Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai liên tiếp thoái vốn tại nhiều công ty con trước bối cảnh tình hình kinh doanh chưa thể khởi sắc.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) vừa công bố thông tin về việc cấu trúc lại các khoản đầu tư tài chính dài hạn tại Công ty Cổ phần Cà Phê Gia Lai (UPCoM: FGL) và Công ty Cổ phần Chè Biển Hồ (UPCoM: BHG).
Theo đó, Đức Long Gia Lai thống nhất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, vốn góp tại Cà Phê Gia Lai và Chè Biển Hồ, tương đương hơn 7,4 triệu cổ phiếu FGL và hơn 4,5 triệu cổ phiếu BHG. Số lượng cổ phiếu chiếm 51% vốn của Cà Phê Gia Lai và Chè Biển Hồ. Thời gian thực hiện chuyển nhượng là từ ngày 1/12/2021 đến hết ngày 31/3/2022. Phương thức chuyển nhượng là giao dịch khớp lệnh hoặc thỏa thuận.
Theo tìm hiểu, các cổ phiếu FGL và BHG hiện đều trong tình trạng kém thanh khoản trên thị trường. Nếu chiếu theo giá kết phiên 03/12, ước tính các giao dịch trên có thể đem về cho Tập đoàn số tiền xấp xỉ 140 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh của CTCP Chè Biển Hồ sụt giảm, trong năm 2020 khi chỉ đem về 631 triệu đồng lãi ròng, giảm 65% so với năm 2019. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh của CTCP Cà phê Gia Lai còn tệ hơn khi thua lỗ liên tục từ năm 2018 đến nay.
Được biết, Công ty Cà Phê Gia Lai có vốn điều lệ hơn 146,7 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực mua bán nông sản, trồng cây cà phê, buôn bán phân bón sử dụng trong nông nghiệp. Còn Công ty Chè Biển Hồ có vồn điều lệ 89 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh chính là mua bán xuất nhập khẩu chè, cà phê, trồng và chế biến cà phê, kinh doanh vật tư nông nghiệp,…
Trước đó, vào tháng 9/2021, HĐQT Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã thông qua việc thoái vốn và chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại 2 công ty con khác là Công ty Cổ phần Năng lượng Tân Thượng và Công ty Cổ phần Đầu tư và kinh doanh bất động sản Đức Long Gia Lai.
Về tình hình kinh doanh của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 với doanh thu thuần đạt 395 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp cũng giảm 35% so với cùng kỳ xuống 75 tỷ đồng, tương ứng biên lãi gộp co lại từ 24% về 19%.
DLG giải trình do dịch Covid-19 bùng phát đợt thứ 4 tại Việt Nam khốc liệt ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, một số ngành nghề tạm ngưng hoạt động khiến doanh thu giảm. Ngược lại, doanh thu tài chính trong kỳ đã tăng gấp 3 lần lên 105 tỷ đồng nhờ điều chỉnh lãi suất cho vay theo thị trường và lãi từ thoái vốn công ty con. Sau khi trừ chi phí, DLG lãi ròng sau thuế 1,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ tới 253 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, DLG ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.297 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế thu về 25 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 550 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, DLG vẫn còn lỗ lũy kế 838 tỷ đồng tính đến hết 30/9/2021.
Trên thị trường, cổ phiếu DLG đã có nhịp tăng mạnh trong khoảng 2 tháng trở lại đây và hiện đang dừng ở mức 6.890 đồng/cổ phiếu, gấp 2,3 lần thời điểm đầu tháng 9.
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã thông báo giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu DLG do khoản lỗ luỹ kế tại thời điểm 30/6/2021 hơn 842 tỷ đồng và khoản cho vay 2.400 tỷ đồng không có tài sản bảo đảm, không có bảo lãnh của bên thứ ba, khiến đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.