Kinh tế

Đưa vốn vào khu vực kinh tế tư nhân

T.Hằng 27/03/2025 10:00

Theo các chuyên gia, để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế, cần một chiến lược với những nhóm giải pháp mang tính đột phá, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu mới.Trong đó, nguồn vốn là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,5%

Theo chuyên gia kinh tế - TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, trong số 940.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, phần lớn DN vẫn là DN nhỏ và siêu nhỏ, trong khi số lượng DN cỡ vừa còn rất khiêm tốn.

Đáng chú ý, các DN quy mô vừa chỉ chiếm 1,5% tổng DN, tạo ra cơ cấu DN chênh lệch khi so sánh với cơ cấu của khu vực DN khác như tại Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.

Anh cv
Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, là lực lượng nòng cốt trong nền kinh tế thị trường. Ảnh: Quang Vinh

“Tình trang thiếu DN cỡ vừa cũng là một biểu hiện cho thấy có rất ít DN nhỏ đã lớn lên để trở thành DN quy mô vừa” – ông Bình băn khoăn.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng DN "chậm lớn" là do các DN thiếu vốn đầu tư, thiếu khả năng tiếp cận nguồn tín dụng dài hạn và các quỹ đầu tư hỗ trợ phát triển.

Theo TS Nguyễn Đình Cung – nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương hiện nay, chúng ta đang nhấn mạnh DN tư nhân là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế, cần tăng trưởng cao nhất. Nếu khu vực này không đạt tăng trưởng khoảng 10% thì nền kinh tế chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu đề ra. Do vậy cần tạo ra một môi trường, hệ thống chính sách hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy phát triển DN tư nhân.

Tạo điều kiện cho DN tư nhân tiếp cận vốn, đất đai, khoa học - công nghệ, dữ liệu… kịp thời, đủ lớn về quy mô và đồng bộ để họ bứt phá lên một cấp độ mới, từ siêu nhỏ đến nhỏ, từ nhỏ đến vừa, từ vừa đến lớn - một ngưỡng rất khó của DN.

“Khuôn khổ để DN tư nhân phát triển không chỉ là vốn tín dụng, mà còn là vốn đầu tư dài hạn” – ông Cung nhấn mạnh và cho rằng, Nhà nước cần mở ra thị trường vốn đầu tư đa dạng hơn, giảm gánh nặng cho phía ngân hàng.Phải phát triển thị trường vốn có các loại quỹ, điều mà hiện nay chúng ta đang thiếu rất nhiều.Vì thiếu nên nhiều DN chưa phát triển được.

DN hạn hẹp nguồn lực, muốn được ưu đãi lãi suất. Đó là tình trạng chung của cộng đồng DN hiện nay. Trong bối cảnh đó, ông Đặng Đình Chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần SMP Holdings (SMP) - DN Việt Nam đầu tiên và duy nhất là đối tác cấp 1 sản xuất và lắp ráp điện thoại và máy tính bảng cho Samsung, cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho hơn 70 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lĩnh vực điện tử kiến nghị, Chính phủ cần đề xuất, giới thiệu để DN Việt Nam trở thành đối tác cấp 1 sản xuất, lắp ráp linh kiện cho các Tập đoàn công nghệ lớn; có chính sách ưu đãi, nhất là về vốn để DN vừa và nhỏ mở rộng đầu tư, phát triển.

Còn theo bà Nguyễn Thị Vinh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng (Thái Nguyên), lãi suất vẫn đang là vấn đề làm khó nhiều DN nên NHNN cần điều chỉnh thu hẹp giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi, thu hẹp khoảng cách mua bán ngoại tệ. Các ngân hàng cũng cần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, khuyến khích bình đẳng quan hệ 2 chiều giữa DN và ngân hàng…

Cộng đồng DN cũng mong muốn nhận được các chính sách hỗ trợ thực chất hơn.Đối với những lĩnh vực nhà nước muốn ưu tiên và thúc đẩy, cần có cơ chế, chính sách và lãi suất hỗ trợ phù hợp.Ngược lại, nếu cứ chờ đến khi phát sinh vướng mắc rồi mới tháo gỡ thì sẽ rất khó khăn và tốn kém.

Ông Nguyễn Văn Nhựt – Giám đốc Công ty Lúa gạo Hoàng Minh Nhựt đánh giá cao nỗ lực ổn định và giảm lãi suất của các ngân hàng thời gian qua, bởi chi phí lãi vay chiếm tỷ trọng rất lớn trong hoạt động sản xuất kinh doanh lúa gạo. Tuy nhiên, ông Nhựt cũng cho rằng, để tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, DN cần có phương án tài chính và phương án sản xuất kinh doanh rõ ràng minh bạch.

"May đo" sản phẩm tài chính phù hợp

Cũng cần thừa nhận rằng, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp tích cực để thúc đẩy nguồn vốn vào sản xuất kinh doanh nói chung và khối DN tư nhân nói riêng.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các DN nhỏ và vừa được xác định là đối tượng ưu tiên cho vay với lãi suất ưu đãi khi cho vay ngắn hạn bằng VND thấp hơn các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường (hiện nay là 4%/năm).

