Tại cuộc họp Hội đồng Quốc gia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông từ năm 2025. Nếu theo phương án "2+2" thì Ngoại ngữ sẽ không còn là môn bắt buộc.
Cụ thể, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) từ năm 2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề xuất (tạm gọi là phương án 1), mỗi thí sinh thi 4 môn (lựa chọn 2+2), gồm thi bắt buộc Ngữ văn, Toán và được lựa chọn 2 môn học trong lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).
Như vậy, ở phương án 2+2 của Bộ GDĐT, tuy rằng Ngoại ngữ không bị “loại hẳn” trong kỳ thi, nhưng chỉ là môn “lựa chọn”.
Các phương án thi khác còn lại, bao gồm: Phương án 4+2 (4 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12). Phương án 3+2 (môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12).
Đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT 2+2, Ngoại ngữ chỉ là môn thi lựa chọn, đã nhận được nhiều ý kiến, khi mà ngoại ngữ vẫn được coi là “điểm đen” không chỉ ở bậc học phổ thông mà còn cả ở bậc đại học, kể cả sau đại học.
Đất nước hội nhập sâu rộng, xã hội càng ngày càng phát triển, mọi người đều nhận thấy cùng với việc tinh thông tiếng mẹ đẻ, nắm vững kiến thức chuyên môn thì ngoại ngữ là vô cùng quan trọng. Nhiều người đã giành ưu thế khi có thể sử dụng một ngoại ngữ nào đó, nhất là tiếng Anh. Cũng chính vì vậy mà nhiều gia đình thành thị đã đầu tư cho con học tiếng Anh ngay từ nhỏ. Tới nay, ở các thành phố lớn, học sinh trung học khá thành thạo tiếng Anh. Trong môi trường mới như vậy, em nào không biết tiếng Anh kể như lạc hậu.
Những năm gần đây, cùng với tiếng Anh, nhiều gia đình còn đầu tư cho con học tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật... Trong phạm vi rộng, giáo dục là quốc sách thì việc trang bị ngoại ngữ cho con đã được coi là “gia sách”.
Trong bối cảnh ấy, nếu ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc với học sinh trung học thì các em sẽ không học nghiêm túc, kéo theo việc dạy cũng không nghiêm túc. Đó là lẽ bình thường. Mà như vậy thì thật đáng tiếc. Đó là chưa nói tới việc điểm thi môn Ngoại ngữ hàng năm vẫn là “điểm đen” khi có tới gần nửa triệu (hơn 40%) bài thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ có điểm dưới trung bình (tính cả điểm liệt). Nếu không có động lực học ngoại ngữ thì thế hệ trẻ sẽ lại tụt hậu trong khi mô thức “công dân toàn cầu” đang ngày một lan rộng.
Với nhiều người, học ngoại ngữ không dễ, có khi còn là nỗi sợ. Nhưng hiện nay và lâu dài, có sợ cũng không tránh được, vì ngoại ngữ không chỉ là công cụ mà còn là phương tiện, là hành trang quan trọng để vào đời.
Nhân đây, xin dẫn một vài số liệu của kỳ thi tốt nghiệp THPT cả nước. Phân tích do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thực hiện cho thấy, thống kê kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023, cả nước có 16.427 điểm 10; 656 điểm liệt (bằng hoặc dưới điểm 1,0). Đáng chú ý, môn Tiếng Anh mặc dù có số lượng điểm 10 xếp thứ 3 trên tổng số 9 môn thi, tuy nhiên đây cũng là môn học có tổng số điểm liệt nhiều nhất. Cụ thể, năm 2023 cả nước có 192 thí sinh bị điểm liệt môn tiếng Anh, chiếm 29,3% số lượng điểm liệt của tất cả các môn. Còn trước đó 1 năm, năm 2022, cả nước có 671 bài thi bị điểm liệt, trong đó Tiếng Anh cũng lại là môn học có nhiều điểm liệt nhất: 423 bài thi, chiếm tới 63,04% số lượng điểm liệt của tất cả các môn.
Có thể điểm thi môn ngoại ngữ thấp sẽ kéo theo kết quả kỳ thi thấp, nhưng cũng không nên vì thế mà đưa ngoại ngữ thành môn thi tự chọn. Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), kỳ thi tốt nghiệp THPT nên thi 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ và 2 môn lựa chọn (có thể gọi là công thức 3+2).
Trở lại với phương án thi tốt nghiệp THPT 2+2, trong đó ngoại ngữ chỉ là môn lựa chọn, thì có thể dễ dàng nhận thấy việc dạy và học ngoại ngữ ở những vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn rất có thể bị bỏ lửng. Những nơi đó vốn đã thiếu giáo viên ngoại ngữ nên tình hình sẽ càng trầm trọng hơn. Người học sẽ phải chịu thiệt thòi nhiều hơn.
Hãy thử hình dung một học sinh thành thị với một học sinh nông thôn. Một em có khả năng ngoại ngữ còn một em thì không. Như vậy, xuất phát điểm học lên đại học hoặc vào đời sẽ rất khác nhau.
Không nên vì thành tích của kỳ thi hoặc vì lý do nào đó mà đưa ngoại ngữ ra khỏi môn thi bắt buộc. Dẫu rằng tới nay ngoại ngữ vẫn là “điểm đen”, thì cách tốt nhất là phải biến nó thành “điểm son”. Nếu không, “điểm đen” sẽ mãi vẫn còn đó như một thách thức.