Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Thanh Giang 29/08/2023 07:42

Tới nay, nhiều doanh nghiệp thành công khi lựa chọn thương mại điện tử là kênh phân phối chính đưa sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước.

Nông sản ngày càng thêm các hình thức mua bán phong phú.

Ông Phạm Sơn Tùng - Phó ban hợp tác Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, dù còn nhiều khó khăn nhưng kênh bán hàng qua thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam tiếp tục là điểm sáng, tốc độ tăng trưởng trên 2 con số. Đáng lưu ý, kênh mạng xã hội và Tiktok tăng trưởng nhanh chiếm xấp xỉ 47% tỷ trọng đơn hàng các kênh bán online của nhà kinh doanh cũng như các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa.

Theo ông Tùng, thống kê cho thấy nhóm sản phẩm nông sản, sản phẩm thiết yếu được người tiêu dùng quan tâm nhiều. Đơn cử, trái cây và rau củ chiếm 45%, chăm sóc sức khỏe chiếm 42%, thịt tươi và thực phẩm từ sữa chiếm 40%...

“Người tiêu dùng chuyển từ mua thứ họ muốn sang thứ thực sự cần. Sản phẩm trái cây, rau củ, thịt tươi, thực phẩm từ sữa vẫn được ưu tiên nhiều nhất trong các sản phẩm dù là có thắt chặt chi tiêu. Đây chính là điều kiện thuận lợi doanh nghiệp, hợp tác xã cần chú ý để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh” - ông Tùng dẫn số liệu từ NielsenIQ và thông tin thêm, có trường hợp chỉ thông quả vài phiên livestream qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã bán được 12 tấn mận trực tiếp tại vườn. Có DN sản xuất bánh tráng Tây Ninh, muối tôm Tây Ninh nhưng sản phẩm đã bán hàng đi khắp thế giới thông qua sàn thương mại điện tử Amazon, Alibaba,...

Mặc dù, đánh giá cao kênh bán hàng qua sàn TMĐT song rất nhiều nông dân, hợp tác xã, DN chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm từ mô hình này.

Ông Lâm Ngọc Tuấn - Giám đốc Hợp tác xã Tuấn Ngọc (Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ: “Đơn vị đang có nguồn rau thủy canh rất lớn. Hiện đang phân phối cho nhiều kênh phân phối khác nhau nhưng vẫn muốn tìm hiểu và phân phối hàng hóa trên các sàn TMĐT, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu”.

Tương tự, ông Nguyễn Quách Nhi - Giám đốc Kinh doanh ngành hàng thực phẩm tiêu dùng, Công ty TNHH Tiki khẳng định, đang xây dựng các gian hàng nông sản trên sản TMĐT, giúp DN dễ dàng đưa hàng đến tay người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Minh Đức - đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ truyền thông Zafago nhận định, rào cản lớn nhất trong việc tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT là người Việt Nam không có thói quen mua nông sản online. Người tiêu dùng muốn mua nông sản bằng cách lựa chọn trực tiếp sản phẩm. Người tiêu dùng chỉ mua nông sản online trừ khi đó là sản phẩm hiếm. Đây chính là thói quen của người tiêu dùng, nếu muốn thay đổi thì cần một thời gian rất lâu.

Ông Dương Đức Trọng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cũng cho rằng, tiêu thụ nông sản trên các sàn TMĐT mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, nhưng sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp trực tuyến đảm bảo quy trình giao hàng an toàn, giao hàng đúng thời gian vẫn là thách thức. Các DN vừa và nhỏ cũng như hợp tác xã thiếu nhân lực chuyên môn nên bán hàng trên TMĐT chưa thật hiệu quả. Chưa kể khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng bán hàng hiện đại còn hạn chế. Ngoài ra, cần có hệ thống vận chuyển, phân phối hiệu quả, đảm bảo chất lượng tốt nhất trong thời gian ngắn nhất.

“Hy vọng các sàn TMĐT hỗ trợ hơn nữa cho nông dân, hợp tác xã, DN để nông sản bán dễ dàng, hiệu quả hơn. Giao dịch nông sản TMĐT trở thành xu hướng tất yếu, không chỉ mang lại doanh thu, lợi nhuận cho nông dân mà còn là hướng đi đúng đắn” - ông Trọng nói.

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, TMĐT là xu hướng mới nếu bắt kịp được sẽ thuận lợi cho hoạt động bán hàng của nông dân. Đã có DN đầu tư kỹ các trang mạng xã hội, sàn thương mại, nhận diện thương hiệu rất rõ, sản phẩm bán khắp thế giới, doanh thu tăng trưởng liên tục. Muốn thành công, ngay từ đầu DN cần xác định TMĐT là kênh phân phối chính và phải đầu tư rất nhiều, không đơn thuần chỉ lập trang là xong. Cần thiết nên thuê chuyên gia tư vấn vì tránh đầu tư nhiều nhưng hiệu quả không cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO