình, đền, chùa, đặc biệt là phục chế trang phục cổ... với mong ước tái hiện để mọi người có thể hình dung, cảm nhận được cảm quan thẩm mỹ của người Việt xưa.