Trẻ nhỏ đã quay trở lại trường với niềm vui được gặp gỡ bạn bè, thầy cô và được tiếp thu kiến thức trực tiếp. Tuy nhiên, ngoài Covid-19, những căn bệnh như cảm cúm, bệnh đường tiêu hóa, bệnh đường hô hấp cũng dễ xuất hiện hơn so với khi trẻ còn học trực tuyến tại nhà.
Thực tế cho thấy, không ít trẻ thường xuyên ốm vặt - những bệnh không nguy hiểm nhưng lại khiến trẻ phải nghỉ học, ảnh hưởng tới việc tập trung và kết quả học tập của trẻ. Gọi là ốm vặt, bởi mỗi năm, trẻ có thể mắc phải nhiều lần, nhất là vào các thời điểm giao mùa, thay đổi thời tiết. Nhiều trẻ có thể chỉ nhiễm bệnh vặt trong một thời gian rất ngắn nhưng cũng có trường hợp dẫn đến viêm phổi, tiêu chảy kéo dài.
PGS. TS. BS Bùi Thị Nhung - Trưởng Khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện dinh dưỡng Quốc gia cho biết, các bệnh ốm vặt chủ yếu là bệnh về đường hô hấp như ho sốt, sổ mũi, viêm họng, tiêu chảy…. Trẻ từ 3-7 tuổi dễ mắc các căn bệnh này. Trong khi đó, suốt một thời gian dài vừa qua trẻ ít được tiếp xúc với môi trường bên ngoài do phòng, chống dịch Covid-19, khả năng vận động của trẻ cũng giảm đi khiến sức đề kháng của trẻ đối với những căn bệnh nói trên giảm đi.
BS Nhung cho biết thêm, trẻ thường xuyên ốm sẽ dẫn đến cơ thể yếu, mệt, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất, rối loạn hệ tiêu hóa… Khi sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh cũng làm mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, hấp thu thức ăn và các chất dinh dưỡng kém hơn, làm trẻ dễ ốm hơn, hệ miễn dịch suy giảm… Vì thế, ốm vặt ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và sức khỏe của trẻ. Nhiều trẻ vì ốm nên phải nghỉ học, hoặc mệt mỏi kéo dài sau khi khỏi bệnh dẫn đến thiếu sự tập trung khi học, kết quả học tập không đạt như mong muốn.
Lý giải về nguyên nhân, GS. TS. BS Phạm Nhật An - Trung tâm Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho hay, nhiều bậc phụ huynh cho rằng tình trạng trẻ thường xuyên ốm vặt là do cơ địa của trẻ nhưng thực chất trẻ hay bị ốm vặt đều có nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên chính là do hệ miễn dịch của trẻ kém do bị các bệnh về nhiễm trùng, hoặc do dùng nhiều thuốc kháng sinh... Có thể nói, hệ miễn dịch càng kém thì trẻ càng hay bị ốm.
Đồng quan điểm, BS Nhung cho rằng, hệ miễn dịch là “rào chắn” giúp cơ thể tránh bị virus, vi khuẩn có hại xâm nhập. Trong thời điểm các bệnh truyền nhiễm bùng phát, một em bé khoẻ mạnh có hệ miễn dịch tốt khi tiếp xúc với đám đông sẽ ít mắc bệnh hơn, hoặc khi mắc thì diễn biến bệnh cũng sẽ nhẹ hơn. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh thường chủ quan, không chú trọng đến việc bảo vệ hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng cho trẻ. Điều này hoàn toàn sai lầm bởi khi hệ miễn dịch suy yếu, trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và sự phát triển của trẻ.
Do vậy. cha mẹ cần tập cho trẻ ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm để trẻ hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể qua các bữa ăn hàng ngày, từ đó giúp trẻ đỡ ốm vặt, không ảnh hưởng đến quá trình học tập.
Theo khuyến nghị từ tháp dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia, mỗi bữa ăn chính của trẻ được khuyến cáo có từ 10 loại thực phẩm trở lên, không có loại thực phẩm nào là tối ưu đầy đủ các chất dinh dưỡng, bởi vậy cần cho trẻ ăn đa dạng. Các rau củ quả màu vàng nhiều vitamin A, tham gia vào hệ thống miễn dịch, kháng thể bề mặt chống lại virus, vi khuẩn xâm nhập. Vitamin C có trong các loại rau xanh đậm, vitamin D từ ánh nắng mặt trời, vitamin E trong các loại hạt có dầu.