Theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng hỗ trợ thanh khoản thị trường mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm phát triển kênh huy động vốn dài hạn này.
Gần 300. 000 tỷ đồng TPDN đến hạn đáo
Theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam, năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Riêng tháng đầu năm, có khoảng 17.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn; trong đó, 10.500 tỷ đồng trái phiếu bất động sản, chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và 5.900 tỷ đồng trái phiếu xây dựng, chiếm 34%.
FiinRatings - Tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng cho biết năm 2023 áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn duy trì ở mức đáng kể với hơn 119.000 tỷ đồng và năm 2024 gần 112.000 tỷ đồng. Tổ chức này kỳ vọng các biện pháp tái cấu trúc nợ sẽ được thực hiện sớm, nhất là các trái phiếu được phân phối thứ cấp đến nhà đầu tư cá nhân.
Những sai phạm của một số doanh nghiệp trên thị trường TPDN thời gian qua khiến thị trường này bị sụt giảm. Tháng 9 /2022 vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/ 2022/ NĐ – CP ( Nghị định 65) để chấn chỉnh thị trường TPDN, bảo vệ quyền lợi cho cả DN phát hành và nhà đầu tư, khắc phục bất cập trên thị trường thời gian vừa qua. Nghị định 65 tăng cường quản lý, giám sát bao gồm cả giám sát liên thông giữa lĩnh vực thị trường tài chính, lĩnh vực tín dụng ngân hàng và các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Tuy nhiên đặt trong bối cảnh thị trường vốn đang khó khăn, áp lực đáo hạn TPDN đang quá lớn, sự chặt chẽ của Nghị định 65 có nguy cơ gây khó thêm thị trường TPDN.
Theo TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, Nghị định 65 chưa phù hợp với bối cảnh hiện tại, khiến doanh nghiệp khó phát hành TPDN cũng như đáp ứng các yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm, tài sản bảo đảm… Vì cậy cấp thiết phải sửa đổi Nghị định 65, giãn thời gian áp dụng một số quy định trong Nghị định 65 để hỗ trợ cho cả bên cung và bên cầu trên thị trường TPDN riêng lẻ được ủng hộ.
“Do đó nếu không chỉnh sửa sớm Nghị định 65 thì DN sẽ khó phát hành trái phiếu” – ông Hiển nói.
Tránh tâm lý “quay lưng” với TPDN
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng khẳng định, đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra các tổ chức phát hành, các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, công ty kiểm toán… liên quan tới thị trường này. Mặt khác, tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thống nhất về giải pháp hỗ trợ thị trường TPDN riêng lẻ phát triển đồng bộ, lành mạnh, đúng định hướng.
Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp phát hành chấp hành nghiêm quy định pháp luật về trái phiếu và công bố thông tin minh bạch để nhà đầu tư nắm bắt kịp thời và đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.
“Cần tăng cường và phát huy vai trò của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý khác, đặc biệt tập trung nguồn lực để doanh nghiệp phát triển, góp phần nâng cao năng lực của nền kinh tế” – Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Nếu Nghị định sửa đổi Nghị định số 65 được ban hành càng sớm thì càng có thời gian để thị trường TPDN điều chỉnh lại và DN có thể cân đối nguồn tiền trong ngắn hạn, góp phần vượt qua giai đoạn khó khăn về thanh khoản như hiện nay. Về định hướng trung và dài hạn, để phát triển thị trường TPDN minh bạch, bền vững cần có lộ trình để tiếp tục triển khai quy định tại Nghị định số 65 và rà soát, sửa đổi tận gốc quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ tại Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đánh giá, Nghị định 65 đã được ban hành, trong đó có một số quy định siết chặt hơn hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ. Nghị định này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường trở nên an toàn và phát triển bền vững hơn, nhưng cũng cần có lộ trình phù hợp hơn. "Việc sửa đổi một số nội dung của nghị định cần đảm bảo với mức độ cân bằng và lộ trình phù hợp giữa kiểm soát rủi ro và hỗ trợ phát triển lành mạnh", ông Lực nói.
Theo ông Mã Thanh Danh - Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn quốc tế CIB, trong năm 2023, các doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp nhiều áp lực đáo hạn trái phiếu, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ trái phiếu nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời. Để giải quyết vấn đề này, ông Danh cho rằng, các doanh nghiệp cần tìm nguồn vốn mới để đảo nợ hoặc tìm cách cơ cấu lại các khoản nợ, thỏa thuận với trái chủ để giải quyết vấn đề.