Những ngày qua, dư luận xã hội đang “sôi lên sùng sục” với việc các công ty điện lực ở nhiều địa phương yêu cầu khách hàng thanh toán số tiền điện vượt hàng chục lần so với sử dụng thực tế. Song, việc khiến dư luận bức xúc hơn là các đơn vị điện lực lại đưa ra những lý giải hết sức khiên cưỡng, thiếu thuyết phục.
Ví dụ như: mưa làm máy hoạt động không chính xác, nắng nóng làm nhân viên ghi nhầm chỉ số công tơ, nhập chỉ số công tơ vào ipad nhầm... dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng đột biến lên gấp vài lần đến vài chục lần.
Dư luận có cảm giác ngành điện đang cố lẩn tránh sự thật, dùng những lý do không chính đáng để bao biện cho hành vi lừa dối khách hàng. Không lừa dối tại sao nhiều đơn vị điện lực ở nhiều địa phương lại cùng có sự “nhầm lẫn” nâng số tiền khách hàng phải thanh toán lên cao hơn so với thực tế? Không lừa dối khách hàng tại sao không có sự “nhầm” mà phần thiệt thuộc về ngành điện, chỉ có người dân chịu thiệt? Không lừa dối sao bình thường không nhầm cứ đến những tháng nắng nóng mới nhầm?
Và đây là một ví dụ cho sự bao biện không thể chấp nhận được. Ngày 5/7, Điện lực Đống Đa (Hà Nội) chốt chỉ số công tơ một hộ dân là 9191. Sau đó, ngày 6/7 khách hàng tự kiểm tra thì công tơ mới chỉ chạy đến con số 9032. “Sự cố” nhầm “ăn người” này, được giải thích: Con số thực tế mà nhân viên chốt ngày 5/7 là 9019, nhưng do nhân viên ấn nhầm giữa số 0 và số 1 nên mới thành 9191. Làm sao có thể ấn nhầm khi mà trên màn hình ipad, số 0 và số 1 ở hai đầu của dãy số, chứ không hề gần nhau để có thể ấn nhầm.
Hơn nữa có nhầm thì cũng chỉ có thể nhầm một số, tức là thay vì ấn số 0 thì nhân viên ấn số 1. Nhưng đằng này lại “nhầm” tới ba trong bốn số cần chốt. Số 0 thì bấm thành số 1, số 1 thì bấm thành số 9, số 9 thì bấm thành số 1. Mà số 1 và số 9 cũng cách xa nhau hẳn một dãy số. Đây chỉ có thể là sự “cố tình nhầm” để “móc túi” khách hàng một cách hợp pháp. Chỉ có điều sự “cố tình nhầm” này là chủ trương hay chỉ là cá nhân người chốt công tơ thì chưa biết mà thôi.
Hay như trường hợp của một hộ dân ở TP HCM cũng vậy. Sau một ngày nhân viên “nhà đèn” chốt chỉ số công tơ, chủ hộ tự kiểm tra lại công tơ thì thấy vẫn chưa quay đến con số mà nhân viên điện lực đã chốt ngày hôm trước. Lý giải cho điều này, Điện lực Gò Vấp (TP HCM) cũng không khá hơn Điện lực Đống Đa là bao nhiêu: Do nắng nóng nên nhân viên chốt chỉ số công tơ nhầm. Tương tự, Điện lực Cai Lậy (Tiền Giang) cũng phát sinh trường hợp nhân viên chốt số công tơ nhầm tới gần 100KWh.
Những trường hợp vừa kể trên quả thật đen đủi khi chỉ “ăn mỏng” tí chút thôi đã bị phát hiện. Còn có những đơn vị điện lực “ăn khá dày”, nâng khống hóa đơn tiền điện của khách hàng lên tới hàng chục, thậm chí tới vài chục lần. Đơn cử như trường hợp hộ dân ở Nghệ An, chỉ dùng hết có 253 số điện tương đương với 500.000 đồng, nhưng đã bị “đòi” số tiền hơn 16 triệu đồng, gấp hơn 30 lần thực tế sử dụng. Tất nhiên, Điện lực Nghệ An cũng lý giải đó là sự nhầm lẫn đáng tiếc trong việc chốt chỉ số công tơ và nhập số liệu vào máy.
Hay như một hộ dân ở Quảng Ninh bị “đứng tim” khi nhận được hóa đơn tiền điện lên tới hơn 89 triệu đồng, trong khi chỉ sử dụng có hơn 368.000 đồng. Điều khiến cho dư luận vô cùng bức xúc là cái cách Điện lực Quảng Ninh giải thích cho hiện tượng ăn gian tiền điện đó. Điện lực Quảng Ninh lý giải do hôm chốt chỉ số công tơ có mưa giông nên thiết bị cầm tay đã hoạt động không chính xác, dẫn đến việc sai lệch tiền điện của hộ dân từ hơn 300.000 đồng bị “hô biến” lên thành gần 90 triệu đồng.
Trang bị công nghệ hiện đại là để đỡ lãng phí nhân lực, đảm bảo tính chính xác của việc đo đếm chỉ số điện năng tiêu thụ. Song, với Hà Nội, Quảng Ninh và rất nhiều địa phương khác thì sau khi trang bị máy móc hiện đại vẫn phải cần tới ngần ấy nhân lực đi ghi số điện như trước, lại còn xảy ra sự cố ăn gian tiền điện do... mưa giông, nắng nóng. Đó là những cách giải thích theo kiểu coi thường dư luận, coi thường khách hàng và khẳng định chẳng ai có thể làm gì được. Đơn giản là điện lực chỉ có vậy, không mua thì đừng.
Còn rất nhiều ví dụ “nhầm lẫn” tiền điện khác, ở nhiều địa phương trên cả nước mà không thể kể hết. Song, tựu trung tất cả sự nhầm lẫn đều có lợi cho phía điện lực chứ không hề có bất cứ trường hợp nào sự nhầm lẫn khiến khách hàng được trả tiền ít đi. Một điểm đáng chú ý khách là vào những tháng khác trong năm, hầu như không có bất cứ sự nhầm lẫn bất thường nào về tiền điện, nhưng cứ đến những tháng hè oi ả y như rằng có sự nhầm lẫn khiến người dân phải trả nhiều tiền hơn.
Trước đây cứ mỗi khi khách hàng thắc mắc, ngành điện lại giải thích là do nắng nóng, dùng điện nhiều nên tiền điện tăng. Song, giờ người dân “khôn” rồi, họ không thắc mắc suông nữa mà đã tự kiểm tra công tơ, chụp ảnh lại làm bằng chứng nên các “ông điện” cũng không thể trả lời qua quýt, và đặc biệt là không thể “ăn gian” tiền điện được nữa. Khi mọi sự đã phơi bày ra ánh sáng thì tốt nhất là nhận lỗi, đừng có lý giải coi người dân như trẻ lên ba nữa. Nói cách khác, ngành điện hãy nhìn thẳng vào sự thật, đừng bao biện nữa.