ảnh chính 1
Doanh nghiệp mong muốn nhận được các chính sách hỗ trợ thiết thực. Ảnh: Quang Vinh

Tính đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng đối với DN tư nhân tại các tổ chức tín dụng đạt khoảng 6,91 triệu tỷ đồng, tăng 14,72% so với năm 2023, chiếm khoảng 44% dư nợ tín dụng nền kinh tế.

Trong đó, có 100 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng đối với DN nhỏ và vừa với tổng dư nợ đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2023, chiếm 17,6% dư nợ nền kinh tế. Nhiều DN cho biết, những năm gần đây, việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đã thuận lợi hơn, nhưng đây vẫn là việc khó khăn đối với không ít DN, nhất là những DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Về phía các ngân hàng thương mại, bà Phùng Thị Bình - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết trong suốt thời gian qua, tình hình dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thiên tai, bão lũ, Agribank đã thực hiện các chương trình như cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm lãi suất cho vay…

“Quan trọng nhất, với mục tiêu phát triển nền kinh tế đạt 8% năm 2025, Agribank được thông báo tăng trưởng tín dụng 13% với số tuyệt đối 230.000 tỷ đồng. Trong khi đó, với dư nợ hiện tại là 1,74 nghìn tỷ đồng thì 90% dành cho khu vực kinh tế tư nhân. Số liệu trên thể hiện chúng tôi rất quan tâm đến khách hàng kinh tế tư nhân, đặc biệt Agribank luôn gắn với sứ mệnh phát triển nông nghiệp nông thôn và nông dân” - bà Bình thông tin.

Còn đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát (LPBank) cũng cho biết đã dành hơn 15.000 tỷ đồng cho các chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi, lãi suất vay linh hoạt chỉ từ 6,15%-6,5% đối với VND và 5%/năm đối với USD. Đặc biệt, ngân hàng này cũng mới “tung” gói vay quy mô 8.000 tỷ đồng với ưu đãi lãi suất giảm sâu chỉ từ 4,8%/năm với các khoản vay ngắn hạn USD và từ 6,3%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn VND. Đối với các khoản vay trung dài hạn, lãi suất chỉ từ 7%/năm với thời hạn cố định lên tới 12 tháng.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng thừa nhận phát triển kinh tế tư nhân còn có những vướng mắc, nhưng chất lượng tín dụng ở khu vực này lại tốt và cao hơn, độ rủi ro thấp, an toàn cao hơn. Đây cũng là nền tảng để ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tín dụng ngân hàng trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, với sự phát triển của công nghệ, kinh tế sáng tạo, ngoài những hỗ trợ đã có, NHNN đã và đang nghiên cứu để có những giải pháp mạnh hơn cho vốn vào kinh tế tư nhân; tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm để tăng sức tiếp cận của DN tư nhân với vốn ngân hàng nhiều hơn nữa.

Bản thân mỗi DN nhỏ và vừa nói riêng, kinh tế tư nhân nói chung, cũng phải tăng cường chia sẻ. Tổ chức tín dụng cũng cần có giải pháp để mối quan hệ cộng sinh này tốt hơn.

TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: Cần những giải pháp đột phá

cấn văn lực

Để tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển cần có những giải pháp đột phá trong thời gian tới. Đầu tiên, cần thống nhất, nhất quán về tư duy "đột phá"; thay đổi quan điểm và nhận thức về vai trò và vị trí của khu vực kinh tế tư nhân; coi khu vực này là động lực quan trọng nhất trong tăng trưởng kinh tế, là lực lượng nòng cốt trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương hoàn thiện môi trường kinh doanh như sửa đổi luật DN nhỏ và vừa; xây dựng khung pháp lý cho môi trường kinh doanh mới như kinh tế xanh, kinh tế số cũng như có cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) cho lĩnh vực tài chính...

Đồng thời, phân nhóm DN để quản lý, hỗ trợ chứ không cào bằng. Hỗ trợ DN dân tộc lớn lên để vươn tầm nhưng hỗ trợ cần căn cứ vào mức độ đóng góp của DN với nền kinh tế, chứ không phải hỗ trợ theo quy mô.

T.Xuân

TS. Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Tiếp tục bãi bỏ những rào cản không cần thiết

nguyễn đình cung
nguyễn đình cung

Chúng ta có 1 triệu DN thì mới có khoảng 20 tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, như vậy, nếu muốn có 50, 60,70 tập đoàn kinh tế thì cần đến 1,5- 2 - 3 triệu DN. Chúng ta không thể xây dựng một tập đoàn kinh tế mà thiếu đi nền tảng là các DN nhỏ.

Đối với sự liên kết giữa các DN trong khu vực kinh tế tư nhân, tôi cho rằng, các DN gắn với nhau vì lợi ích, nhưng hãy để cho DN tự do sáng tạo, tự do kinh doanh, cần tiếp tục bãi bỏ những rào cản không cần thiết, điều tiết thị trường thông qua cơ chế thị trường.

H.H.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa vốn vào khu vực kinh tế tư nhân