Đừng đùa với pháo

Đức Trân 03/01/2023 07:29

Tai nạn do pháo nổ thường là những chấn thương nặng và rất nặng. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp tử vong hoặc phải chịu thương tật suốt đời do pháo nổ tự chế. Thế nhưng, bất chấp những cảnh báo từ các cơ quan chức năng, mỗi khi Tết đến là số ca nhập viện vì tai nạn pháo nổ lại tăng đột biến.

Hình ảnh x-quang bệnh nhi dập nát tay do pháo nổ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Ảnh: BVCC.

Thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) cho biết, 1 tuần gần đây, khoa Chấn thương Chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện 108 liên tiếp tiếp nhận những ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ học theo hướng dẫn trên mạng để chơi.

Một trường hợp điển hình được các bác sĩ thông tin, bệnh nhân nam (16 tuổi, ở Bắc Giang) vào viện trong tình trạng vết thương bàn tay trái phức tạp. Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân chơi pháo tự chế, khi đang cầm pháo trên tay thì pháo nổ gây nát bàn tay trái và chân phải.

1 trường hợp khác cũng tại cơ sở y tế này, bệnh nhân nam (15 tuổi, ở Nam Định), bệnh nhân bị nát bàn tay phải, gãy đốt 1 ngón tay phải, vết thương chảy máu phức tạp. Tại Bệnh viện 108, bệnh nhân được các bác sĩ kịp thời phẫu thuật cấp cứu, xử lý vết thương. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cắt lọc vết thương, chỉnh trục các ngón, găm đinh cố định, khâu định hướng vết thương, hiện tại bệnh nhân tỉnh táo,….

Đáng lưu ý, những trường hợp nói trên không phải là duy nhất. Số vụ tai nạn do pháo nổ trong 10 ngày qua được ghi nhận không ít trên phạm vi cả nước.

Ngày 25/12/2022, 4 thiếu niên từ 12-14 tuổi ở huyện Krông Nô (Đắk Lắk) đã tự làm pháo dẫn đến sự cố phát nổ khiến 2 em tử vong. 2 em khác phải cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng nguy kịch.

Cùng thời gian trên, 2 trẻ ở huyện Yên Thành và Thanh Chương (Nghệ An) bị giập nát bàn tay cũng vì tự chế pháo nổ. Một trường hợp khác ở tỉnh Bình Phước, thiếu niên 14 tuổi bỏ lưu huỳnh vào máy xay sinh tố để nghiền làm thuốc nổ cũng bị thương nặng….

Gần đây, Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cũng thông tin nơi này tiếp nhận liên tiếp 5 bệnh nhi bị tai nạn thương tích nặng liên quan đến pháo nổ chỉ trong vòng 1 tuần cuối năm.

Tương tự, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng tiếp nhận hơn 10 trường hợp là học sinh cấp 2, 3, bị tai nạn do pháo nổ, chỉ trong 2 tuần. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị bỏng 2 mắt; dập nát các ngón tay, bàn tay; chấn thương phần mềm trên mặt, cơ thể... Thống kê của cơ quan chức năng cho biết, mỗi năm có hàng trăm vụ tai nạn từ pháo, như Tết năm 2022 có đến 300 trường hợp cấp cứu do đốt pháo hoặc sản xuất pháo lậu dẫn đến phát nổ gây thương vong.

Lệnh cấm đốt pháo được Chính phủ ban hành từ năm 1994 sau rất nhiều tai nạn thương tâm liên quan đến pháo. Tuy nhiên, việc lén lút nhập pháo lậu và sản xuất pháo nổ vẫn diễn ra hàng năm, nhất là vào dịp cận Tết.

Mặc dù, những khuyến cáo, thậm chí những chế tài nghiêm khắc được áp dụng, song việc lén lút sản xuất pháo và đốt pháo trong mỗi dịp cuối năm và Tết vẫn xuất hiện liên tục.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Tai nạn do pháo nổ thường là những chấn thương nặng, rất nặng và đặc biệt nguy hiểm. Pháo nổ không chỉ gây bỏng do tỏa ra nhiệt lượng mà còn có sức công phá và ảnh hưởng của hóa chất, gây ra các vết thương nghiêm trọng, dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay. Thậm chí có nhiều trường hợp tử vong hoặc phải chịu thương tật suốt đời do pháo nổ tự chế.

“Khả năng bị nhiễm trùng vết thương cũng rất cao do các bệnh nhân thường bị bỏng nặng và điều trị cũng rất tốn kém, chăm sóc sau phẫu thuật thường phức tạp do nhiễm trùng lớn và quá trình điều trị lâu dài, hồi phục chức năng khá lâu gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân và tinh thần của những người thân trong gia đình bệnh nhân” - ông Khánh nói.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng tránh những tai nạn do pháo nổ, người dân không nên tự mua pháo trên mạng; không cho trẻ con sử dụng pháo; phụ huynh nên quan tâm, kiểm soát những nội dung trên mạng internet, không để con xem những clip hướng dẫn làm pháo tự chế vì tự ý làm pháo là vi phạm pháp luật và gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đừng đùa với pháo