Đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống

NAM VIỆT 17/07/2023 17:32

Ngay sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã và đang tổ chức tiếp xúc cử tri. Đây là hoạt động gắn kết giữa đại biểu dân cử với cử tri, giữa xây dựng với thực thi pháp luật, sớm đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc làm việc về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV. Nguồn: Quochoi.vn.

Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật

Chiều ngày 6/7, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc làm việc về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc ban hành và tổ chức quán triệt, thi hành các luật, nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng. Cần phải được tổ chức chu đáo, khẩn trương, để hiện thực hóa yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả, góp phần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội đối với công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Đây cũng chính là điểm mới của Quốc hội khóa XV, là một trong những biện pháp để Quốc hội, ĐBQH, cơ quan dân cử địa phương giám sát từ sớm, từ xa việc tổ chức thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.

Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV sẽ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tổ chức, cơ quan phối hợp là Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước. Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến trong 1 ngày.

Tại Hội nghị có 2 báo cáo. Thứ nhất, báo cáo của Chính phủ, tập trung đánh giá tình hình và kết quả triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5. Thứ hai, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác triển khai luật, nghị quyết đối với với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước..., bảo đảm các luật, nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống, phát huy cao nhất hiệu quả phục vụ sự phát triển của đất nước, vì lợi ích chung của người dân, doanh nghiệp.

Sau 23 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 22/5 - 10/6/2023; đợt 2 từ ngày 19/6 - 24/6/2023), Quốc hội đã thông qua 8 luật; 17 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật; cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật.

Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn; xem xét, quyết định các vấn đề về nhân sự, kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; xem xét Báo cáo về tổng hợp kiến nghị của cử tri và nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị quan trọng khác. Đặc biệt, các ĐBQH đã đề xuất và quyết nghị nhiều giải pháp thiết thực, kịp thời, nhất là có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.

Yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với thực hiện pháp luật, bảo đảm pháp luật thực thi hiệu lực, hiệu quả, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh có thành công tốt đẹp hay không còn phụ thuộc vào kết quả thực hiện các cam kết, lời hứa của Chính phủ, các thành viên Chính phủ; đòi hỏi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhân dân, cử tri giám sát Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp, để các luật, nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Cơ chế đặc thù mới cho TP Hồ Chí Minh

Chiều 7/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với TPHCM triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Thủ tướng nhất trí lập Ban chỉ đạo thực hiện nghị quyết. Kế hoạch hành động của Chính phủ sẽ được ban hành ngay. Các nhiệm vụ này hoàn thành trong tháng 7, chậm nhất là 15/8.

Theo Thủ tướng, thực hiện thành công cơ chế đặc thù phát triển TPHCM "thì cả nước cùng được hưởng". Đây là nhiệm vụ chung, cả nước chung tay với thành phố, với tinh thần cả nước vì TPHCM, TPHCM vì cả nước.

Một trong những quyết định quan trọng tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV là Quốc hội chính thức thông qua cơ chế đặc thù mới phát triển TPHCM; có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.

Về đầu tư, TPHCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), trong đó dùng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với các dự án đầu tư vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt, nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3.

Quốc hội cho phép TPHCM đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với dự án lĩnh vực thể thao, văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo; được áp dụng hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Về tài chính, ngân sách nhà nước, HĐND TPHCM quyết định và điều chỉnh mức, tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa có trong danh mục của Luật Phí, lệ phí. Ngân sách thành phố được hưởng 100% số tăng từ các khoản thu này.

Về thu hút nhà đầu tư chiến lược, TPHCM được tự quyết cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực sản xuất chip, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới.

Về xây dựng - quy hoạch và đầu tư, Nghị quyết trao quyền cho TPHCM được bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong diện tích dự án làm nhà ở thương mại hoặc đất được Nhà nước giao, cho thuê phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, xây dựng. HĐND TPHCM được trao quyền quyết định bố trí ngân sách để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức... theo hiệu quả công việc. Mức chi này tối đa 1,8 lần lương ngạch, bậc, chức vụ; thu nhập tăng thêm tối đa 0,8 lần quỹ lương cơ bản công chức, viên chức, cán bộ quản lý...

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ bắt tay làm ngay các chính sách thí điểm đặc thù đã được Quốc hội thông qua. "TPHCM sẽ nỗ lực triển khai tốt Nghị quyết. Cả nước đã vì TPHCM, thành phố sẽ tập trung làm để đáp ứng niềm tin đó" - ông Mãi nói.

Công phá tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm

Đó là một trong những yêu cầu cấp bách đặt ra đòi hỏi sớm có sự chuyển biến, trong đó có trách nhiệm giám sát của ĐBQH, Quốc hội khi triển khai các nghị quyết của Quốc hội kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Thời gian qua, việc một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám thực thi công vụ diễn ra khá phổ biến ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, gây cản trở nguồn lực và động lực phát triển. Muốn giải quyết rốt ráo, nói như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thì “cả hệ thống chính trị cần vào cuộc công phá tâm lý sợ sai, không dám làm của cán bộ để thúc đẩy phát triển”.

Theo các ĐBQH, đã đến lúc phải mổ xẻ, phân loại cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm để có cách thức, biện pháp xử lý. Đó là những người không làm gì vì không có lợi cho bản thân, cho “lợi ích nhóm”; kể cả những cá nhân không làm gì do lo sợ thanh tra, kiểm tra, sợ bị xử lý kỷ luật, sợ bị “dính” vào lao lý. Ông Lê Thanh Vân (đoàn ĐBQH Cà Mau) cho rằng, số cán bộ “không làm gì cả” là vô trách nhiệm và vi phạm pháp luật, phải xử lý.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc công phá tâm lý sợ sai, không dám làm, song bên cạnh đó rất cần sự giám sát để thúc đẩy hành động. Đây là công việc khó khăn đòi hỏi sự quyết tâm và phải rất bền bỉ. Điều đó được cử tri và nhân dân trông đợi, trước tiên là tại Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV sẽ được tổ chức sắp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa luật, nghị quyết vào cuộc sống