Hà Nội có ý tưởng tháo dỡ hàng rào bao quanh các công viên để tạo ra không gian mở, thông thoáng, phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, công việc này vẫn chưa tiến triển một cách đồng bộ, khiến người dân và dư luận không khỏi băn khoăn.
Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, khu vực nội đô hiện có 63 công viên và vườn hoa, chiếm khoảng 2% tổng diện tích đất. Dù không phải nhiều, nhưng điều đáng bàn hơn, đó là các khu vực công viên, vườn hoa ở Thủ đô chưa thực sự phát huy hết công năng, chưa trở thành điểm sinh hoạt của cộng đồng…
Vì thế, tháo dỡ hàng rào bao quanh công viên rõ ràng là một ý tưởng có tính lâu dài, góp phần cải thiện chất lượng sống cho người dân Thủ đô, đồng thời thu hút du khách khi tới Hà Nội. Tuy nhiên, ý tưởng này đang được thực hiện không đồng bộ, khiến không gian công cộng chưa thực sự được mở rộng hoàn toàn. Cụ thể, công viên Thống Nhất đã tháo dỡ một phần hàng rào tại khu vực phía đường Trần Nhân Tông từ cuối năm 2022, nhưng ba hướng còn lại vẫn giữ nguyên hàng rào. Công viên Cầu Giấy cũng mới chỉ tháo dỡ một phần, trong khi những phần còn lại đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Công viên Tuổi Trẻ gần đây đã tháo dỡ hơn 600 mét rào sắt, nhưng việc cải tạo hạ tầng, đặc biệt là các khu vực xung quanh, vẫn chưa hoàn tất. Điều này khiến công việc tháo dỡ trở nên thiếu đồng bộ và gây khó khăn cho việc tiếp cận công viên của người dân.
Việc gỡ bỏ những hàng rào kiểu “tường cao, rào kín” ở các công viên của Hà Nội phù hợp với bối cảnh hiện nay, tạo ra không gian công cộng thân thiện, dễ tiếp cận cho người dân, khách du lịch. Song, việc thực hiện không đồng bộ khiến người dân cảm thấy khó hiểu.
Vẫn biết, để thực hiện ý tưởng này, sẽ đối mặt với những khó khăn nhất định. Hạ tầng của các công viên chưa hoàn chỉnh, khiến việc mở cửa công viên dễ dẫn đến tình trạng lộn xộn, đặc biệt là khi không có sự quản lý chặt chẽ. Ngoài ra, cốt nền giữa vỉa hè, lề đường so với mặt đất công viên, ở một số vị trí còn chênh nhau đáng kể. Do đó, nếu chỉ tiến hành thao tác cơ học là tháo dỡ hàng rào có thể gây nguy hiểm cho người dân, du khách, và các phương tiện tham gia giao thông…
Tuy vậy, những khó khăn trong quá trình thực hiện cần được giải quyết kịp thời, không để làm cản trở việc tạo lập những “công viên mở”. Bởi việc tháo dỡ hàng rào công viên là cần thiết. Không thể để tiếp diễn tình trạng nêu ra chủ trương/ ý tưởng rồi thực hiện “được chăng hay chớ”. Trong bối cảnh công viên đã ít, dân cư đông đúc, mà các công viên hiện có không thể phát huy được hết công năng thì rõ ràng là điều lãng phí, cần xem xét và có kế hoạch đầu tư kịp thời. Vì vậy, việc tiếp tục dỡ bỏ hàng rào tại các công viên cần được thực hiện triệt để và đồng bộ.
Chúng ta không thể chỉ dừng lại ở việc tạo ra các công viên mở mà không có giải pháp đi kèm để quản lý và bảo vệ các không gian này. Các công viên cần được quy hoạch lại hợp lý, bổ sung các tiện ích công cộng như ghế ngồi, nhà vệ sinh và các khu vực thể thao, vui chơi để phục vụ nhu cầu của người dân. Công tác bảo vệ cũng rất quan trọng. Việc lắp đặt camera giám sát, tăng cường lực lượng dân phòng là những biện pháp cần thiết để giữ gìn trật tự và vệ sinh công cộng trong công viên.
Khi đã xác định công viên mở thì phải thực sự mở, việc tháo dỡ hàng rào không đồng bộ chỉ gây lãng phí và làm mất mỹ quan đô thị. Nếu không thực hiện triệt để việc tháo dỡ hàng rào và không đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công viên sẽ không thể trở thành một không gian sinh hoạt cộng đồng.
Hà Nội đang cần những bước đi đồng bộ và quyết đoán hơn trong việc thực hiện chủ trương này. Không thể để tình trạng nửa vời tiếp diễn, khi các công viên vẫn còn đó những hàng rào cũ kỹ, xuống cấp, gây mất vệ sinh và làm giảm giá trị thẩm mỹ của không gian công cộng. Hà Nội đang thay đổi, nhưng cần thay đổi nhanh hơn nữa, để khẩu ngữ “Hà Nội không vội được đâu” sớm được thay bằng: “Hà Nội đã nói là làm, không làm nửa vời!”.