Cả nước hiện có 700 siêu thị, 100 trung tâm thương mại. Nếu hàng hóa trong nước được kết nối với tất cả các kênh siêu thị và trung tâm thương mại thì nhà sản xuất, đặc biệt là người nông dân sẽ bớt lo tìm đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, hàng nội trong siêu thị mới chỉ chiếm con số khiêm tốn: 20%.
Khiếm khuyết trong chuỗi kết nối
Tại buổi hội thảo “Tự hào Hàng Việt - Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất tới siêu thị” do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) phối hợp với Công ty TNHH Samsung Điện tử Việt Nam (Samsung) tổ chức sáng qua (31-7), hầu hết các DN tham dự hội thảo đều cho rằng, cần phải đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối hơn nữa, để giúp nhà sản xuất và người tiêu dùng gặp nhau.
Theo GS Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE, thời gian qua chúng ta đã chứng kiến thực trạng “được mùa rớt giá” thường xuyên diễn ra đối với một số mặt hàng nông sản, thủy sản trong nước. Mặc dù đã có sự vào cuộc của các bộ, ngành, các nhóm tình nguyên viên, sinh viên giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm, nhưng qua đây càng bộc lộ rõ hơn khiếm khuyết của chúng ta trong cả sản xuất và phân phối hàng hóa, sự kết nối giữa người sản xuất với siêu thị, cửa hàng bán lẻ.
Ngoài ra, theo vị chủ tịch VAFIE, việc mở cửa thị trường khi hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN từ cuối năm nay, giảm thuế phần lớn hàng hóa nhập khẩu bằng 0% vào 2018 là cơ hội lớn nhưng cũng sẽ có nhiều thách thức đối với các DN Việt Nam.
Bởi vậy, nếu không có sự điều chỉnh chiến lược kinh doanh của từng DN, không thiết lập tốt hơn quan hệ phân công và hợp tác trong từng ngành theo chiều dọc từ sản xuất đến siêu thị, mạng lưới bán lẻ, theo chiều ngang giữa các DN trong từng loại sản phẩm… thì hàng hóa trong nước khó có thể đứng vững ngay tại sân nhà.
Cũng nêu lên những bất cập của chuỗi cung ứng hiện nay, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Các siêu thị Hà Nội cho rằng, sản xuất hiện nay của Việt Nam nhất là sản xuất nông lâm thuỷ sản đang còn hết sức lạc hậu, manh mún, chất lượng hàng hoá không ổn định, lúc khan hiếm, lúc dư thừa…
Theo ông Phú, thực trạng phổ biến hiện nay là hàng hoá được sản xuất ra nhưng người sản xuất lại ít được quyết định giá bán, chủ yếu phụ thuộc thương lái, nhà buôn và khâu bán lẻ nên thường bị đẩy chi phí lên cao do đi qua quá nhiều khâu trung gian. Do đó, nhà sản xuất không có động lực để phát triển một cách bền vững, còn người tiêu dùng thì phải chịu thiệt thòi vì phải mua sản phẩm với giá cao.
“Hầu hết người tiêu dùng đều chưa hài lòng với cách phân phối bán lẻ hiện nay”- ông Phú nhận định và đặt câu hỏi: Một nền công nghiệp bán lẻ ở một nước có thể phát triển được không khi mà dựa trên một nền sản xuất thấp kém, không có chuỗi sản xuất bán lẻ lớn mạnh?
Khâu phân phối có ý nghĩa quan trọng
Hiện cả nước có 700 siêu thị, 100 trung tâm thương mại, riêng Hà Nội có 100 siêu thị và 20 trung tâm thương mại nhưng thị phần của cả nước về siêu thị mới chiếm 20%. Như vậy, 80% kênh bán lẻ được phục vụ ở các chợ truyền thống, như chợ cóc, hàng rong... Theo ông Phú, siêu thị là một kênh bán hàng văn minh, dễ dàng kết nối nhà sản xuất với người tiêu dùng, do đó cần được đầu tư và quan tâm nhiều hơn.
Là một trong những DN từ lâu nổi lên trên thương trường với ngành nghề kinh doanh bất động sản, song Tập đoàn Vingroup mới đây cũng đã bước chân vào thị trường bán lẻ, đầu tư bài bản vào nông nghiệp với mục đích sẽ mang đến cho người tiêu dùng các sản phẩm chất lượng tốt, an toàn và chi phí rẻ.
Theo ông Lê Khắc Hiệp - Phó chủ tịch Vingroup, với mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nội địa, ngay từ đầu hoạt động, hệ thống siêu thị VinMart của Tập đoàn đã có chủ trương xây dựng kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa từ nơi sản xuất tới siêu thị. Nhờ đó, nhiều nhà cung cấp, sản xuất hàng hóa trong nước nhiều địa phương đã có thể tiêu thụ hàng hóa của mình qua kênh phân phối là hệ thống siêu thị VinMart.
Ông Hiệp cho rằng, chỉ có liên kết chuỗi giữa nông nghiệp và DN mới có thể giải quyết căn cơ thực trạng được mùa rớt giá hiện nay của nhiều loại nông sản, thủy sản như đã diễn ra nhiều năm nay. Và các hệ thống siêu thị chính là một trong những kênh kết nối đó.
Bên lề hội thảo, PV Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc phỏng vấn ông Han Myoungsup, Tổng Giám Samsung Điện tử tại Việt Nam. Với câu hỏi: Samsung có định hướng trở thành một doanh nghiệp quốc dân tại Việt Nam không? Ông Han Myoungsup chia sẻ: Trong quá trình đầu tư và xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam, Samsung đã tuyển dụng rất nhiều người lao động Việt Nam và những sản phẩm của chúng tôi đều được làm ra từ bàn tay và khối óc của họ. Việc tạo ra những sản phẩm tốt có thể giúp Samsung trở thành một doanh nghiệp quốc dân, đóng góp vào Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hơn nữa chúng tôi tạo ra những sản phẩm tốt không chỉ để phục vụ người tiêu dùng trong nước mà còn để nhận được sự ủng hộ của người dân ở khắp các nước trên thế giới. Với mong muốn trở thành một doanh nghiệp quốc dân thực sự của Việt Nam, chúng tôi không chỉ sản xuất ra các sản phẩm tại Việt Nam, mà còn đóng góp vào công cuộc phát triển của đất nước Việt Nam. Vào ngày 15 tháng 7 vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Công thương, tổ chức buổi triển lãm thu hút sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp trong nước về vấn đề tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung. Đây là đóng góp của Samsung cho sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam. Với thông điệp “Tự hào hàng Việt”, Samsung hiểu rõ rằng xây dựng lòng tự hào của người dân về hàng Việt Nam không chỉ là sứ mệnh của các cấp chính quyền, mà còn là của cộng đồng các DN đang sản xuất hàng hóa tại Việt Nam, không phân biệt DN thuần nội hay DN có vốn đầu tư nước ngoài. Bằng những đóng góp của mình trong việc sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng tốt cả thị trường trong nước và xuất khẩu, Samsung hi vọng có thể góp phần đưa tinh thần của cuộc vận động không chỉ là “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà còn nâng lên tầm “Người Việt Nam tự hào về hàng Việt Nam”. M. Phương (ghi) |